Người dân tố thủy điện làm sạt lở bờ sông

28/11/2023 08:15 GMT+7

Thời gian qua, người dân tại thôn 1 (xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô, Kon Tum) liên tục phản ánh tình trạng thủy điện Đăk Pô Kô gây sạt lở bờ sông.

CỬA XẢ THỦY ĐIỆN VUÔNG GÓC VỚI ĐẤT CỦA DÂN

Thủy điện Đăk Pô Kô (công suất 16,5 MW) do Công ty CP đầu tư và phát triển điện năng Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Năm 2015, thủy điện này được khởi công xây dựng trên sông Pô Kô, đoạn qua địa bàn 2 xã Tân Cảnh và Pô Kô (H.Đăk Tô). Năm 2018, thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo người dân, trong quá trình vận hành, thủy điện Đăk Pô Kô gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, làm thiệt hại cho người dân.

Từ đơn thư bạn đọc: Người dân tố thủy điện làm sạt lở bờ sông - Ảnh 1.

Cửa xả của nhà máy thủy điện nằm đối diện với khu vườn nhà ông Nguyễn Văn Nghị

ĐỨC NHẬT

Gia đình ông Nguyễn Văn Nghị (58 tuổi, ngụ thôn 1, xã Tân Cảnh) có 5 ha đất trồng cà phê, cao su và cây ăn trái nằm bên bờ sông Pô Kô. Nhiều năm qua, gia đình ông canh tác, sản xuất tại đây và không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu đảo lộn từ khi thủy điện Đăk Pô Kô đi vào hoạt động.

Theo ông Nghị, cửa xả của thủy điện được thiết kế nằm vuông góc với mảnh đất của gia đình ông và nhiều hộ dân khác. Năm 2020, dòng nước mạnh từ thủy điện đã cuốn trôi bờ sông Pô Kô, sau đó ăn dần vào phần đất của gia đình ông. Đến nay, khoảng 3.000 m2 đất trồng bời lời, cà phê của gia đình ông Nghị đã bị dòng nước cuốn trôi.

"Gia đình chúng tôi sinh sống ở đây đã 30 năm. Trải qua cơn bão lớn năm 2009 nhưng bờ sông vẫn không bị sạt lở. Vậy mà từ khi thủy điện hoạt động, đất đai, vườn tược đổ ụp xuống sông. Trước đây, từ vườn nhà tôi đến mép nước có độ dốc thoai thoải nhưng bây giờ vườn cà phê đã cao hơn mặt nước gần 20 m", ông Nghị nói.

Gia đình ông Trần Kim Sáu (53 tuổi, cũng ngụ thôn 1) canh tác cà phê ở đối diện cửa xả thủy điện Đăk Pô Kô. Mỗi lần thủy điện xả lũ, nước sông dâng lên, đất đai, cây trồng cũng thi nhau đổ xuống. Trong 3 năm qua, gia đình ông Sáu bị sạt lở khoảng 1.000 m2 đất canh tác, thiệt hại khoảng 80 gốc cà phê đang kinh doanh. "Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương. Cán bộ xã, huyện cũng đến đo đạc, xác định thiệt hại. Nhưng đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa được thủy điện đền bù thỏa đáng", ông Sáu nói.

Từ đơn thư bạn đọc: Người dân tố thủy điện làm sạt lở bờ sông - Ảnh 2.

Người dân phản ánh tình trạng sạt lở bờ sông do hoạt động của thủy điện Đăk Pô Kô

THẤT HỨA VỚI DÂN

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, cho biết các cơ quan chức năng đã tổ chức đo đạc, thống kê thiệt hại của người dân. Qua đó, xác định có 8 hộ với khoảng 20.000 m2 đất bị thiệt hại, hơn 1.500 cây trồng các loại bị cuốn trôi.

Sau khi có ý kiến của người dân, Sở Công thương tỉnh Kon Tum thành lập đoàn liên ngành đến hiện trường tìm hiểu. Qua làm việc, đoàn liên ngành kết luận nguyên nhân tình trạng sạt lở là do bão, cũng một phần do thủy điện. Phía nhà máy thủy điện đã thông qua UBND xã Tân Cảnh hỗ trợ mỗi hộ một vài triệu đồng để tự khắc phục nhưng bà con không nhận, chính quyền đã trả lại cho thủy điện.

"Riêng đoạn cửa xả của nhà máy thủy điện, đại diện thủy điện đã hứa xây kè chống sạt lở cho người dân. Sau đó, thủy điện đưa bao cát đến làm kè nhưng được một thời gian thì bờ kè này bị cuốn trôi. Chúng tôi đã đề nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo Công ty Đức Long Gia Lai sớm có phương án xây dựng kè phía hạ lưu đập thủy điện để chống sạt lở đất sản xuất của người dân", ông Hưng nói.

Ngoài ra, đại diện nhà máy thủy điện Đăk Pô Kô cũng cam kết sẽ đầu tư tuyến đường bê tông ở khu vực bờ sông để hỗ trợ người dân đi lại. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tuyến đường này vẫn chưa được thực hiện như đã cam kết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.