Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Mai Hà
Mai Hà
18/09/2022 07:30 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Kinh tế 8 tháng phục hồi tích cực

Theo chỉ thị, từ đầu năm 2022 tới nay, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, ảnh hưởng tới KT-XH VN. Dù vậy, nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, kinh tế 8 tháng năm nay phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài

Nhật Bắc

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,58%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá được duy trì hợp lý; nợ công được kiểm soát tốt; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân được chú trọng.

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của VN. Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của VN. Chỉ thị cũng cho biết dự báo sắp tới tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Tăng cường kiểm soát giá xăng dầu

Chỉ thị nêu rõ quan điểm, định hướng điều hành với phương châm “bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định”; giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tăng cường quản lý, kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, trong chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Đẩy nhanh dự án giao thông trọng điểm

Chỉ thị giao Bộ GTVT tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; và các tuyến cao tốc khác được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thành công của doanh nghiệp FDI cũng là thành công của VN

Sáng 17.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài với chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”.

Theo Thủ tướng, 8 tháng qua, dù lạm phát leo thang, tăng trưởng thấp tại nhiều nước trên thế giới, song VN vẫn kiểm soát và tăng trưởng trong xu hướng cao, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn đảm bảo. Nếu không có biến động lớn, tăng trưởng GDP quý 3/2022 sẽ cao hơn quý 2 và cả năm có thể đạt 7%. Thành công này có vai trò đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Thủ tướng khẳng định VN coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của VN. Ông cũng nhắc lại quan điểm Chính phủ VN luôn nhất quán chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các DN đầu tư nước ngoài; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê, 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 12,8 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Tại hội nghị, đại diện các DN lớn đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính, đầu tư nguồn nhân lực, và thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời thông báo kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại VN, đặc biệt là trong sản xuất công nghệ cao nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đại diện các DN FDI và các hiệp hội cũng đề cập tới những khó khăn như thủ tục kéo dài, gây nhiều phiền toái và lãng phí thời gian, vấn đề đấu thầu, thiếu lao động, bất ổn về năng lượng, chuyển đổi số hay logistics...

Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP; đẩy nhanh tiến độ và hướng dẫn thực hiện nâng cấp mở rộng, khởi công các sân bay lưỡng dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; khẩn trương nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức hợp tác công tư để khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay khác được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phấn đấu rút ngắn thời gian thi công các dự án. Thực hiện hiệu quả các giải pháp chống ùn tắc giao thông, nhất là tại các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bộ TN-MT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, hỗ trợ triển khai công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, nhanh chóng. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc giải quyết những vướng mắc trong định giá đất, thu tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng… Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”. Tăng cường quản lý giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, chống đầu cơ, tăng giá, tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung rà soát, hoàn thiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả trong phạm vi quản lý; hoàn thiện Đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trình Chính phủ.

Tạo thuận lợi chính sách visa

Bộ Ngoại giao tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại; tăng cường ngoại giao kinh tế, củng cố, phát triển quan hệ với các đối tác thực chất. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, có giải pháp tạo thuận lợi hơn trong cơ chế chính sách về visa cho người nước ngoài nhập cảnh để tăng cường thu hút khách quốc tế đến VN, thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15.10.

Chỉ thị cũng nêu rõ các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tiếp tục chủ động thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm, đặc biệt là các dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn.

Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng…

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, TP. Bộ TT-TT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thực chất, hiệu quả.

Coi trọng đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Chiều qua 17.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì họp phiên họp thứ hai.

Thủ tướng khẳng định, giao thông vẫn là “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ liên tục của cả hệ thống chính trị trên cả nước để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông vận tải trọng điểm quốc gia. Theo Thủ tướng, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến thủ tục; nếu vướng mắc ở các bộ, ngành thì người đứng đầu phải trực tiếp giải quyết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh phải bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp; coi trọng sự đồng thuận, nhất là đồng thuận trong nhân dân, không để khiếu kiện kéo dài trong giải phóng mặt bằng. Các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, bán thầu, chia cắt dự án. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với nhau, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tránh tình trạng “giấy tờ lòng vòng”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc giám sát, xử lý các sai phạm nếu có.

Thủ tướng đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các công việc được phê duyệt, nhất là các tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45; Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022. TP.Hà Nội và TP.HCM triển khai sớm các dự án đường sắt vì càng kéo dài, càng kém hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải. Với dự án sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) phải đấu thầu công tâm, công khai, minh bạch, chọn một tổng thầu có kinh nghiệm, không chia nhỏ các gói thầu, tiềm ẩn tiêu cực, đề nghị các bộ, ngành chung tay cùng ACV trong dự án rất quan trọng này.

Mai Hà - Sỹ Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.