Như Báo Thanh Niên đã thông tin, ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư... yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 hỗ trợ đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31.7 đến hết giãn cách. Vậy nơi cư trú là gì, nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
Nơi cư trú là gì?
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn cho biết, theo quy định tại Điều 2 luật Cư trú 2020, cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Do đó, “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”, LS Tuấn phân tích.
Theo LS Tuấn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người dân không di chuyển khỏi nơi cư trú, nghĩa là công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật thì “ai ở đâu ở đấy”.
LS Tuấn lưu ý, trong trường hợp, nếu công dân không có nơi thường trú hoặc tạm trú không đủ điều kiện đăng ký thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nếu người dân ở địa phương đi khỏi nơi cư trú mà không có lý do chính đáng thì căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng về lỗi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế", LS Tuấn cho biết.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã thông tin từ 18 giờ ngày 26.7, TP.HCM chính thức áp dụng hạn chế người và phương tiện lưu thông trên đường nhằm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, người dân được yêu cầu hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ - 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp như: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cả công tác phát hành báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu… Các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, chốt kiểm soát sẽ xử phạt.
|
Bình luận (0)