Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm

Liên Châu
Liên Châu
13/05/2024 07:23 GMT+7

Bộ Y tế vừa có công văn ngày 11.5 đề nghị Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, Ban Quản lý ATTP, sở y tế các tỉnh thành khẩn trương tăng cường công tác đảm bảo ATTP.

Theo đó, cần ban hành kế hoạch, giám sát nguy cơ và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại địa phương, đặc biệt nhấn mạnh nội dung "người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn".

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chú trọng các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; tuyên truyền về kiến thức đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

Vụ ngộ độc bánh mì ở TP.Long Khánh được xác định có liên quan đến vi khuẩn Salmonella

Vụ ngộ độc bánh mì ở TP.Long Khánh được xác định có liên quan đến vi khuẩn Salmonella

GIA KHÁNH

Bộ Y tế lưu ý các địa phương tăng cường công tác liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, chú trọng các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Cần giám sát, hướng dẫn về ATTP với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn đông người; xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP và sẵn sàng phương án điều tra, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP.

Trước đó, Thủ tướng đã có Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3.5 gửi Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Công điện lưu ý, vụ ngộ độc và số người mắc ngộ độc thực phẩm còn nhiều. Riêng năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ làm hơn 2.100 người mắc và 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

Mới đây, trên địa bàn TP.Long Khánh (Đồng Nai) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người nhập viện là 568, tính đến ngày 6.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.