Thông tin trên được Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu trao đổi tại hội thảo "Phát triển du lịch bền vững: bản sắc, nguồn lực - Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam", diễn ra ngày 12.12.
Hội thảo do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cùng Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức.
Từ năm 2021, Sở Du lịch TP.HCM bắt đầu nghiên cứu đề án phát triển du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, H.Cần Giờ). Ban đầu, các đơn vị rất lúng túng vì toàn bộ người dân làm muối hạt, không biết đến chuyện làm du lịch.
"Chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để giữ bản sắc văn hóa của diêm dân, không đụng chạm đến hệ sinh thái nhưng giúp họ thoát khỏi cái nghèo", bà Hiếu chia sẻ. Thông thường, mỗi năm diêm dân chỉ làm việc 3 - 4 tháng rồi nghỉ, những tháng còn lại làm nông nghiệp nhỏ, ai thuê gì làm đó, thu nhập bấp bênh. 80% hộ dân ở ấp Thiềng Liềng là hộ nghèo.
Đề án du lịch cộng đồng tại ấp đảo duy nhất TP.HCM thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có 12 hộ dân tham gia còn giai đoạn 2 có 24 hộ đăng ký. Phó giám đốc Sở Du lịch cho biết để người dân làm du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp khai thác sản phẩm.
"Ban đầu phải cầm tay chỉ việc cho người dân. Nấu một món ăn ngon nhưng làm sao để thu hút khách, khi nhìn món ăn đó sẽ nhớ đến Thiềng Liềng là cả một nghệ thuật", bà Hiếu nói. Với sự hướng dẫn tận tình, có hộ phát triển muối hạt thành sản phẩm sức khỏe, tạo thành một điểm đến ngâm chân hồi phục sức khỏe sau một quãng đi bộ dài.
Để phát triển bền vững, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khai thác và bảo tồn. Điều này giúp người dân có thêm nguồn thu nhập nhưng cũng không khai thác, xây dựng quá đà. Hơn nữa, ấp đảo Thiềng Liềng thuộc khu vực rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận nên phải giữ gìn lá phổi xanh của thành phố.
Nguồn thu du lịch cộng đồng dùng để duy trì cho các sản phẩm trên ấp đảo. Giai đoạn đầu năm 2022 thu hút khách khá lớn, đơn vị khai thác phải từ chối một số đoàn nếu số lượng quá đông, quá dày. Đến nay, nguồn khách tăng 3 lần.
"24 hộ dân khi tham gia đề án đã thoát nghèo bền vững. Đây là điều hân hoan", bà Hiếu chia sẻ, đồng thời đặt kỳ vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của TP.HCM trong thời gian tới.
Giá trị văn hóa đặc trưng tạo bản sắc cho ngành du lịch
Trong phần phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết bản sắc và nguồn lực du lịch giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, đồng thời đóng góp vào sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia.
Sự phong phú và độc đáo của tài nguyên tự nhiên, văn hóa, và công nghệ không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn duy trì tính bền vững trong quá trình phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Việc khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững", chuyên gia nhận định.
Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Các ý kiến trao đổi tại hội thảo làm rõ cơ sở lý luận về bản sắc và nguồn lực trong phát triển du lịch bền vững; việc kiến tạo và phát triển bản sắc du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa; kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam về các bài học kinh nghiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn và cách quản lý sức chứa du lịch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bình luận (0)