Chuyện nuôi chó ở nhà chung cư, khu dân cư thời gian qua vẫn gây nhiều tranh cãi. Nuôi chó thả rông không rọ mõm, phóng uế bừa bãi, gây tiếng ồn…, ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, ai sẽ phạt nếu người dân vi phạm, việc xử phạt ở TP.HCM khó hay dễ?
Người cha bị chủ chó đánh ở TP.HCM quyết không hòa giải
Người dân ý kiến, phường lập ngay đội bắt chó thả rông
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức cho biết, phường chưa nhận đơn thư chính thức phản ánh về việc hàng xóm nuôi chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế,… Nhưng qua các buổi họp trong khu dân cư, người dân có nêu các ý kiến về vấn đề này.
Bên cạnh đó, nhận thấy chó thả rông có thể gây tai nạn giao thông, cắn người, rượt người đi đường té ngã, phóng uế gây ô nhiễm môi trường,… UBND P.Hiệp Bình Chánh đã lập đội bắt chó thả rông. Đây cũng địa phương cấp phường, xã, thị trấn đầu tiên ở TP.HCM thành lập được đội chuyên trách bắt chó thả rông.
Theo ông Tuấn, đội chuyên trách bắt chó thả rông của phường gồm cán bộ, công chức của UBND phường và các thành viên trong ban điều khu phố, tổ dân phố. Thời gian đầu thành lập, đội được sự hỗ trợ của trung tâm huấn luyện chó trong quá trình bắt chó thả rông.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, có nên cấm nuôi chó mèo ở chung cư?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
"Chó chạy rông sau khi bắt sẽ được UBND phường tạm giữ ở điểm cách xa khu vực dân cư tránh ảnh hưởng môi trường. Chủ nuôi muốn nhận lại chó phải nộp phạt vi phạm hành chính. Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ được giao cho đơn vị có chuyên ngành thú y để nghiên cứu khoa học hoặc xử lý theo quy định", ông Tuấn nói.
Theo đó, khi đến chuộc chó về, chủ nuôi sẽ phải đóng phạt 400.000 đồng vì hành vì thả rông chó và 1.500.000 đồng cho lỗi không đeo rọ mõm cho chó; đồng thời, chủ nuôi phải xuất trình sổ tiêm ngừa của chó. Trường hợp không xuất trình được sổ tiêm ngừa, chủ nuôi phải đăng ký tiêm rồi mới đóng phạt, chuộc chó về.
Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh cũng cho hay, trước khi đội bắt chó thả rông hoạt động, phường đã tuyên truyền liên tục trong vòng 1 tháng, triển khai cho người dân đăng ký nuôi chó ở khu dân cư. Sau 2 hơn tháng hoạt động, phường đã xử phạt hơn 40 trường hợp, nhiều người lên đóng 1.900.000 đồng để chuộc chó, nhưng cũng có người lên biết mức phạt cao thì không chuộc chó về.
"Từ đó đến nay, ý thức người dân đã thay đổi nhiều, kể cả khu phường chưa đến làm bà con cũng không còn thả rông tràn lan. Người dân gọi đến phường phản hồi tích cực", ông Tuấn nhận xét.
Có thể "phạt nguội" qua hình ảnh
Theo ông Phan Đình An, Bí thư P.6, Q.Gò Vấp, ở địa phương thỉnh thoảng có trường hợp người dân phản ánh có tình trạng chó thả rông, phóng uế, nhưng phường chưa phạt tiền trường hợp nào vì không có hình ảnh hay clip làm bằng chứng.
Ông An cho rằng, người dân khi phản ánh đến phường có thể cung cấp thêm hình ảnh xác định được con chó đang có hành vi gì, chạy về nhà nào hay cảnh người nuôi dắt chó ra ngoài phóng uế,…
Bí thư P.6 cũng nhận định, chó thả rông tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, phóng uế mất vệ sinh môi trường, việc đeo rọ mõm chó cũng giúp đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
"Phường 6 không có lực lượng bắt chó thả rông, kỹ năng bắt, trang thiết bị cũng như căn cứ về pháp lý để lực lượng này làm việc nên chưa triển khai được", ông An cho hay.
Ông Đỗ Khánh Du, Phó chủ tịch UBND P.26, Q.Bình Thạnh cũng chia sẻ, đầu năm 2023 đến nay, phường ghi nhận 3 trường hợp người dân phản ánh chó thả rông, phóng uế trong khu dân cư.
Nhận thông tin, phường đã đi tìm hiểu, xác nhận chủ chó là ai, yêu cầu viết cam kết không để chó phóng uế bừa bãi và cho hay sẽ kiểm tra bất ngờ, nếu tái phạm sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Ông Du nói: "Ghi nhận ở tổ dân phố 3 trường hợp này sau khi được nhắc nhở thì không tái phạm nữa, họ đã xích chó trong phạm vi sân nhà. Phường chưa nhận được hướng dẫn về thành lập đội bắt chó, lực lượng đô thị phường không có chuyên môn về bắt chó hay chó bắt rồi giữ ở đâu, chăm sóc ra sao, cơ sở pháp lý lỡ chó chết trong quá trình giữ thì sao… nên hiện chỉ làm khi kiểm tra phát hiện hoặc người dân phản ánh.
Chủ tịch P.26 cho hay, 1 chung cư trên địa bàn từng hỏi UBND phường xem có cách nào không cho nuôi chó ở chung cư hay không. Theo căn cứ quy định pháp luật, phường đã trả lời là hiện chưa có căn cứ để chung cư cấm nuôi, đồng thời tư vấn cho ban quản trị, ban quản lý đưa nội dung ra để thống nhất trong Hội nghị nhà chung cư rồi thực hiện.
"Dù là cư dân ở chung cư hay khu dân cư, nếu phát hiện chó thả rông, phóng uế bừa bãi, gây ồn ào có thể quay lại clip để phường xử lý. Riêng ở chung cư, ban quản lý, ban quản trị không có thẩm quyền phạt, nhưng cung cấp đầy đủ hình ảnh, phường có thể lập biên bản phạt được chủ chó", ông Du nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một phường trên địa bàn Q.Phú Nhuận cũng thông tin, mới đây phường nhận phản ánh qua tổng đài 1022 về trường hợp chó nuôi trong biệt thự gây ồn ào.
"Khi tìm hiểu, chúng tôi xác định được con chó này hay sủa khi người nuôi thả ra cho chạy trong khuôn viên biệt thự của mình. Sau khi nhắc nhở, người nuôi chó cam kết không để tình trạng trên tái diễn. Từ đó đến nay, hàng xóm cũng không còn phản ánh tiếp", lãnh đạo phường kể.
Xem nhanh 12h: Dior, Chanel giả trong trạm nghỉ | Phạt cô đồng “đúng nhận, sai cãi”
Bình luận (13)
rất đồng tình với cách giải quyết này của bên phường. Nhà mình lần nào ra cũng thấy một bãi trước nhà, chó ko phải mình nuôi mà cứ đi dọn dẹp như vậy rất phiền phức.
Cần phải nhân rộng mô hình này để dẹp loạn nuôi chó 🐶, mèo 🐱 thả rông gây tai họa cho người và làm ô nhiễm môi trường sống./.
phải sử dụng thông tin hình ảnh do người dân cung cấp để phạt cho chừa tội thả rông-cho đi vệ sinh lung tung-nuôi thú cưng thì phải chịu khó chăm sóc ở nhà đừng làm ảnh hưởng công đồng