Người hàng xóm tốt bụng đã luôn đồng hành cùng Nam như chính cha ruột của mình |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Nhận được cuộc gọi “cầu cứu” từ anh Võ Hữu Thành (trú tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ), chúng tôi cứ tưởng anh đang cần hỗ trợ máy tính cho con mình, nhưng thật ra là cậu học trò hiếu học hàng xóm của anh. Vì ở gần, chứng kiến được sự ham học nhưng gia cảnh lại quá khó khăn của Liêu Quốc Nam (học sinh lớp 8 Trường THCS Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM), và vì cũng khó khăn, không đủ khả năng để hỗ trợ máy cho Nam nên anh Thành đã “cầu cứu” khắp nơi với mong muốn cậu học trò hàng xóm có máy để học trực tuyến.
Thương quá cầm lòng không đành!
“Tôi ở gần nhà trọ của gia đình Nam, thấy gia cảnh của Nam quá bi đát, mẹ bị bệnh giai đoạn cuối, em gái bại liệt từ nhỏ, chỉ một mình ba đi làm lưới cá thuê cho người ta và lo cho cả gia đình. Nam rất ham học nhưng từ khi học trực tuyến đến giờ là Nam không có cơ hội được học như bạn bè, chỉ ở nhà và học tài liệu của thầy cô gửi về. Gia đình thì không ai biết chữ, giờ chỉ trông cậy vào mình Nam mà khổ thế này nên tôi lo cháu không học được”, anh Thành trải lòng.
Nam đã nhận được máy tính bảng để học trực tuyến, anh Thành vui như chính con ruột của mình được nhận |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Rồi anh Thành kể: “Mà Nam giỏi lắm cô ơi! Ban ngày tự học, ban đêm lại ra tàu cá nơi ba của Nam làm thuê để phụ rửa cá rồi quét dọn, chủ tàu thương trả được ít tiền để về phụ ba trang trải bữa ăn hằng ngày, lo cho mẹ và em. Thương quá cầm lòng không đành cô à”.
Ngày anh Thành gọi cho chúng tôi, anh cứ nhắc đi nhắc lại: “Mong mọi người ráng giúp cho cháu Nam, ráng giúp cho cháu Nam để cháu được học hành như bạn bè. Phải vất vả và khổ từ nhỏ, chỉ mong cháu được học hành đường hoàng sau này thoát cái khổ cho gia đình”.
với anh Thành điều mà anh lo sợ nhất là hoàn cảnh quá khó khăn, lại thêm thiếu thiết bị để học tập, sợ Nam sẽ nản chí và bỏ giữa chừng |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Ngày hôm nay, trong số rất nhiều học sinh được ba mẹ đưa đến nhận thiết bị hỗ trợ học tập từ chương “Cùng em học trực tuyến” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), thì chỉ có duy nhất anh Thành là người hàng xóm dẫn cậu học trò hiếu học đến nhận máy.
“Sáng nay phải đi làm, nhưng cũng xin nghỉ để đưa Nam đi nhận máy chứ gia đình có ai đâu mà đưa cháu đi. Do dịch bệnh nên gia đình tôi kinh tế cũng khó khăn, không thể giúp cháu được nhiều nên đợt rồi tôi chỉ mua dụng cụ, thước viết, tập vở cho cháu học, rồi mua dép cho cháu đi nữa, sắp tới đây sẽ cho cháu ít tiền để mua quần áo nếu cháu được đi học trở lại. Tôi thường nói với Nam là: Chú cũng không khá giả gì hết, nhưng chú luôn động viên và con phải ráng học, học để thoát ra khỏi khó khăn mà cha mẹ và gia đình con đang vướng phải”.
Niềm vui vỡ òa không gì diễn tả được
Nay Nam được nhận thiết bị hỗ trợ học trực tuyến từ chương trình, anh Thành vui như chính con ruột của mình được nhận máy: “Chỉ cần bé có máy để học là tôi vui lắm rồi.Vì tôi cũng không khá giả gì, nên biết được ở đâu có hỗ trợ là tôi gọi điện đến xin, may nhận được sự quan tâm của chương trình, tôi vui mừng thay cho Nam. Cháu có máy học là tôi yên tâm hơn rồi, sợ cháu làm vất vả quá lại thiếu thốn điều kiện học tập rồi đâm ra nản chí mà bỏ cuộc”.
Cô học trò ôm mẹ nghẹn ngào vì từ nay có máy tính để học trực tuyến |
Không chỉ câu chuyện của Nam, mà 26 học sinh được nhận máy tính bảng từ chương trình tại huyện Cần Giờ hôm nay, mỗi em là một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một niềm khát khao là có máy để được học trực tuyến như bao bạn bè đồng trang lứa.
Cầm trên tay chiếc điện thoại đã vỡ sắp nát màn hình, chị Dương Thị Kim Loan (mẹ của em Nguyễn Ngọc Liên, học sinh Trường tiểu học Bình Khánh, huyện Cần Giờ) rớt nước mắt nói: “Chiếc điện thoại này cũng chẳng khác nào cùi bắp, vào mạng được nhưng nó cũ quá rồi, giờ nguồn cũng bị hư, cứ đang học lại tắt máy, hoặc mới mở lên đã hết pin nên con bé nhà mình chẳng thể nào học trực tuyến được, mà mình cũng bất lực, đâu có tiền mà mua máy cho con học”.
Các em còn quá nhỏ, quá thiệt thòi khi các em không được học trực tuyến giống bạn bè |
Chị Loan cho biết chồng chị làm phụ hồ, chị thì ai thuê gì làm nấy, nhưng dịch cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp. Thêm vào đó vì chồng bị tai nạn giao thông, nên có bao nhiêu tiền là lo chữa trị rồi thuốc thang cho chồng. Cuộc sống quá khó khăn nên việc học trực tuyến của con chị cũng đành phải ngậm ngùi.
Ngồi kế bên, chị Nguyễn Thị Lớn (mẹ của em Nguyễn Trọng Nhân, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Bình Khánh) kể: “Tôi cũng ở gần nhà chị Loan, hoàn cảnh chị rất khổ nhưng dù sao cũng có vợ có chồng, còn tôi thì một mình nuôi 3 đứa con. Thất nghiệp trong dịch mà còn phải lo tiền phòng trọ, thật sự quá khổ”.
Các em háo hức vì ngày mai sẽ được học trực tuyến, được nhìn thấy thầy cô và bạn bè |
Chính vì quá khổ nên 2 đứa con lớn của chị Lớn đã phải nghỉ học, giờ chỉ còn một bé nhỏ lớp 4 nên chị Lớn vô cùng lo lắng: “Hai đứa lớn không có tiền nuôi nổi nên đã phải nghỉ học, giờ có bé nhỏ học lớp nhưng từ ngày học trực tuyến, nhà thì có cái điện thoại cục gạch thôi nên chịu thua luôn. Biết lấy gì cho con học, càng nghĩ mà càng lo và càng buồn”.
Ông Hải Thành, Phó tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trao thiết bị hỗ trợ học tập cho các em |
Nhà chỉ có duy nhất chiếc điện thoại, mẹ đi làm để ở nhà cho Lê Huỳnh Cao Thắng, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Bình Phước cùng chị gái đang học lớp 6 cùng học. Thế nhưng: “Chị gái của Thắng, sức học yếu nên cần học trực tuyến với cô để hiểu bài còn Thắng học tốt hơn, có thể tự học, tự làm toán nên tôi nói bé nhường cho chị. Mới hôm rồi, con khóc vì không có máy để làm bài kiểm tra, không có điểm, tôi lo quá”, chị Huỳnh Ngọc Diêu mẹ của Thắng kể.
Ông Trần Quốc Huy, giám đốc Kinh doanh vùng FPT Shop, trao món quà là máy tính bảng để hỗ trợ các em học sinh khó khăn được có cơ hội học trực tuyến (Trong hình là phụ huynh nhận thay cho các em học sinh) |
Vì nhường máy cho chị gái học nên từ đầu năm đến giờ Cao Thắng chưa học trực tuyến với cô giáo buổi học nào nên hôm nay nhận được máy tính bảng từ chương trình để học trực tuyến, Thắng vui mừng chia sẻ: ““con mong nhanh đến sáng mai để được vào học trực tuyến với cô và bạn bè”.
Bà Võ Thị Diễm Phượng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cần giờ, trao thiết bị hỗ trợ học tập của chương trình và gửi gắm nhiều kỳ vọng cho các em học sinh |
Chị Lớn cũng bày tỏ: “Tôi vui quá chừng vui, tối qua còn không ngủ được vì nôn nao đến sáng đi nhận máy về cho con học trực tuyến. Niềm vui này không biết dùng từ gì để diễn tả được”.
Bình luận (0)