Người hát đường phố: Khi thế giới cùng tôi chơi nhạc

18/12/2016 12:08 GMT+7

Âm nhạc cứ giăng duyên nợ cho nhiều con người, để rồi họ mắc lưới một thân phận "người hát". Mỗi người hát lại có một sân khấu của riêng mình. Xin giới thiệu một người trẻ phải duyên đường phố - Hồ Dương Gia Huy.

[VIDEO] Thực hiện: Thanh Tâm – Hoàng Minh – Nguyễn Lộc – Phạm Thủy

Ba năm trước tôi gặp Huy lúc đang ngồi chơi đàn một mình ở công viên 30/4 gần Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), một tụ điểm phổ biến mà các nhóm sinh viên hoặc nhóm nhạc đường phố hay sinh hoạt. Tuy thì, cậu chỉ ngồi một mình. Một cái bao đàn rách, một quai đeo đặt trên ghế đá, kế bên là một cây ukulele và một chiếc máy ảnh kỹ thuật số loại bình dân, trông có vẻ như đang chờ bạn bè để hội họp.

Huy gầy nhom, nước da đen cháy, bận một bộ đồ như học sinh cấp ba đang tuổi lớn phổng phao nhưng bố mẹ không mua cho đồ mới, cái ống quần cứ hổng lên mỗi lúc nhịp chân. Chiếc mũ lưỡi trai cũ cũ che sụp mất một phần ba gương mặt, chỉ còn lại cái khuôn miệng khi thì lẩm nhẩm khi thì ngửa lên gào rống, những ca từ tiếng Anh mà nghe xa chỉ nhận biết được giai điệu của folk, country.

Từ trên xuống dưới, cậu không có vẻ gì của một người trẻ hiện đại ở thành thị, cũng không theo triết thuyết hoài cổ của các cụ ông nghe nhạc Trịnh, mà cũng lạc tông hoàn toàn so với những bạn trẻ chơi nhạc cùng thời tôi. Ít ra, bọn tôi vẫn sân si một vài hình xăm cho vui, một vài mẫu tóc cạo, nhuộm chất chất, hoặc dài dài nghệ sĩ, hoặc một vài phong cách ăn bận khác thường, mà sau anh họa sĩ bạn tôi hay giễu vui là “nhìn như nghệ sĩ trước khi là nghệ sĩ”.

Tôi tiến lại gần để được nghe.

Dưới những tán nắng xiên qua vòm cây cao như cổng trời, tôi nghe được một suối nước trong lành, kỳ lạ đang ồ ạt chảy, một sự sống thuần khiết, đa thanh sắc mà lâu lắm rồi mới nghe thấy.

Sáng tác thời đó của Huy lời còn non nớt như trẻ con, chủ yếu bằng tiếng Anh, viết về những đề tài dễ thương mà sên sến như người bán vé số, cô lao công, một buổi đi thăm Bến Nhà Rồng, những người già trong bệnh viện… đều là những câu chuyện mà cậu tình cờ gặp trên đường.

Huy nói đến 50 tuổi sẽ phát hành nhạc của mình ẢNH CHỤP TỪ CLIP

Sau này, Huy ấp ủ một dòng nhạc tự gọi là V-Flow (dòng chảy của Việt Nam), nói về cái đẹp của cuộc sống, tình yêu con người, thiên nhiên. Trên cái Ipad màn hình bể toé loé, cậu thể nghiệm những nhạc cụ dân tộc điện tử trên nền guitar, piano, thêm bass, thêm vocal, rồi thử cả những bài có ghi âm tiếng mẹ nói chuyện, tiếng xe cộ qua lại, trực tiếp ngắt nghỉ trên track nhạc nền. Tất cả những âm thanh từ cuộc sống, từ thiên nhiên, từ những chuyến xe buýt ra ngoài, đều trở thành câu chuyện sáng tạo trong âm nhạc của Huy.

Cũng như cái vẻ ngoài héo queo của cậu, bộ gear để làm nhạc cũng toàn những món bình dân, có cái còn tơi tả, như cái ipad bể màn hình, cái micro của gia đình từ thời tiền sử, hay cái đàn classic trầy trụa hôm đi chơi nhặt được từ đống rác, mang về sửa lại.

Bữa ghé nhà Huy, thấy cái cách cậu vừa nói mà tay không ngừng chơi đàn, tôi biết vì sao âm thanh từ chúng phát ra lại tràn trề sự sống như thế.

“Và tôi bay trên trời, nhìn xuống loài người vô vọng…” [Bài hát chưa có tên]

“Ta yêu thương nhau, ta quan tâm nhau, ta gánh vác cho nhau, thì đời ta vui” [Bài hát Hãy yêu thương]

Cái nhạy cảm vô cùng về tình thương giữa con người với con người trong âm nhạc của Huy phần lớn đến từ biến cố giữa cha mẹ khi còn nhỏ, cùng với việc tuổi thơ luôn bị ức hiếp, chế giễu khi đi học, bị xem như một thằng lập dị, đem ra làm trò cười cho đám bạn. Mãi cho đến năm cấp hai, cậu mới biết cái cảm giác được ai đó lắng nghe khi có người bạn đầu tiên và cũng là khán giả đầu tiên.

Khi cô đi du học, chỉ nói với Huy một câu:

“Cậu chơi nhạc hay lắm, phải tiếp tục chơi nhạc nhé”.

Tôi không tin lắm vào nhân chi sơ tính bổn thiện, chỉ biết con người sẽ tin mải miết vào tình yêu thương nếu họ từng chứng nghiệm nó một lần.

Cậu mang âm nhạc ra đường phố, và đã nghĩ rằng cả thế giới đang lắng nghe mình.

Thế giới hồi đáp bằng những thanh âm của sự sống, của những bước chân người nghe khẽ dừng lại. Của cô lao công nghỉ tay không làm nữa để nghe Huy hát, của bà Liên bán kẹo bông gòn hay cho khăn giấy lau mặt, cho nước uống; của cậu bé bán dạo nâng niu những chú chim bồ câu, nhờ Huy viết mấy chữ tiếng Anh trên mảnh giấy để bán sin-gum cho khách nước ngoài.

“Khán giả của Huy đó”.

Trước khi quyết định bước chân vào một trường đại học mới, trong gap year lang thang các bar rock, các hội nhóm guitar ca sĩ hát quán café nhỏ, tôi cũng đã trải nghiệm những mộng mị về hào quang của âm nhạc.

Trong số những bạn trẻ ngày đó, một số đã thành công sau các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc, một số vẫn duy trì đam mê ca hát bên cạnh một công việc ổn định để kiếm tiền, và một số nhỏ còn lại thì đoạn tuyệt luôn với âm nhạc. Hầu như, chúng tôi đều sẽ trải qua một thời điểm quyết định tiếp tục hoặc dừng lại, ở đó sự lựa chọn đến từ một câu hỏi ngu ngốc nhưng phổ biến nhất: mình chọn âm nhạc, nhưng âm nhạc có chọn mình để trao chiếc vương miện thành công không?

“Huy không nghĩ về thành công vào lúc trẻ. Khi trẻ ta rất nhăng nhít, ta chỉ có những khát khao nhất thời, nổi tiếng hay tiền bạc. Mà khao khát đó cũng giống như lòng tham, ta đạt được nó, nhưng không bao giờ thấy đủ. Còn đam mê, ta đuổi theo nó, nhưng lúc nào cũng thấy đủ. Đến chừng 50 tuổi thì Huy sẽ phát hành nhạc của mình, mà 50 nhạc chưa chín thì 60 cũng được, chẳng sao, thời gian không quan trọng”.

Tôi nghe mà ngưỡng mộ vô cùng. Huy chọn âm nhạc, nhưng lại chưa từng băn khoăn liệu âm nhạc có cho mình một chỗ đứng hay không, để làm gì.

Huy vẫn ngồi trên ghế đá chơi đàn, như chàng trai 17 tuổi hồi đó “rơi từ đâu trên trời xuống”. Vẫn cái nước da đen sì, vẻ gầy nhom ốm đói. Vẫn ăn vài cái bánh linh tinh sống qua ngày, quần tây ống loe hở lên một khúc khi nhịp chân.

Mà, vẫn thấy hạnh phúc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.