Một chương trình mà ai cũng khóc...

18/11/2021 06:00 GMT+7

Nhặt ve chai dành dụm từng đồng nuôi cháu ngoại ăn học, nhưng từ hơn nửa học kỳ nay, cháu không được học trực tuyến vì không có máy. Bà ngoại mất ngủ lo sợ sau này cháu đã mồ côi mà còn chịu cảnh đời mù chữ… Tất cả đều có trong một chương trình mà ai cũng khóc...

Nay nhận được thiết bị hỗ trợ học tập của chương trình “Cùng em học trực tuyến” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức tại Q.Bình Tân (TP.HCM), hai bà cháu Đào Minh Hằng, học sinh lớp 3/9, Trường tiểu học Trần Văn Ơn, ôm nhau khóc nghẹn, khiến ai trong chúng tôi - những người thực hiện chương trình này, không kìm được cảm xúc và những phụ huynh ngồi cạnh cũng xót xa rơi lệ vì đồng cảm.

Hai bà cháu Đào Minh Hằng ôm nhau khóc nghẹn, vì mừng nhận được máy để học trực tuyến

đào ngọc thạch

“Món quà quá ý nghĩa với con chúng tôi”

Không cha không mẹ, từ lúc mới lọt lòng, Đào Minh Hằng, học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Trần Văn Ơn, được bà ngoại tần tảo nuôi lớn. Mỗi ngày bà Đào Thị Lộc, bà ngoại của Hằng, vừa đi bán vé số vừa nhặt ve chai kiếm tiền sinh sống qua ngày.

Dáng người gầy gò, xanh xao và hốc hác vì thiếu ăn suốt mùa dịch, bà Lộc nước mắt ngắn dài kể: “Dịch không đi bán được mà còn tiền phòng trọ nữa nên khổ quá chừng. Con bé ham học mà tôi làm gì có tiền mua máy cho cháu học, thương cháu quá chừng. Tôi biết chữ gì thì chỉ cháu viết chữ đó thôi”.

Trước đây, cứ mỗi lần đưa cháu đến trường xong là bà Lộc lại lội bộ đi cùng đường cuối ngõ ở Q.Bình Tân để bán vé số, sẵn tiện nhặt ve chai về dồn lại bán kiếm thêm tiền. Đến giờ Hằng học xong, bà lại tất tả đi về đón cháu.

“Ngày xưa, dù khổ mấy tôi cũng ráng đưa cháu đi học. Còn giờ ở nhà học trên điện thoại thì tôi không biết phải làm sao để cho cháu được học. Tôi khổ mấy cũng được, chỉ sợ sau này nếu tôi mất đi, cháu trở thành trẻ mồ côi mà còn mù chữ nữa thì tội cho cháu quá”, nói đến đây, bà Lộc lau vội những dòng nước mắt.

Ngồi bên hai bà cháu, anh Dương Hữu Phước, thầy giáo chủ nhiệm của Hằng, tiếp lời bà Lộc: “Cả trường có hơn 2.500 học sinh nhưng chỉ có trường hợp của Hằng là thương tâm nhất. Cả lớp hiện nay chỉ mình Hằng là không tham gia học trực tuyến vì điều kiện hoàn cảnh gia đình của em quá khó khăn”.

Thầy giáo trẻ với gương mặt đầy tâm tư, tâm sự: “Là thầy giáo chủ nhiệm, mỗi lần đến giờ học và điểm danh, dẫu lúc nào cũng bỏ qua tên của em Hằng vì biết là em không tham gia học, nhưng cứ thấy tên của Hằng là lòng tôi lại quặn thắt. Thấy đau và thương vô cùng”.

Điều mà bà ngoại Hằng lo sợ cũng chính là nỗi lòng của thầy Phước. “Em vốn chậm hơn các bạn khác, gia đình lại không có ai chỉ dạy, giờ thêm việc không tham gia học trực tuyến được, gửi bài về nhà cũng không có ai chỉ cho em học nên tôi rất lo lắng. Nay em có máy để học rồi, từ giờ mỗi ngày, mỗi tối tôi sẽ dành thời gian để hướng dẫn và kèm thêm cho Hằng học để theo kịp bạn bè”.

Nhà báo Trần Việt Hưng, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên điện tử trao thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho các học sinh ở Q. Bình Tân

đào ngọc thạch

Cũng rơi nước mắt vì đồng cảm với hoàn cảnh của bà cháu Hằng, anh Nguyễn Tấn Tài, ba em Nguyễn Thị Thùy Trang, học lớp 2, Trường tiểu học Tân Tạo A, bày tỏ: “Nhà mình cũng khổ quá, làm công nhân mà nghỉ 4 tháng dịch không có một nguồn thu nhập nào, cuộc sống cứu đói qua từng ngày nên không có điều kiện để mua máy cho con học trực tuyến. Mấy tháng dịch chỉ sống nhờ vào từng bó rau, ký gạo của các mạnh thường quân”.

Anh Tài cho biết con trai lớn (học lớp 6) ở với bà nội dưới quê Vĩnh Long cũng không được học trực tuyến như bạn bè vì không có máy. Dù rất thương con, nhưng vợ chồng anh Tài lực bất tòng tâm. Nhận được máy tính hỗ trợ, anh Tài cảm động, nghẹn ngào nói: “Món quà này quá ý nghĩa với con chúng tôi. Tôi cảm ơn chương trình rất nhiều”.

Nhanh chóng ổn định được việc học trực tuyến

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Trần Việt Hưng, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên điện tử, cho biết khi cả nước đang phải chống chọi với dịch Covid-19, học sinh phải ngừng đến trường, với ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đặc biệt tại TP.HCM, nơi Báo Thanh Niên hoạt động, phát triển cũng như đã và đang nhận được sự tin yêu của bạn đọc trong hơn 35 năm qua, cùng với sự chung tay của FPT Shop, Báo Thanh Niên đã mang đến món quà cho học sinh để các em thêm cơ hội học tập.

“Hy vọng món quà của Báo Thanh Niên đến tay học sinh hôm nay là sự giúp đỡ ban đầu để các em sớm thích ứng với những sự thay đổi trong học tập. Niềm vui khi về đến nhà, các em mở món quà, bắt đầu với việc học, giải trí… sẽ giúp các em lớn lên, ngày càng thích ứng với sự thay đổi của thời đại”, ông Việt Hưng bày tỏ.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân (TP.HCM), cho hay trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Q.Bình Tân là một trong những địa bàn chịu những ảnh hưởng nặng nề. Trong đó có những tổn thất về con người, những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội và với việc học tập của các em học sinh…

Cũng theo bà Dung, trước khi bước vào năm học mới này, Q.Bình Tân thống kê có hơn 6.500 học sinh chưa có thiết bị học tập. Đến nay, với nỗ lực của các ban ngành, các cơ quan đơn vị cùng các thầy cô, còn khoảng 41 học sinh đang gặp khó khăn. Nay với sự chung tay của Báo Thanh Niên cùng FPT Shop, học sinh Q.Bình Tân sẽ nhanh chóng ổn định được việc học trực tuyến.

Gửi gắm đến học sinh nhận máy tính bảng tại buổi trao thiết bị hỗ trợ, bà Ngọc Dung nói: “Với món quà tặng này, mong các con nâng niu, trân trọng vì đó là tình cảm của các cô, các chú dành tặng để các con có thiết bị học tập. Mong các con cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích”.

Sẽ tiếp tục trao thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoành cảnh khó khăn

Ảnh

Ngoài 24 máy tính bảng đã được trao ở Q.Tân Bình ngày 16.11 và 25 máy tính bảng trao tặng tại Q.Bình Tân ngày 17.11, chương trình “Cùng em học trực tuyến” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức sẽ tiếp tục trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện ở TP.HCM là Bình Chánh, Cần Giờ. Tổng giá trị trong đợt trao này là hơn 400 triệu đồng. Trong ảnh: Bà Lê Thúy Trân, Giám đốc kinh doanh FPT Shop trao thiết bị hỗ trợ cho học sinh học trực tuyến ở Q. Bình Tân.

Thay mặt cho FPT Shop, đơn vị đồng hành cùng chương trình “Cùng em học trực tuyến”, ông Nguyễn Viết Lâm, quản lý FPT Shop, nói rằng món quà mà FPT Shop gửi đến học sinh sẽ chia sẻ một phần khó khăn mà các em đang gặp phải. Thông qua chương trình nhân văn của Báo Thanh Niên, FPT Shop thấu hiểu và sẽ luôn đồng hành với học sinh, sinh viên khó khăn tại TP.HCM trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.