Người dân trồng lúa không còn kêu ca về lợi nhuận

27/04/2023 06:31 GMT+7

Sản lượng gạo xuất khẩu tăng 34%, kim ngạch tăng 45%, mặt hàng gạo đang thay thế vai trò của thủy sản ở năm trước, tăng trưởng dựng đứng trong những tháng đầu năm 2023.

ĐBSCL được mùa, được giá

Ngày 26.4, tại TP.HCM, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý 1/2023 và định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới.

Người dân trồng lúa không còn kêu ca về lợi nhuận - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo VN đang có cơ hội để nâng cao vị thế

CÔNG HÂN

Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam thông tin: "Tính đến ngày 15.4, các doanh nghiệp (DN) VN đã xuất khẩu được 2,371 triệu tấn gạo, trị giá 1,251 tỉ USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 33,7% về số lượng và tăng 44,55% về trị giá. Cả ĐBSCL đều vui mừng vì được mùa được giá và lâu lắm rồi chúng ta mới thấy nông dân trồng lúa không kêu ca về giá bán và lợi nhuận". Philippines vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN, chiếm gần 48% tổng lượng xuất khẩu và 46% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước".

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong những tháng đầu năm, đạt gần 1,57 triệu tấn, tăng 52,2% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này nhờ đóng góp từ Philippines tăng 33%, Indonesia tăng 180% (do những năm trước nước này không nhập khẩu), Singapore tăng 30,7%, Trung Quốc tăng 50%, Đài Loan tăng 300%… so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhận định: "Thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ. Đặc biệt thị trường này ưa chuộng dòng gạo thơm ST, gạo chất lượng cao nên giá trị xuất khẩu cũng cao hơn thị trường khác".

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết tình hình thu hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL đã cơ bản kết thúc, chỉ còn một số vùng ven biển thu hoạch muộn. Năm nay toàn vùng đã có một vụ được mùa, được giá, năng suất sản lượng đều tăng cao. Ước tính 6 tháng đầu năm lượng gạo dành cho xuất khẩu khoảng 4,1 triệu tấn thì sau 4 tháng đã xuất khẩu và có thêm đơn hàng mới khoảng 2 triệu tấn. Như vậy còn khoảng 2,1 triệu tấn gối đầu cho những tháng tiếp theo.

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhận định thị trường tiêu thụ trên thế giới những tháng cuối năm sẽ còn biến động lớn, nhu cầu dự trữ lương thực sẽ tăng cao, vì vậy VFA cũng khuyến cáo các DN bình tĩnh để đàm phán được giá tốt.

Lo không đủ gạo để bán

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phấn khởi nhận định: "Với những diễn biến về tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm, cân đối cung cầu trong nước và trên thế giới, thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi, chúng ta có thể yên tâm năm nay ngành xuất khẩu lương thực sẽ tăng trưởng tốt. Vấn đề hiện nay là khâu sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường, làm sao để bán được giá cao hơn và nhìn xa hơn cho những năm tiếp theo".

Ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh (thương hiệu gạo Lotus), cho rằng: "Nếu hỏi tôi lo lắng điều gì thì tôi cho rằng đáng lo là… không đủ gạo để bán, nhưng ở đây phải là gạo chất lượng, gạo đạt chuẩn để xâm nhập các thị trường cao cấp. Chúng tôi chỉ mới làm vài năm nay, mỗi năm xuất được mấy chục nghìn tấn, nhưng tiềm năng thị trường vẫn còn rất nhiều. Ở thời điểm hiện tại chúng ta phải tính đến kế hoạch xuất khẩu gạo cao cấp hơn, bán với giá mà chúng ta mong muốn chứ không phải để khách hàng ép mình nữa".

Theo ông Khỏe, khó khăn khi xuất khẩu gạo hiện nay là chất lượng chưa ổn định, nhiều đầu mối thu mua, khó giữ được chất lượng đồng đều, lô hàng hôm nay thế này hôm sau lại khác, nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Các bộ, ngành cần quy hoạch lại bài bản, đi từ giống để phát triển vùng nguyên liệu.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đồng tình: "Chúng tôi nhiều năm nay xuất khẩu gạo chất lượng cao, và thấy rằng nhu cầu thị trường rất lớn, thực chất nếu chúng ta làm bài bản, chuyên nghiệp thì không lo gì không bán được giá. Vấn đề là phải làm sao để liên kết lại, các DN phải cùng liên kết lại để tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn chứ đơn lẻ vài DN thì không thể làm được".

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh nhìn nhận: "Câu chuyện liên kết của các DN với nông dân đúng là còn một khoảng cách lớn. Thực tiễn là khác với ngành hàng công nghiệp, khi chúng ta đặt hàng xong, có mẫu mã xong, giá cả xong thì mới tiến hành sản xuất, nhưng ngành nông nghiệp thì ngược lại, phải có sản phẩm, mẫu mã xong thì chúng ta mới mang đi bán, đây là đặc điểm hết sức bị động cho các DN. Công đoạn ở giữa kết nối DN từ thị trường xuất khẩu với nguồn cung trong nước là một điểm yếu, nông dân thì không thể đi ra nước ngoài để nắm thông tin được mà phải trông cậy vào DN, vì thế vai trò định hướng sản phẩm, cơ cấu sản xuất như thế nào thì DN cần phải chủ động".

Báo động thiếu hụt lương thực trên thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo thế giới năm 2022/2023 được dự báo đạt mức 509,4 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Công ty tư vấn Fitch Solutions, sản lượng gạo toàn cầu đang giảm khiến lượng gạo thâm hụt lên đến 8,7 triệu tấn. Sự thâm hụt sẽ khiến giá gạo duy trì ở mức cao cho đến năm 2024. Trong khi đó, xu hướng bảo hộ an ninh lương thực đang lan rộng. Theo Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), tỷ lệ các quốc gia và vùng lãnh thổ không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy hiện nay có gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Theo báo cáo của FAO, thực trạng mất an ninh lương thực đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đang lan rộng trên toàn cầu do cùng lúc chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng, đe dọa an ninh, sự ổn định chính trị kinh tế thế giới, đặc biệt khu vực châu Phi chịu thiệt hại nặng nề nhất do phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. 45 quốc gia (33 quốc gia châu Phi, 9 quốc gia châu Á, 2 quốc gia châu Mỹ Latin và Caribe, và 1 ở châu Âu) đang cần hỗ trợ lương thực nhập khẩu để tránh tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.