Người dân nói tay đỡ trụ đèn cầu vượt Dầu Giây gây nguy hiểm, chủ đầu tư nói gì?

Lê Lâm
Lê Lâm
09/03/2022 09:37 GMT+7

Sau khi cầu vượt Dầu Giây được khánh thành, đưa vào sử dụng, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng cho rằng các tay đỡ trụ đèn gây mất an toàn .

Hôm qua (8.3), Công ty cổ phần BT20-Cửu Long (chủ đầu tư dự án cầu vượt Dầu Giây) phối hợp với lực lượng CSGT H.Thống Nhất (Đồng Nai) tổ chức phân luồng, cho phép ô tô (cấm xe máy, xe đạp, người đi bộ lưu thông trên cầu) lưu thông qua cầu vượt Dầu Giây.

Mố cầu M1 (bên phải) đã hoàn thiện, hiện công ty đang cho thi công hoàn thiện mố cầu M2 (bên trái)

LÊ LÂM

Toàn bộ dự án vẫn chưa hoàn thành. Việc cho ô tô lưu thông qua cầu cũng tạo thuận tiện cho chủ đầu tư thi công các hạng mục còn lại bên dưới cầu gồm hoàn chỉnh mặt đường quốc lộ 1 hai bên cầu vượt, các nhánh rẽ phạm vi nút giao, các đảo giao thông.

Thông xe cầu vượt Dầu Giây ở Đồng Nai

Sau khi cầu vượt Dầu Giây thông xe, có nhiều ý kiến của người dân bày tỏ lo lắng về việc mất an toàn giao thông khi có tay đỡ trụ đèn nhô ra hướng TP.HCM đi Bình Thuận.

Ô tô được lưu thông qua cầu vượt Dầu Giây từ ngày 8.3

LÊ LÂM

Sáng 9.3, trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Mậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long khẳng định: “Công ty thi công đúng thiết kế, với các cây cầu khác đều như thế chứ không riêng gì mố cầu này”.

Theo ông Mậu, theo thiết kế, mố cầu này có 1 bó vỉa cách tường chắn 0,5 m, ngoài ra còn có vạch sơn cho phép xe lưu thông cách vỉa tường chắn 1 m. “Cho nên xe không thể chạy lấn vào va chạm với mố cầu này được. Mố cầu này nằm trong phạm vi an toàn”, ông Mậu nói.

Cũng theo ông Mậu, ở mố M1 (phía bắc, hướng từ Bình Thuận đi TP.HCM) công ty đã làm xong. Còn mố M2 mà người dân chụp ảnh và bàn tán trên mạng, do lưu lượng xe rất cao, nếu công ty rào lại để thi công sẽ gây tắc đường nên cho đặt tạm các cục phân cách, chôn các cọc tiêu cảnh báo.

Ông Mậu nói rằng bắt đầu từ hôm nay, khi lưu lượng xe 2 bên đường giảm do ô tô được lưu thông qua cầu vượt Dầu Giây, công ty cho nhân công thi công hoàn thiện phần mố cầu này.

Cầu vượt Dầu Giây nằm trên QL1 và QL20 thuộc địa bàn TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất, Đồng Nai). Cầu được khởi công tháng 2.2017, vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng bằng ngân sách. Cầu dài 346 m, rộng 16 m cho 4 làn xe cơ giới. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành trong năm 2018, nhưng do thiếu vốn, vướng mặt bằng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự án vẫn kéo dài đến nay, trở thành điểm đen giao thông trong những năm qua. Trước những bức xúc của người dân, Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị đến Bộ GTVT, thúc đẩy tiến độ dự án. Lần gần nhất là cuối năm 2021, sau đó Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để hoàn thành đưa dự án cầu vượt Dầu Giây vào khai thác trong quý 1/2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.