Chỉ bằng điện thoại cá nhân, người dân có thể nộp thông báo khởi công đồng thời nhận thông báo của công chức quản lý đối với công trình của mình. Qua đó, giúp rút ngắn trình tự thủ tục, chi phí đi lại.
Đây là những ưu điểm của Hệ thống điện tử về quản lý công trình xây dựng vừa được UBND thành phố Thủ Đức, TP.HCM đưa vào sử dụng vào ngày 23.10.2024.
Người dân Thủ Đức có thể đăng ký khởi công xây dựng bằng điện thoại
Hệ thống có 4 cấu phần chính để quản lý công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng, công trình không có giấy phép, công trình miễn giấy phép xây dựng và công trình sửa chữa, cải tạo thuộc thẩm quyền quản lý của UBND phường.
Hệ thống quản lý xây dựng liên kết với 3 phần mềm: tích hợp trên web hệ thống điện tử thành phố Thủ Đức, ứng dụng "Thành phố Thủ Đức" (dành cho công chức) và ứng dụng "Thành phố Thủ Đức" (dành cho công dân).
Đây là cơ sở để UBND thành phố Thủ Đức và các cơ quan chuyên môn đồng bộ dữ liệu, cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ thống kê, quản lý trực quan tình hình xây dựng trên địa bàn.
Hệ thống quản lý xây dựng còn bổ sung chức năng cho phép người dân tra cứu tình hình trật tự xây dựng trên bản đồ, nộp thông báo khởi công và nhận các thông báo kiểm tra công trình xây dựng của Thanh tra Xây dựng thành phố Thủ Đức đối với công trình của mình ngay trên điện thoại thông minh. Chức năng này giúp rút ngắn trình tự thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân.
Trên ứng dụng "Thành phố Thủ Đức", người dân có thể nhận diện tình trạng công trình thông qua màu sắc: mới cấp giấy phép có màu xanh da trời, thông báo khởi công màu xanh lá cây, công trình vi phạm có màu đỏ và công trình đã hoàn thành có màu vàng.
Theo ông Đỗ Anh Khang (Phó chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức), hệ thống này sẽ giúp UBND thành phố theo dõi xuyên suốt hoạt động xây dựng từ cấp phép xây dựng, phát hành thông báo khởi công đến quá trình kiểm tra, xử lý.
Đồng thời, hệ thống cũng tự động hóa một số bước trong quy trình quản lý, kiểm tra, xử phạt hành chính, luân chuyển hồ sơ trên môi trường số, sử dụng biểu mẫu thống nhất. Thông qua hệ thống quản lý công trình xây dựng, lãnh đạo địa phương cũng dễ dàng nhận biết địa bàn nào có nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng để tăng cường biện pháp chấn chỉnh.
Bình luận (0)