Trong nhóm 8 người được lực lượng đặc công nước và trực thăng không quân cứu hộ thành công sáng 11.10 (Thanh Niên đã thông tin), có ngư dân Trần Xuân Cường (27 tuổi, trú thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị). Bảy người còn lại là những thuyền viên trên tàu Vietship 01.
Nhai vội bánh mì trước khi lao ra biển
Khi những thuyền viên tàu Vietship 01 mắc kẹt ở bãi biển Quảng Trị đã hơn 1 ngày và công tác cứu hộ lâm vào tình thế bế tắc, sáng 10.10, những người hiếu kỳ trên bãi biển Triệu An (xã Triệu An, H.Triệu Phong) hồi hộp dõi theo chiếc thuyền cứu hộ nhỏ đang hướng ra biển, chở theo 4 người. Trên con thuyền “lá tre” đó, có Xuân Cường. Ai theo dõi câu chuyện cứu hộ tàu Vietship 01 cũng đã rõ: Chiếc thuyền cứu hộ nhỏ bé đó không may bị chìm, 3 thành viên của đội cứu hộ thoát được vào bờ, riêng Cường bị kẹt lại trên chính con tàu đang cần cứu hộ...
Mãi đến tối 11.10, khi PV Thanh Niên tiếp cận Xuân Cường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, anh không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Anh nhớ lại hành trình cứu hộ và tình huống mắc kẹt ngoài dự đoán với một tâm trạng nhẹ nhàng của một người quen làm việc nghĩa.
Cường kể sáng sớm hôm ấy nhận được cuộc điện thoại rủ đi cứu nạn. Mua ổ bánh mì dọc đường, Cường vừa chạy vừa ăn, khi đến bờ biển liền nhảy tót lên xuồng cứu hộ. Không ngờ, sau bữa sáng với ổ bánh mì khô khốc đó, phải 26 giờ sau anh mới có được bữa ăn tiếp theo...
|
Lúc ứng cứu bất thành mà lại gặp nạn, Cường cùng 1 thuyền viên tàu Vietship 01 bám vào phần mũi tàu, 6 người còn lại bám vào ống khói của tàu. Quãng thời gian 1 ngày và 1 đêm trên biển quá dài, khi gió to cứ tung bọt sóng trắng xóa như đang thử thách tinh thần của những người gan lì nhất. Mãi đến 9 giờ 15 hôm sau (11.10), nhóm thuyền viên bám vào ống khói tàu mới được trực thăng không quân “bốc” đi, còn Cường và 1 thuyền viên bám phía mũi tàu thì được đặc công nước dìu bơi vào bờ.
“Ngồi trên mũi tàu lúc đó, ban đầu chỉ còn biết cười chứ không nghĩ ngợi chi. Đến mô thì đến! Nhưng là người, ai chả muốn sống, thế là tôi và anh thuyền viên kia vừa nói chuyện vu vơ, vừa cắn răng bám trụ. Đêm xuống, hai anh em không dám ngủ vì sợ ngủ là... thả tay, rơi xuống biển. Bọn tôi đã thức trắng”, Cường kể.
Ấy là tâm trạng lúc gặp nạn. Nhưng với chàng trai này, khi mới lao ra khỏi nhà đi ứng cứu, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện “giúp được ai cái gì thì giúp”. “Thực tình, tôi cũng không nghĩ mọi thứ phức tạp thế, nghĩ chạy xuồng ra đưa phao cứu. Ai ngờ nước đổ như thác. Lúc ra đến nơi, mới cảm nhận hết tình hình sóng gió quá dữ dằn và nghĩ sẽ cứu không nổi”, Cường kể. Mãi đến khi thấy trực thăng xuất hiện, anh mới tin chắc những thuyền viên trên tàu Vietship 01 sẽ được cứu.
Cường tự tin nhảy xuống biển để nhờ sự tương trợ của 3 đặc công nước, vì thấy còn sức và cũng là người địa phương... Nhưng cũng phải mất gần một giờ mới chạm chân vào bờ. “Lúc đi cứu người và ở ngoài đó, tôi không sợ. Nhưng chừ vào bờ rồi, xem lại mấy cái clip mà người ta quay lúc tôi đang kẹt ở ngoài biển, mới thấy... sởn gai ốc”, Cường thật lòng.
|
Nạn nhân thăm ân nhân
Đêm 11.10, vào thăm Cường ở bệnh viện có một người đàn ông trung niên vốn dĩ xem ngư dân Cường là “ân nhân cứu mạng”. Anh là Lê Mạnh Cường, ở TP.Đông Hà (Quảng Trị).
Gần 1 năm trước, Mạnh Cường ngồi mỏm đá sát mép biển câu cá thì gặp lúc thủy triều lên nhanh, gió thổi mạnh, không thể quay vào bờ. Một nhóm ngư dân, trong đó có Xuân Cường, đã liều mình lao ra. “Ngày đó không có Cường và mấy anh em trong tổ cứu hộ, chắc tôi đã chết, mà có khi mất luôn cả xác. Chính vì thế, từ hôm 10.10, biết Cường “mắc kẹt” trên tàu Vietship khi đi cứu hộ, tôi xuống bãi biển Triệu An ngồi ngóng chờ giải cứu mà lòng như lửa đốt. May thay mọi chuyện đã tốt đẹp”, anh Mạnh Cường nói.
Không ngần ngại lao ra biển cứu người dưng, nhưng thật bất ngờ khi biết ngư dân Cường lại là người rất “yếu bóng vía”: ngủ một mình không dám tắt điện, sợ ma và... nhát gái. Tất nhiên là anh chỉ yếu bóng vía khi ở trên bờ. “Chỉ cần vứt ra biển là tôi không sợ gì hết!”, Xuân Cường nói cứng.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lớp 3 đã biết kiếm tiền mưu sinh, lớp 7 bỏ học đi biển phụ giúp cha mẹ, tính ra thời gian Xuân Cường ở ngoài biển nhiều hơn trên bờ. “Mà ngoài biển lấy đâu ra con gái mà yêu đương? Còn khi vào bờ, tôi chỉ là thanh niên nghèo, không có gì trong tay, làm sao để cho người ta yên tâm lựa chọn làm chỗ dựa?”, Xuân Cường lý giải về chuyện “trễ nải” trong yêu đương.
Trở lại câu chuyện cứu hộ nhớ đời với tàu Vietship 01. Tôi dọ hỏi Xuân Cường liệu có thoáng phút giây nào cảm thấy hối hận khi lênh đênh trên biển suốt 26 giờ, anh lắc đầu: “Tôi thường giấu bố mẹ mỗi khi đi làm những việc nguy hiểm như thế này, vì sợ bị... cấm cản. Tôi thích làm những việc kiểu như thế. Chỉ khi ra biển, cứu người, tôi mới thực sự thấy giá trị của bản thân”.
Đề xuất tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảmTối 11.10, chị Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, đã vào khu điều trị của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị thăm và trao bằng khen cho ngư dân trẻ tuổi Trần Xuân Cường. Theo chị Thu, tấm gương dấn thân, dũng cảm cứu người của Cường thực sự rất đáng vinh danh để các bạn trẻ noi theo, không chỉ trong lập thân, lập nghiệp mà trong lối sống. Vì thế, Tỉnh đoàn đã lập hồ sơ đề xuất với T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Cường.
|
Quảng Trị vinh danh những “người hùng thầm lặng” cứu hộ tàu Vietship 01Sáng 12.10, tại TT.Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), tỉnh đã tổ chức buổi lễ tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt cứu hộ cứu nạn trên biển đặc biệt với tàu Vietship 01. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã trao tặng bằng khen cho 5 tập thể, 16 cá nhân; UBND H.Gio Linh trao tặng giấy khen cho 8 tập thể, 16 cá nhân. Trước đó, chiều 11.10, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng khen thưởng đột xuất cho 3 tập thể và 12 cá nhân. Trong số những cá nhân được khen thưởng, có rất nhiều ngư dân - những “người hùng thầm lặng” cứu hộ ở thời điểm lực lượng đặc công nước và trực thăng không quân chưa tham gia.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, biểu dương tinh thần quả cảm, xả thân của các ngư dân, các tổ tự quản tàu thuyền... đã quên mình để cứu hộ những thành viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 từ ngày 8 - 11.10. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Minh (thôn Phú Hội, xã Triệu An, H.Triệu Phong, người 2 lần trèo lên thuyền cứu hộ để lao ra biển) cho biết bản thân ông từng chìm tàu, lênh đênh trên biển nên hiểu cảm giác của các thuyền viên bị nạn.
|
Bình luận (0)