Người gửi tiền vui, người vay phấp phỏng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/09/2022 07:07 GMT+7

Các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động tiết kiệm vào sáng 23.9 sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trước đó. Người gửi tiền vui, nhưng người đi vay đối mặt với việc trả lãi tăng cao.

Lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng mạnh

Ngày 23.9, các ngân hàng (NH) đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động từ 0,3 - 1,1%/năm tùy theo kỳ hạn, trong đó những kỳ hạn dưới 6 tháng có mức tăng mạnh hơn trên 6 tháng.

NH TMCP Á Châu (ACB) tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,3 - 1%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; 6 tháng lên 6,1 - 6,4%/năm; 9 tháng lên 6,3 - 6,6%/năm… Đối với sản phẩm tiết kiệm “Chọn sống mới, chọn chất tôi”, mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm ở kỳ hạn 15 - 16 tháng… Tương tự, NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 0,5 - 1,1%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,5%/năm, 3 tháng lên 4,7%/năm, 6 tháng lên 6%/năm… và mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này ở mức 6,7%/năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng lên

Ngọc Thắng

NH TMCP Bản Việt dù mới tăng lãi suất cách đây 14 ngày nhưng cũng điều chỉnh lãi suất lên thêm từ 0,3 - 1%/năm trong ngày 23.9. Ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi lên 5%/năm, 6 tháng lên 6,8%/năm, 12 tháng lên 7,3%/năm. Đối với số tiền lớn từ 300 triệu đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng lên 7%/năm, từ 12 tháng lên 7,2%/năm…

Sau nhiều tháng không thay đổi lãi suất, NH TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng lên 5%/năm, mức cao nhất 7,3%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Riêng đối với lãi suất online, kỳ hạn có mức lãi suất cao nhất là 18 tháng khi lên 7,55%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 6,85%/năm… Trong khi đó, các NH có vốn nhà nước vẫn chưa có điều chỉnh lãi suất huy động tại quầy, riêng lãi suất online đã được một số nhà băng tăng trước đó.

Sau 2 năm lãi suất trần huy động kỳ hạn từ 1 - 6 tháng “đè nén” ở mức 4%/năm đã được các NH thương mại tăng lên 5%/năm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Ngoài ra, lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm. Ngoài ra, nhà điều hành cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Tăng lãi suất thì bỏ trần, bỏ room?

Với mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đồng loạt dâng lên, ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng NH khó có thể giữ yên chứ đừng nói đến việc giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn này. Từ nay đến cuối năm còn vài tháng nữa, những hợp đồng vay cũ có thể sẽ không điều chỉnh lãi suất nhưng phần tín dụng còn lại của hạn mức tín dụng vừa cấp cho các NH, lãi suất chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng lên. Tính bình quân mức lãi suất vay những tháng cuối năm có thể không tăng mạnh nhưng qua năm 2023 thì mặt bằng chung sẽ tăng lên. Khó có thể giữ được lãi suất cho vay không tăng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao, các ngân hàng T.Ư tăng lãi suất liên tục.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm nay, đẩy lãi suất lên 3 - 3,25%/năm. Để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành. Trong thời gian tới, các NH cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH.

Mục tiêu bình ổn hay giảm lãi suất cho vay trong năm nay, theo PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) là điều khó có thể theo đuổi khi tình hình thực tế đã có những biến động ngoài dự báo. Lãi suất huy động đầu vào tăng, chi phí vốn của các nhà băng đi lên thì lãi suất đầu ra đương nhiên phải tăng lên. Lãi suất tăng lên cùng với biện pháp áp trần tín dụng cho vay dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Những NH đang còn hạn mức tín dụng hiện không có động lực để giảm lãi suất cho vay vì nhu cầu vay vốn hiện cao. Còn những NH đã dùng hết hạn mức tín dụng sẽ càng giữ lãi suất cho vay cao.

PGS-TS Phạm Thế Anh đề xuất nếu NHNN đã điều tiết thị trường qua công cụ lãi suất, điều tiết thanh khoản thông qua thị trường mở thì đã đến lúc bỏ hạn mức tín dụng để các NH cạnh tranh trong cho vay, có vậy lãi suất đầu ra mới có thể giảm. Tương tự, NHNN tăng lãi suất để tăng giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát thì cần bỏ trần tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận được vốn. Vừa khống chế hạn mức tín dụng, vừa tăng lãi suất ngắn hạn thì NH khó có thể giảm lãi suất cho vay nếu không có chương trình hỗ trợ từ nhà nước. Một biện pháp khác tiết giảm chi phí vay đối với doanh nghiệp lúc này đó là đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% hơn nữa.

Theo dữ liệu từ NHNN, đến hết tháng 8, lãi suất huy động bình quân tăng 0,33%/năm và cho vay tăng 0,36%/năm so với cuối năm 2021. Dù lãi suất huy động tăng, nhưng tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 16.9 tăng 4,17% so cuối năm 2021 và tăng 8,95% so cùng kỳ 2021. Trong khi tín dụng tăng 10,47% so cuối năm 2021 và tăng 17,19% so cùng kỳ 2021; tổng phương tiện thanh toán tăng 2,72% so cuối năm 2021 và tăng 7,2% so cùng kỳ 2021. NHNN đã giữ nguyên lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng nhanh, áp lực lạm phát trong nước gia tăng, qua đó tạo điều kiện cho NH tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Đồng thời chỉ đạo NH giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.