Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ngày 3.2 tiếp tục yêu cầu quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi sau khi quân đội hôm 1.2 ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và lên nắm quyền, giam giữ bà ở một địa điểm không được tiết lộ.
Reuters dẫn lời ông Kyi Toe, đại diện của NLD, cho biết bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyidaw.
Tại thành phố Yangon, nhiều người dân đã hô vang "cái ác phải cút đi", rồi gõ xoong nồi và nhấn còi xe khắp nơi. Các nhân viên y tế ở ít nhất 70 bệnh viện, cơ quan y tế ở Myanmar đã đình công nhằm phản đối các tướng lĩnh quân đội lên cầm quyền.
Đảng NLD đồng thời yêu cầu công nhận chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020. Cụ thể, đảng NLD giành chiến thắng với 83% số ghế ở quốc hội. Hiến pháp dành cho quân đội 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.
|
Trong khi đó, quân đội Myanmar đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử và không công nhận chiến thắng của NLD. Quân đội còn bắt giữ các lãnh đạo của NLD và trao quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Trong cuộc họp với tân chính phủ, ông Min Aung Hlaing nhấn mạnh việc quân đội phải nắm quyền là điều không thể tránh khỏi, bất kể ủy ban bầu cử bác bỏ mọi cáo buộc về gian lận. Ông Min Aung Hlaing hứa hẹn sẽ tổ chức cuộc bầu cử tự do, công bằng và bàn giao quyền lực cho người chiến thắng nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể.
|
Tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), đặc phái viên về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ "cùng nhau gửi một thông điệp rõ ràng nhằm ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar”.
Hội đồng Bảo an LHQ đang đàm phán về dự thảo một tuyên bố với nội dung lên án hành động của quân đội Myanmar được cho là “cuộc đảo chính”, kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền và nhân quyền, đồng thời lập tức trả tự do những người bị bắt giữ bất hợp pháp.
|
Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an LHQ cần phải có sự đồng thuận của 15 thành viên cho những tuyên bố như vậy. Một quan chức ngoại giao của phái bộ Trung Quốc tại LHQ cảnh báo khó có thể đạt được sự đồng thuận về dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác định việc tiếp quản chính quyền của quân đội Myanmar là một cuộc đảo chính và điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong vấn đề viện trợ từ nước ngoài. Chính phủ Tổng thống Joe Biden cảnh báo sẽ tái áp dụng các lệnh cấm vận nhắm vào những tướng lĩnh nắm quyền ở Myanmar. Một quan chức Mỹ cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley đã cố gắng liên lạc nhưng không thể kết nối với quân đội Myanmar.
|
Bà Suu Kyi (75 tuổi) đã trải qua khoảng 15 năm bị quản thúc tại gia từ năm 1989-2010 trong lúc lãnh đạo phong trào dân chủ. Vào năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình lúc bị quản thúc tại gia, theo Reuters.
Quân đội Myanmar cầm quyền đất nước kể từ năm 1962 cho đến khi đảng NLD của bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015 theo một hiến pháp vốn đảm bảo cho quân đội nắm một số vị trí then chốt trong chính phủ.
Vị thế quốc tế của bà Suu Kyi với tư cách là biểu tượng nhân quyền đã bị tổn hại nặng nề sau vụ trục xuất hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya thiểu số hồi năm 2017 và bà lên tiếng bảo vệ quân đội trước những cáo buộc diệt chủng.
|
Bình luận (0)