Ngóng lịch metro để… chọn trường
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 vừa gửi Sở GTVT cập nhật kế hoạch vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT).
Cụ thể, giai đoạn 1 (3 tháng đầu, từ ngày 1.7 - 30.9), TP.HCM sẽ vận hành 7 đoàn tàu loại 3 toa, chạy xuyên suốt từ 5 - 22 giờ. Thời gian giãn cách là 12 phút/chuyến, khung giờ cao điểm chạy tăng tần suất, giảm còn 8 phút/chuyến. Giai đoạn 2 (từ ngày 1.10 - 31.12), tuyến metro số 1 sẽ vận hành 12 đoàn tàu loại 3 toa vào các ngày trong tuần, từ 5 - 22 giờ 30, tần suất chạy tàu 8 - 10 phút/chuyến.
Việt kiều trải nghiệm metro số 1: 'Không nghĩ là mình đang ở TP.HCM'
Các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết, tuyến sẽ vận hành 9 đoàn tàu loại 3 toa, cùng khung giờ và tần suất chạy tàu. Giai đoạn 3 (từ ngày 1.1.2025 trở đi), kế hoạch vận hành tàu sẽ được xác định trên cơ sở thực tế công tác vận hành tàu trong năm 2024, khi có các dữ liệu về lưu lượng hành khách (theo giờ cao điểm, giờ bình thường, giờ thấp điểm, theo mùa, kỳ nghỉ lễ, tết...), tốc độ lưu chuyển hành khách, tốc độ giải phóng lưu lượng hành khách ra khỏi tuyến, kết nối với các phương tiện vận tải...
Thông tin các đơn vị lên kế hoạch chạy tàu chưa thu phí ngay từ tháng 7 khiến người dân TP háo hức vui mừng. Trong công văn gửi UBND TP.HCM hồi tháng 3, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết trong quý 3, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cần được triển khai nhiều phần việc, gồm: rà soát đánh giá an toàn hệ thống; thực hiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn tất đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng...
Do đó, tuyến tàu điện đầu tiên của TP chưa thể chở khách thương mại trong thời gian này. Dự kiến đến quý 4, chủ đầu tư mới có thể hoàn tất công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga. Sau đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ tiến hành nghiệm thu các hạng mục còn lại và vận hành thương mại toàn tuyến.
"Lúc nghe tin metro số 1 lùi tới tận cuối năm, tôi hụt hẫng lắm. Số là em trai tôi chuẩn bị thi đại học, theo định hướng từ đầu thì thằng bé sẽ thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, học dưới làng đại học ở TP.Thủ Đức, cách nhà 20 km lận. Tôi bảo bố mẹ cứ yên tâm vì tháng 7 metro số 1 sẽ hoạt động, chỉ cần đi xe máy hoặc xe buýt ra ga Bến Thành rồi đi metro xuống Thủ Đức, khỏe re. Nếu metro tới cuối năm mới khai thác hoặc muộn hơn nữa thì nhà tôi sẽ phải tính toán phương án thi trường khác gần nhà hoặc thuê ký túc xá phòng trường hợp học tối muộn hoặc sáng sớm. Metro có thể chạy ngay từ tháng 7 thì tốt quá rồi", chị Minh Thư (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Minh (ngụ Q.3) cũng không khỏi tự hào giới thiệu với người bạn mới từ Hà Nội vào du lịch rằng TP.HCM sắp có tuyến tàu điện đi ngầm đầu tiên của cả nước. "Bạn tôi nói khi nào metro số 1 khánh thành, nhất định sẽ phải vào trải nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, với tôi, metro không đơn thuần là phương tiện giao thông, mà còn là nơi gửi gắm ước mơ về một TP chuyển mình và không ngừng phát triển. Từ khi còn học đại học, lúc dự án mới dựng loạt cọc lớn dọc xa lộ Hà Nội là tôi đã háo hức chờ đi metro. Chúng tôi đã phải chờ đợi quá lâu rồi", anh Minh nói.
Năm 2024, metro số 2 ở TP.HCM sẽ được thực hiện tới đâu?
Nhanh nhất tháng 10 mới phục vụ người dân
Chính thức khởi công vào tháng 8.2012, tuyến metro số 1 là giấc mơ nhưng đồng thời cũng là những tiếng thở dài của người dân TP.HCM. Cụm từ "metro số 1 lùi đích" đã dần trở thành quen thuộc bởi cứ thỉnh thoảng, người dân TP lại thấy các đơn vị lên dự kiến, cam kết, quyết tâm đưa metro số 1 vào vận hành trong tháng này, năm nọ nhưng tới gần giờ G lại có đủ lý do để gia hạn. Vì thế, dù đã có kế hoạch chi tiết tần suất, thời gian chạy tàu nhưng thông tin tuyến metro số 1 có thể lăn bánh ngay từ tháng 7 vẫn khiến nhiều người bán tín bán nghi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị, cho biết chắc chắn tháng 7, đơn vị này sẽ vận hành 7 đoàn tàu loại 3 toa theo đúng kế hoạch vừa gửi Sở GTVT. Tuy nhiên, việc chạy tàu này vẫn nằm trong công tác thử nghiệm (như thật) nên dù có hành khách nhưng vẫn chưa phải khai thác thương mại bình thường.
Cụ thể, sau khi hoàn thành thi công, tuyến metro số 1 phải trải qua 3 bước thử nghiệm. Đầu tiên là thử nghiệm đơn lẻ vật tư, máy móc, tích hợp 11 hệ thống để đảm bảo tàu chạy hoàn toàn tự động. Tiếp theo là thử nghiệm tàu dưới sự vận hành của con người - có người điều khiển ở ga, ở phòng điều hành, nhân viên bán vé thế nào, nếu có sự cố thì phản ứng ra sao... Sau đó mới tới thử nghiệm tàu có hành khách. Ở bước này, chủ đầu tư sẽ mở đăng ký cho một số lượng hành khách giới hạn, chưa phải tất cả người dân. Có thể là đối tượng sinh viên, các bạn trẻ, trong quá trình đi tàu cũng tạo các tình huống để đánh giá thử nghiệm, như khi tàu dừng thì thoát hiểm thế nào, hành khách chạy bên trái hay bên phải… Cụ thể cách thức đăng ký thế nào, số lượng ra sao thì phía MAUR vẫn đang tính toán sao cho hợp lý.
Lý giải thêm về việc chậm trễ khai thác thương mại dự án, lãnh đạo MAUR thông tin: Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn hệ thống sẽ được thực hiện bởi đơn vị tư vấn độc lập (Liên danh tư vấn BVT của Pháp) theo các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu và Nhật Bản cùng quy định của luật Đường sắt VN. Tiêu chuẩn của Nhật Bản khắt khe hàng đầu thế giới và họ yêu cầu phải đảm bảo trình tự bài bản từng bước, từng hạng mục.
Bên cạnh đó, việc đào tạo thực tế sử dụng thiết bị của dự án đang phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của tư vấn chung NJPT và nhà thầu Hitachi. Hiện nay, tư vấn và nhà thầu vẫn đang chưa thể thống nhất cách thức bàn giao các thiết bị và đoàn tàu sử dụng cho công tác đào tạo dẫn đến chậm trễ trong công tác này.
"Một tin vui là công tác đánh giá an toàn hệ thống đến nay đã đạt 50% khối lượng công việc. Tư vấn của Pháp đánh giá chất lượng tuyến metro số 1 rất tốt, tài liệu lưu trữ cẩn thận. Metro số 1 là dự án metro đi ngầm đầu tiên ở VN. Vì thế, công tác thử nghiệm, đánh giá công tác xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ trong hầm ngầm sẽ rất phức tạp, và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối", lãnh đạo MAUR nhấn mạnh.
Hiện nay, công tác thử nghiệm các hệ thống, chạy rô đai trên toàn tuyến đang được liên tục diễn ra ngày đêm cùng công tác đào tạo nhân sự để phục vụ việc vận hành. Dự kiến cuối tháng 9 tới, metro 1 mới hoàn thành công tác chạy thử. Đến tháng 10, các cơ quan đưa vào nghiệm thu, thẩm định vấn đề an toàn mới có thể chính thức đưa đoàn tàu vào phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị
Bình luận (0)