Người điên ngóng tết

Như Lịch
Như Lịch
07/02/2018 09:32 GMT+7

'Còn mấy ngày nữa là tới tết vậy cô? Tết em được đón về nhà, được gặp mẹ, gặp anh chị, được ăn thịt gà, chả lụa, trái cây đã đời luôn...'.

Câu nói hồn nhiên này không phải từ miệng đứa trẻ mà từ một người đàn bà đã luống tuổi. Gần một tuần ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An (thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An), tôi chứng kiến những cơn khóc cười vô thức của những người tâm thần, cảm nhận rõ hơn sự chờ đợi thắc thỏm của họ khi hương tết len lỏi quanh quất đâu đây.
Canh từng ngày
Đêm xuống, không gian tĩnh mịch trong khuôn viên Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An chốc chốc lại bị khuấy động bởi tiếng la hét của trại viên tâm thần đang lên cơn kích động vọng ra từ các khu trại.
22 giờ ngày 20.1, tôi theo chân anh Thuận - nhân viên chăm sóc trực ở khu E (tâm thần nữ) đi tuần xem các trại viên đã ngủ chưa, có gì bất thường không. Trừ phòng dành cho người bệnh yếu là mở cửa, các phòng còn lại đều được khóa bên ngoài. Tại phòng số 1, dõi theo ánh đèn pin của anh Thuận, tôi giật bắn khi thấy một người đứng như bất động ở cuối phòng. Qua khu vực cách ly dành cho bệnh nhân lên cơn kích động, lờ mờ mấy bóng người vạ vật trên sàn nhà. Một hồi, không còn nghe những tiếng gào thét dữ dội vọng ra như ban nãy nữa. “Họ thấm thuốc, ngủ rồi”, anh Thuận giải thích.
Ở trung tâm này, không ít nhân viên từng bị người tâm thần lao vào đánh, hắt nước vô mặt, cắn, túm tóc, giựt bung áo... “Đó là những lúc họ lên cơn, mình chưa kịp cách ly. Sau khi uống thuốc tỉnh lại, đa số họ rất dễ thương, có người còn xin lỗi vì đã hành hung mình”, anh Thuận bộc bạch.
Đề cập đến chuyện tết của người tâm thần, anh Nguyễn Thành Hưng, 30 tuổi, nhân viên chăm sóc tại khu C (tâm thần nam), nói ngay: “Em thấy họ canh từng ngày tới tết, mong người nhà rước về quê. Những người không được rước về cũng buồn lắm. Mỗi lần thấy khách từ thiện đến thăm, họ vỗ tay sung sướng giống như những người này vô đón họ về”. Một nhân viên khác xúc động kể rằng cho đến tận ngày 30 tết, nhiều trại viên vẫn còn hy vọng người thân đến đón...
Người điên ngóng tết 1
Nhân viên trực đêm thường xuyên kiểm tra sức khỏe trại viên
Trông đợi người thân
Thấy tôi xuất hiện ở sân khu E, một cô gái vòng tay lễ phép: “Em chào cô! Khỏe không cô? Dạ em cảm ơn cô. Vỗ tay”. Nhưng chỉ một lát sau, trại viên ấy chằm chằm nhìn tôi, giận dữ: “Mày lấy điện thoại, túi xách, lấy hai ngàn đồng của tao”. Khi tôi né vội sang chỗ khác, cô gái bươn bả đi vào trong, miệng không ngớt chửi rủa. Bà Nguyễn Thị Vô Tư, nhân viên Phòng y tế - chăm sóc - phục hồi sức khỏe, giải thích: “Cô này có triệu chứng sắp lên cơn”.
Theo bà Vô Tư, những khi tương đối tỉnh táo và khỏe người, các trại viên tâm thần có nhu cầu sẽ được tham gia một số hoạt động ở khu nhà bếp, đặc biệt là đan giỏ nhựa tại xưởng nghề trong khuôn viên trung tâm.
Vừa bước vào xưởng nghề, tôi được hai trại viên tranh nhau săn đón bằng màn xem chỉ tay. Từ chối mãi không được, tôi đành chịu trận ngồi nghe hai người “phán” liên hồi. Cuối cùng, nhờ một nhân viên “giải cứu”, tôi mới thoát khỏi hai vị “thầy bói” quá đỗi nhiệt tình.
Đan giỏ chừng 10 - 15 phút, nhiều trại viên lại rủ nhau ra uống nước giải lao. Họ hồn nhiên rôm rả kể đủ chuyện, kể cả những chuyện quan hệ tình dục bằng những từ ngữ trần trụi nhất.
Ông Nguyễn Văn Tiên (51 tuổi, H.Châu Thành, tỉnh Long An) là một trong những trại viên tâm thần đan giỏ khéo và siêng nhất ở xưởng nghề. Ông cho biết có ngày ông đương (đan) được 10 cái giỏ, kiếm chừng 20.000 - 30.000 đồng.
“Tui đã ở đây 11 năm rồi. 6 năm đầu không có ai rước, mấy năm sau thỉnh thoảng được mấy đứa em cho về chơi tết một tháng. Tui đang lo hổng biết tết này có ai đón không. Ở đây lâu quá nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ con cháu lắm”, ông Tiên tâm sự.
Ra vẻ bí mật, ông Tiên tiết lộ cái điều tương tự như một số trại viên tâm thần khác từng khẳng định với tôi: “Trong này ai cũng khùng cả, chỉ có mình tui là tỉnh thôi. Ở riết với mấy thằng khùng, nên mình cũng bị ảnh hưởng theo”. Đang nói chuyện ngon trớn, bỗng dưng ông Tiên đề nghị: “Bây giờ tui tặng cho cô một bản nghe!”. Không chờ tôi hồi đáp, ông dõng dạc hát những lời tự chế ngẫu hứng: “Êm đềm trong đời trung hiếu - Hoa để mộng không thành...”
Cũng có mặt khá thường xuyên trong xưởng nghề là bà Mỹ Nga (66 tuổi, H.Tân Thạnh, Long An). Được biết, bà từng có thời gian dài làm nghề giúp việc nhà tại TP.HCM. Cách đây hơn ba năm, bà phát bệnh tâm thần và được đưa vào đây.
Luôn chọn chỗ ngồi biệt lập, mặt quay vô tường, bà Nga chia sẻ: “Trong này tui không chơi với ai cả, suốt ngày im lặng. Hồi nào đến giờ tui cô đơn quen rồi”. Vậy mà, khi vừa nghe ai đó nhắc đến từ tết, bà Nga bỗng linh hoạt hẳn: “Muốn về hòa nhập ngoài đời mà không có ai bảo lãnh thì làm sao cô? Tui để dành từ tiền khách cho và tiền đan giỏ được 4 triệu đồng, định đi mần lại mấy cái răng để ăn tết, nhưng em gái tui không chịu vô dẫn về. Cô gọi giục em tui giùm với nghen, số điện thoại của nó là...”. (Còn tiếp)
Người điên ngóng tết 2
Lúc tỉnh táo, nhiều người tâm thần tìm đến xưởng nghề
Làm trai là phải biết... ghẹo gái
Bản thân người viết cũng “được” một số trại viên ở xưởng nghề phỏng vấn dồn dập: Chị có chồng chưa? Có em gái không? Bữa nào chị dẫn em chị vô đây hỏi có chịu thằng tâm thần này không nha? Thậm chí, trại viên Võ Minh Định còn nói: “Phải chi hồi đó em gặp chị sớm, biết đâu giờ này mình nên duyên nợ rồi”... Lát sau, Định phân trần: “Làm trai là phải biết ghẹo gái. Nếu không ghẹo, người ta nói chắc em không đẹp nên anh không thèm ghẹo!”. Một nhân viên cho biết lúc tỉnh táo, các trại viên này ăn nói khôn khéo, hài hước vậy nhưng lúc lên cơn kích động, họ la hét, đập phá, có khi xé hết áo quần của mình.
Sợ thì không làm nghề này
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An (xã Bình Tâm, TP.Tân An) đang quản lý và nuôi dưỡng 395 người. Trong đó, có 320 trại viên tâm thần sống trong các khu: E (nữ), F và C (nam).
Một nam nhân viên ngoài 30 tuổi cho hay anh được vài nữ trại viên “kết mô đen”. Trong đó, có bà cụ đã gần 70 tuổi nhưng lúc nào cũng xưng hô anh - em ngọt xớt với nam nhân viên này. Có lần, thấy anh trò chuyện vui vẻ với vợ mình (là nhân viên y tế), một nữ trại viên gằn giọng: “Mày cướp chồng tao”. Từ đó, vợ chồng anh không dám đứng gần nhau khi có mặt họ... Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng nhân viên chăm sóc tại khu C, khẳng định: “Nếu ai cũng sợ thì đâu có người làm công việc này. Lúc người ta lên cơn, mình sợ thiệt đó. Nhưng vô làm riết, từ từ cũng thấy quen”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.