Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 3: 'Nữ hoàng' bánh mì

02/01/2015 04:58 GMT+7

Đó là biệt hiệu du khách quốc tế dành cho cụ bà Nguyễn Thị Lộc (78 tuổi, ở TP.Hội An, Quảng Nam) sau khi được thưởng thức món bánh mì do cụ chế biến.

Đó là biệt hiệu du khách quốc tế dành cho cụ bà Nguyễn Thị Lộc (78 tuổi, ở TP.Hội An, Quảng Nam) sau khi được thưởng thức món bánh mì do cụ chế biến.

>> Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 2: Gánh xí mà qua 2 thế kỷ
>> Người giữ hồn phố Hoài: Gánh Hội An ra thế giới

 
“Madam Khanh” cẩn thận bỏ nhân vào bánh mì bán cho khách - Ảnh: Hoàng Sơn“Madam Khanh” cẩn thận bỏ nhân vào bánh mì bán cho khách - Ảnh: Hoàng Sơn
“Bánh mì ngon nhất thế giới”

Không phô trương cũng không sang trọng nhưng “Madam Khanh - The Banh mi Queen” (115 Trần Cao Vân, TP.Hội An) được rất nhiều du khách quốc tế tìm đến thưởng thức. Quán nằm dưới mái hiên nhỏ hẹp, chỉ đủ để kê hai chiếc bàn, một tủ đựng nhân bánh sát mép vỉa hè, nhưng chỉ cần nếm một lần, du khách tứ phương không thể nào quên. Bằng chứng là trong tủ kính nơi cụ bà “Madam Khanh” đứng chiên trứng mỗi ngày có đến cả trăm tờ giấy viết tay ca ngợi, cảm ơn cụ đã cho họ ăn ổ bánh mì “ngon chưa từng thấy”. Cụ Lộc cho biết: “Madam Khanh và The Banh mi Queen đều do khách quốc tế đặt cho tiệm bánh, chứ buôn bán bình thường mà đi nhận danh hiệu “nữ hoàng bánh mì”, tui ngại lắm. Chữ Khanh là lấy theo tên của chồng tui, tên Khánh”. Trên diễn đàn du lịch nổi tiếng TripAdvisor, hàng trăm du khách ghé tiệm Madam Khanh cũng không tiếc lời khen về ổ bánh mì của cụ Lộc. Trong số hàng trăm nhà hàng, tiệm ăn uống tại phố cổ Hội An, The Banh mi Queen được khách du lịch xếp hạng thứ 7.

Bước vào quán, cảm nhận đầu tiên chính là sự thân thiện nhờ nụ cười của chủ quán. Với khách trong nước thì cụ “mời ngồi” còn với khách nước ngoài cụ nói ngay: “Sit down please”. Nhưng điều để những vị khách du lịch, vốn không phải ai cũng dễ tính tìm đến tiệm của cụ chính là chất lượng của chiếc bánh. Du khách Gary (đến từ Sydney, Úc) sau khi ăn ổ bánh mì tại The Banh mi Queen đã để lại những dòng chữ: “Nhiều người nói rằng đây là bánh mì ngon nhất trong phố cổ. Sai! Đây là bánh mì ngon nhất, hơn bất cứ loại nào trên thế giới”. Trong tủ kính đặt trang trọng những tờ giấy viết tay còn có rất nhiều lời khen ngợi của những du khách đến từ các nước như: Pháp, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Một vị khách để lại lời nhận xét về cụ Lộc: “Quý bà đáng yêu và tốt bụng mà tôi từng gặp ở VN”. Có du khách khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa. Đó là ổ bánh mì ngon nhất mà tôi đã từng nếm thử. Dịch vụ đáng yêu và thân thiện. Và chắc rằng bạn sẽ có một tách trà tươi và ngon sau khi ăn”. Du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến tiệm cũng vì ổ bánh mì có giá phải chăng, thậm chí rẻ hơn nhiều nơi tại phố cổ. “Chỉ đơn giản là Madam Khanh làm bánh mì kẹp ngon nhất trên thế giới, giá cả cũng tốt nhất. Gia đình chúng tôi 4 người ăn ở đây chỉ hết 120.000 đồng, một mức giá tuyệt vời. Chúng tôi sẽ trở lại!”, một du khách Anh viết trên TripAdvisor.

“Danh tiếng có màng chi, chỉ cần làm cho Hội An thêm đẹp”

Chiếc bánh mì của “Madam Khanh” thoạt nhìn khó có thể nhận ra sự khác biệt. Thế nhưng, chỉ cần ăn hai miếng đầu tiên, thực khách có thể cảm nhận được vị dai của thân bánh, vị thơm ngon của nhân thịt, chả, trứng gà ốp la... Cụ Lộc cho biết, bánh mì cụ chọn là loại cỡ lớn, đảm bảo dai, giòn, thơm. Tùy theo nhu cầu của khách mà trong mỗi ổ, cụ Lộc bỏ nhân khác nhau, có đến cả chục loại nhân để chọn. Nhưng nhân “nền” phải có là mayonnaise được làm từ lòng đỏ trứng gà, pate gan và kim chi do chính tay cụ cắt tỉa, ngâm. Vì phải làm nhiều loại nhân nên để có hàng bán cho ngày hôm sau, cụ Lộc phải dậy từ rất sớm chuẩn bị. Trung bình mỗi ngày, The Banh mi Queen bán ra khoảng 100 ổ, mỗi ổ 20.000 đồng. Ai yêu cầu làm ít nhân thì cụ lấy giá chỉ 10.000 đồng.
 Một bức thư ngộ nghĩnh do một du khách Nhật Bản gửi tặng “nữ hoàng” bánh mìMột bức thư ngộ nghĩnh do một du khách Nhật Bản gửi tặng “nữ hoàng” bánh mì
Nhờ ổ bánh mì chất lượng, hợp vệ sinh, nhờ sự thân thiện mà nhiều du khách đến tiệm một lần là nhớ mãi. Cũng vì thế mà một vị khách người Úc khi đến ăn bánh mì đã lặng lẽ chụp hình “Madam Khanh” đang nâng niu từng ổ bánh. Sau đó vị khách này in hình cụ lên tờ rơi để phát cho những du khách nước mình đến Hội An. Cũng do vậy, trong số hàng ngàn khách đến tiệm, người Úc luôn chiếm số lượng lớn. Cụ Lộc cũng là người được nhiều đài truyền hình nước ngoài tìm đến làm phim về món bánh mì nổi tiếng khắp phố cổ. Lại có chuyện nữ du khách nước ngoài xin bà “học nghề” rồi về nước để làm cho gia đình ăn.

Những bức thư tay, những cuộc điện thoại mang mã vùng quốc tế của du khách vẫn đều đặn đến với bà. Dưới tán cây, ngày ngày, cụ bà ở tuổi bát tuần ấy lấy nghề bán bánh mì làm thú vui tuổi già. “Bán được ổ bánh mì mà khách Tây bảo “good” hoặc “excillent” là tui thấy hạnh phúc vô cùng. Tui già rồi, danh tiếng có màng chi, chỉ cần làm gì đó cho Hội An thêm đẹp, thêm ấm lòng du khách là tui rất vui”, cụ Lộc tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.