Mưa tới nhưng nóng nắng vẫn gay gắt
Sau những trận mưa ngắn ngủi đầu tháng, những ngày qua, người dân TP.HCM lại sống trong không khí oi bức, nắng nóng kéo dài. Rất nhiều người bày tỏ thất vọng vì mùa mưa vẫn chưa thực sự tới như họ mong chờ.
Chị Nguyễn Ngọc Thùy (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Theo dõi thời tiết những ngày qua, so với những quận khác thì chỗ mình ở khá may mắn vì đã có được 2 - 3 cơn mưa. Tuy nhiên, do mưa không đủ lớn nên khi vừa dứt hạt mưa thì nắng nóng gay gắt lập tức quay trở lại, không khí càng oi bức khó chịu. "Mình là người lớn dù sao cũng gồng được, chỉ tội mấy đứa nhỏ. Ngày nào mấy đứa con tôi đi học về cũng thấy mặt mũi bơ phờ, mệt mỏi. Đang vào mùa thi nhưng nắng nóng kỷ lục cũng ảnh hưởng đến việc học hành, thi cử. Đó là chưa kể các cháu cũng thường xuyên cảm sốt", chị Thùy tâm sự.
Chị Quỳnh Lê (ngụ Q.12, TP.HCM) thì than trời vì "tại khu vực KP.1, P.Hiệp Thành nhà tôi mới chỉ có một cơn mưa rào nhẹ cách đây mấy hôm. Còn lại là nắng nóng kinh khủng. Đầu tháng 4 này, đứa em tôi vừa sinh con. Thương em bé, suốt hơn một tháng qua mới chỉ đôi ba lần được hít thở khí trời tự nhiên, còn lại toàn phải ở trong máy lạnh 24/24. Cũng chính vì vậy mà hóa đơn tiền điện tháng 4 vừa rồi đã tăng gấp 3 lần bình thường. Với tình trạng nắng nóng như hiện tại thì gánh nặng tiền điện vẫn còn nguyên".
Là người thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết nhiều năm nay, anh Lê Tấn Hiệp (ngụ Q.11, TP.HCM) so sánh: Đầu tháng 4 năm ngoái TP.HCM đã xảy ra một trận mưa rất lớn trên quy mô cả thành phố. Sau đó, mưa xuất hiện thường xuyên và đến giữa tháng 5 đã vào mùa mưa. Tuy nhiên năm nay, mưa xuất hiện muộn hơn một tháng. Đến thời điểm này cũng chưa có trận mưa nào lớn như trận mưa ngày 5.4 năm ngoái, thậm chí vẫn thấy thông tin cảnh báo nắng nóng ở nhiều nơi.
Anh Trần Tuấn Anh (ở TP.Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu) so bì: TP.HCM, Đồng Nai và nhiều nơi khác đã có mưa nhưng tại Bà Rịa của tôi còn chưa có giọt mưa nào. Nắng nóng rát da từ sáng sớm đến tận bốn giờ chiều. Xem dự báo thời tiết thấy địa phương của tôi là nơi đón mùa mưa muộn nhất Nam bộ, đến tận cuối tháng 5.
Nỗi niềm của người dân TP.HCM cũng như các tỉnh phía nam là có thể hiểu. Thực tế, dù mưa đã rơi nhưng tình trạng nắng nóng vượt kỷ lục vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều nơi trên cả nước. Đáng chú ý, tại nhiều tỉnh thành Nam bộ nắng nóng vượt lịch sử tiếp tục được ghi nhận.
Tình trạng này dự báo còn kéo dài đến khoảng ngày 15.5. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm qua và hôm nay (12 - 13.5), khu vực Nam bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên
37 độ C. Đáng chú ý, trong 10 ngày đầu tháng 5 mưa đã rơi ở nhiều nơi nhưng tình trạng nắng nóng, thậm chí mức nhiệt độ cao vượt kỷ lục vẫn tiếp tục ghi nhận trên phạm vi cả nước. Cụ thể có đến 17 kỷ lục nhiệt độ mới được ghi nhận. Đáng chú ý trong số này thuộc về các tỉnh thành Nam bộ và đặc biệt là khu vực ĐBSCL.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Đến trưa 12.5, ở khu vực Nam bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C như: Biên Hòa (Đồng Nai) 37 độ C, Long Khánh (Đồng Nai) 36,2 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 36,8 độ C… Nắng nóng ở Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 15.5. Trong giai đoạn nửa cuối tháng 5, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ.
Hàng trăm ngàn héc ta cây trồng cần được "tắm mát"
Tại vựa nông sản của cả nước, mưa muộn khiến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt ở một số nơi tiếp tục kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ TP.Gò Công (Tiền Giang), cho biết: Chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn duy trì cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân nên nước sinh hoạt được đảm bảo. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn kể cả cây trồng lẫn nuôi tôm. Bà con trồng thanh long vừa thiếu nước tưới, vừa bị xâm nhập mặn nên bị thiệt hại nặng do không dám xông đèn thu trái vụ nghịch. Tương tự, nắng nóng gắt, độ mặn cao nên những người nuôi tôm cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại xã Hòa Tú (H.Mỹ Xuyên) - một trong những vùng nuôi có tiếng của tỉnh Sóc Trăng, ông Dương Văn Sáu than thở: Nắng nóng gắt khiến lượng ô xy trong nước giảm. Để xử lý phải chạy máy quạt nước cả ngày khiến chi phí tăng. Bên cạnh đó, năm nay xâm nhập mặn tăng mạnh khiến độ mặn vượt quá mức chịu đựng làm tôm bị "chai" không lột vỏ được, không đạt kích cỡ về trọng lượng. Trong khi đó, việc xuất khẩu không thuận lợi khiến giá bán tôm thấp hơn các năm trước 30 - 40%, nông dân lỗ nặng.
Ngay đến sầu riêng đang xuất khẩu thuận lợi thì nông dân và ngành chức năng cũng cảnh báo về sự thiệt hại vì nắng nóng. Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng lâu năm cho biết: Năm nay nắng nóng gay gắt, thiếu nước tưới khiến thời gian sinh trưởng của trái sầu riêng bị rút ngắn hơn bình thường, dẫn đến chất lượng không bằng những năm trước. Bên cạnh đó, kích cỡ trái sầu riêng cũng nhỏ hơn nên số lượng đạt chuẩn xuất khẩu giảm. Thậm chí một số vườn sầu riêng ở miền Tây bị chết luôn cả cây sau khi thu hoạch vì thiếu nước tưới và nắng nóng gay gắt.
Theo số liệu của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng vừa qua đã làm hơn 40.000 ha cây trồng gồm lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp... ở Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ đang bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Riêng tại khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn khiến khoảng 4.642 ha chanh và cây ăn trái có nguy cơ giảm năng suất; 43 ha lúa (Sóc Trăng) bị mất trắng. Dự báo thời tiết nắng nóng và tình trạng khô hạn còn kéo dài đến giữa tháng 5 nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán vào cuối mùa khô. Hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đối mặt với tình trạng nắng nóng khô hạn kéo dài.
Có thể thấy, dù mưa chuyển mùa đã có nhưng nắng nóng, thiếu nước vẫn đang ảnh hưởng mạnh tới đời sống sinh hoạt cũng như nuôi trồng của người dân Nam bộ.
Tỉnh Đắk Lắk là vùng trồng sầu riêng lớn nhất VN hiện nay, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, thừa nhận: Do thời tiết bất lợi như vừa nêu nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của trái sầu riêng. Tuy nhiên thật khó định lượng chính xác việc sụt giảm này. Nguyên nhân là cây sầu riêng 7 tuổi sẽ có năng suất cao hơn đáng kể so với 6 tuổi nên có giảm thì rất khó nhận biết chính xác là giảm bao nhiêu. Bên cạnh đó, trên quy mô toàn tỉnh hay cả nước thì số lượng cây sầu riêng vào độ tuổi thu hoạch năm nay tăng hơn năm trước nên sản lượng tổng vẫn tăng.
Bình luận (0)