Người giúp việc làng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
12/02/2024 17:12 GMT+7

Có một người Cơ Tu ở Quảng Nam nhiều năm thầm lặng góp sức cho sự đổi thay của cộng đồng vùng biên, và được gọi bằng danh xưng dân dã: người giúp việc làng.

GIÁM ĐỐC LÀNG

Người dân địa phương vẫn thường gọi Bhling Tơn là "đại gia phố núi". Danh xưng đó quả không sai, khi mỗi năm người đàn ông 46 tuổi ở thôn Adzốc, xã Bha Lêê, H.Tây Giang (Quảng Nam) này thu về hàng tỉ đồng. Bhling Tơn đang giữ cương vị Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và đầu tư đa ngành nghề Sơn Tây, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân sinh miền núi.

Chân dung Bhling Tơn ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Chân dung Bhling Tơn

MẠNH CƯỜNG

Sau vài lần hẹn, chúng tôi mới gặp được "giám đốc làng" Bhling Tơn. Nếu không lên đến đây, sẽ khó hình dung ở một nơi xa thẳm như thôn Adzốc lại thay đổi lớn như thế. Công ty của Bhling Tơn thành lập hồi cuối năm 2015, doanh thu mỗi năm cả chục tỉ đồng, giúp anh có cơ hội đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình hạ tầng tại địa phương.

Dự án quy mô lớn đầu tiên mà người đàn ông Cơ Tu đảm nhận thi công là mặt bằng tái định cư thôn Abanh 2 (xã Tr'Hy, H.Tây Giang) với vốn đầu tư hơn 6 tỉ đồng vào năm 2017.

Từng sống trong cảnh nghèo khó sau cuộc di cư từ cụm bản A'uung của H.Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) vào năm 1977, nên hơn ai hết, Bhling Tơn tha thiết muốn thoát nghèo. Năm 1996, trở về sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, anh lao vào chăn nuôi heo cỏ kết hợp nấu rượu và xay xát gạo, phục vụ dân làng. Thành công bước đầu giúp anh có thêm điều kiện mở thêm tiệm tạp hóa, thu mua nông sản địa phương… Tấm gương thoát nghèo của Bhling Tơn đã truyền cảm hứng cho cộng đồng Cơ Tu, và từ sự giúp sức của anh, nhiều hộ dân bắt đầu "lột xác" mở tạp hóa bán buôn, mở quán cà phê, làm các công trình nhỏ lẻ…

Từ niềm tin với Bhling Tơn, năm 2018, người dân Azdốc đã đồng thuận và góp sức triển khai mặt bằng tái định cư kiểu mẫu, khi họ biết đơn vị thi công chính là công ty của vị "giám đốc làng".

SỐNG ĐỂ DÂN TIN

Bhling Tơn đang ấp ủ nhiều dự định cho tương lai như mở rộng địa bàn hoạt động, đầu tư sang lĩnh vực du lịch và dịch vụ ăn uống, quảng bá văn hóa ẩm thực Cơ Tu đến với du khách… Nhưng đó là về lâu về dài còn câu chuyện lúc này là làm sao duy trì việc làm ổn định cho hàng chục công nhân là con em đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Lâu nay, họ được "bao" ăn ở, có cả phí "giữ chân" khoảng 3 triệu đồng/tháng nếu dự án, công trình bị gián đoạn. "Tôi muốn kết nối, tạo việc làm cho con em miền núi, xem đó là cách giúp nhau vượt qua khó nghèo. Cuộc đời này ai cũng có quyền được ước mơ, nên hãy đứng lên tìm kiếm cơ hội để thoát nghèo", Bhling Tơn nói.

Anh tạo niềm tin cho người dân bằng chất lượng công trình. Anh khiến người dân yêu quý bằng cách luôn tâm niệm phải sống thật tốt, làm nhiều việc tốt. "Nếu chỉ một việc không tốt thì người dân không tin, không quý nữa. Một khi người dân không tin tưởng thì cho dù làm việc nhỏ hay lớn rất khó mà thành công", Bhling Tơn trải lòng.

Ông Pơloong Críp, Bí thư Chi bộ thôn Azdốc, nói Bhling Tơn như người giúp việc đặc biệt của làng. Ngoài các hoạt động xã hội, nhiều năm qua anh còn biết cách khuyến khích đồng bào Cơ Tu thay đổi tư duy để thoát nghèo. "Ở cái làng này ai cũng tin tưởng Bhling Tơn, có việc gì cũng nhờ chỉ bảo. Adzốc đổi thay từng ngày và Bhling Tơn đã đóng góp không nhỏ", ông Críp quả quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.