Người dân TP.HCM được ‘đi chợ hộ’ 1 lần/tuần: Hỗ trợ từ A đến Z

23/08/2021 12:46 GMT+7

Từ ngày 23.8, người dân tại TP.HCM được lực lượng chức năng giúp 'đi chợ hộ', từ mô hình đăng ký qua các tổ hỗ trợ ở khu phố cho đến đăng qua mạng rồi theo combo của siêu thị...

Từ ngày 23.8, người dân tại TP.HCM được lực lượng chức năng giúp 'đi chợ hộ', đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP.HCM thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...), công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân và người dân trả tiền.

TP.HCM: 178.128 ca Covid-19 trong cộng đồng, tổng cộng 89.547 bệnh nhân hồi phục

Mỗi nhà được "đi chợ hộ" 1 lần/tuần qua nhiều cách thức

Theo ông Lê Minh Tuấn Anh, Bí thư đảng ủy P.4, Q.3 (TP.HCM), sau khi nhận được thông tin về việc tăng cường giãn cách xã hội nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, phường đã gửi thông báo đến các hộ dân trên địa bàn phường không được phép ra khỏi nơi cư trú, đảm bảo việc thực hiện quy định “ai ở đâu ở yên đó”. Về nhu cầu mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sẽ đăng kí đơn hàng qua mô hình “đi chợ giúp dân” của Hội Liên hiệp phụ nữa P.4, Q.3 với số lượng đăng kí của mỗi hộ gia đình là 1 lần/tuần.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 10 giờ ngày 23.8, tại chốt giao nhận hàng hóa tại ngã ba đường Vườn Chuối - Điện Biên Phủ (Q.3), lực lượng đi chợ giúp dân đã soạn các đơn hàng mua về từ siêu thị, dán kèm theo hóa đơn thanh toán để đi gửi đến những người dân đã đặt hàng.

17 giờ mỗi ngày, nhóm đi chợ giúp dân sẽ chốt các đơn hàng, để sáng hôm sau ra siêu thị mua hàng, về phân ra theo từng đơn cho người dân đã nhờ "đi chợ hộ"

ẢNH: SONG MAI

Đơn hàng được giao đến tận tay người dân ở P.4, Q.3

Ảnh: Song Mai

Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.4, Q.3 cho biết, mô hình “đi chợ giúp dân” đã triển khai từ cuối tháng 5.2021, ban đầu chỉ đi chợ giúp người dân ở các khu vực phong tỏa. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 23.8 sẽ "đi chợ hộ" người dân trên địa bàn phường và lưu ý mỗi nhà chỉ được đi chợ hộ 1 lần/tuần.
“Hằng ngày, nhóm đi chợ giúp dân sẽ nhận đơn từ sáng, người dân sẽ gọi đặt hàng qua điện thoại hoặc gửi tin nhắn. Đến 17 giờ sẽ chốt các đơn hàng, để sáng mai ra siêu thị mua hàng, về phân ra theo từng đơn cho người dân. Vì mới triển khai, nên trong ngày 23.8 chỉ nhận được 13 đơn hàng, trong vài ngày tới nếu lượng đơn tăng lên, sẽ có thêm lực lượng tình nguyện viên bên đoàn thanh niên phường, hội phụ nữ xuống hỗ trợ”, bà Tâm cho biết thêm.

Đến tận nhà hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.HCM

"Được hỗ trợ 'đi chợ hộ' một tuần một lần là tốt nhất rồi!"

Sau khi soạn xong các đơn hàng, nhóm “đi chợ giúp dân” sẽ chở hàng đến gửi từng nhà và thu tiền. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên (48 tuổi, ngụ Q.3) cho biết hôm nay bà gửi mua ít trái cây và rau củ về nhà ăn dần. “Mấy ngày nay thấy mọi người kéo nhau đi siêu thị xếp hàng mua đồ, tập trung đông đúc cũng sợ lắm. Mình ở nhà, gửi "đi chợ hộ" lại cảm thấy yên tâm hơn”, bà Uyên nói.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên (48 tuổi, ngụ Q.3) cho biết hôm nay (23.8) bà gửi mua ít trái cây và rau củ

Ảnh: Song Mai

Do triển khai việc đi chợ giúp dân cho toàn phường khá gấp rút, một số người dân ở “vùng xanh” chưa nhận được thông tin. Sau khi thấy nhóm đi chợ giúp dân đến giao hàng cho nhà hàng xóm, bà Nguyễn Thị Kim Loan (40 tuổi, ngụ Q.3) đã ra hỏi số điện thoại và thông tin của nhóm “đi chợ hộ” để đặt mua hàng vào ngày mai. “Trước ra thông báo người dân “ở đâu ở yên đó”, tôi thường ra cửa hàng thực phẩm gần nhà để mua thức ăn nhưng giờ ở nhà rồi nên lấy thông tin nhờ đi chợ hộ, 1 lần/tuần nhưng vậy là tiện rồi”, bà Loan nói.
Bà Lê Thị Lân ( 75 tuổi, sống tại Cư Xá Đô Thành, Q.3) cho biết trước ngày 23.8, bà thường ra chốt vùng xanh tại cổng Cư Xá Đô Thành để nhận hàng của người thân gửi vào. “Tối hôm qua (22.8) tôi nhận được thông báo “đi chợ hộ” ở tổ dân phố gửi xuống nên đã đăng ký để mua, ở nhà là an toàn rồi”, bà Lân nói.
Tại một con hẻm ở đường Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, bà Nguyễn Thị Tường Linh ( 45 tuổi, ngụ Q.3) cho biết hôm nay bà chỉ gửi mua một ít bột giặt, nước xả vải để xài trong thời gian tới. “Hôm trước tôi có gửi mua ít thịt, rau củ để ăn dần rồi nên cũng không lo. Dịch ở nhà là an toàn nhất rồi, lại được bên phường hỗ trợ đi chợ giúp là tốt rồi”, bà Linh nói.

"Đi chợ hộ" qua mạng và theo combo hàng thiết yếu

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 23.8, bà Võ Thị Bạch Huệ, Trưởng khu phố 1, P.6 (Q.4) cho hay phường 6 lập phương án "đi chợ hộ dân" qua mạng. Ai có nhu cầu về hàng hóa thiết yếu nào thì đặt hàng qua đường link và sẽ có người đi chợ, cung cấp hàng hóa tới địa chỉ đã đăng ký.
"Đường link sẽ gửi tới từng hộ dân, ai cần mua gì thì vào đăng ký họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mặt hàng cần mua. Từ đó chúng tôi sẽ đi chợ dùm và đem về giao cho dân", bà Huệ chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND P.6, Q.4 cho biết lãnh đạo phường và các lãnh đạo khu phố sẽ kết nối Zalo với nhau. Đồng thời, phường sẽ công bố 2 số điện thoại để người dân tại phường có thể gọi điện trực tiếp để nhờ mua các nhu yếu phẩm cần thiết. Sau khi lên danh sách, phường sẽ kết nối với các siêu thị, nhà thuốc trên địa bàn để cung ứng mặt hàng cho người dân.

Đơn hàng 'đi chợ hộ' của một người dân ở Bến Vân Đồn, Q.4

Ảnh: CTV

Thay vì đăng ký "đi chợ hộ" qua app, nhiều địa phương chọn hình thức khác là phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm trong 1 tuần để người dân lựa chọn đăng ký. Chẳng hạn P. Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) đưa ra cách thức: Siêu thị Aeon sẽ cung cấp 7 gói hàng hóa, trong đó mỗi gói hàng hóa cố định các món và số tiền. Người dân chỉ có thể chọn combo nào (không thể chọn từng món riêng theo nhu cầu cá nhân).
Qua đó, phường sẽ cung cấp biểu mẫu từng combo, các khu phố phát giấy từng nhà để dân chọn mua hàng và thu tiền. Ban điều hành khu phố, tổ dân phố sẽ thu lại phiếu đăng ký và tiền, sau đó nộp lên UBND phường để phường tổng hợp gửi siêu thị và cung ứng hàng hóa đến nhà người dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND P.Sơn Kỳ cho biết trong quá trình thực hiện, các gói combo này có thể sẽ thay đổi theo nhu cầu của người dân. Sau khi nắm bắt được nhu cầu của từng đối tượng thì phía cung ứng lương thực thực phẩm và địa phương sẽ thiết kế lại gói combo.
Đồng thời, ngoài Aeon là đơn vị cung ứng chủ lực, P.Sơn Kỳ cũng làm việc với các đơn vị kinh tế khác như: Bách Hóa Xanh, Vinmart, các cửa hàng tiện lợi khác để tham gia, giới thiệu các gọi sản phẩm để người dân lựa chọn, đa dạng nguồn cung ứng. “Riêng các hộ nghèo, khó khăn thì địa phương sẽ chăm lo riêng”, vị lạnh đạo này chia sẻ.

TP.HCM ban hành Chỉ thị 11 quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, triệt để nhằm dập Covid-19

Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Bình Thuận (Q.7) cho biết ngày đầu TP.HCM thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", UBND TP.HCM yêu cầu tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, công an, quân đội sẽ "đi chợ hộ" người dân 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền), do ngày đầu triển khai nên địa phương tạm thời chưa "đi chợ hộ" người dân trong hôm nay (23.8).
Hiện P.Bình Thuận (Q.7) đang triển khai đến các tổ dân phố, khu phố để huy động nguồn nhân lực cùng phối hợp để hoàn thiện các khâu chuẩn bị, như: nhân lực đi chợ, liên hệ các điểm siêu thị, phương án vận chuyển như thế nào... để đảm bảo nhu yếu phẩm được đưa trực tiếp đến người dân nhanh chóng nhất, vị đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Bình Thuận nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.