Người lao động trước nguy cơ mất việc

Mai Phương
Mai Phương
22/06/2020 07:24 GMT+7

Cho nhân viên nghỉ việc, giãn giờ làm... là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày thực hiện, nhưng vẫn chưa đủ để cầm cự với khó khăn. Thời gian tới, nhiều lao động vẫn sẽ đối diện với nguy cơ mất việc.

Tìm hợp đồng như chạy ăn từng bữa

Công ty PouYuen cuối tuần qua đã thông báo cho nghỉ việc gần 3.000 công nhân trong tổng số khoảng 60.000 lao động do đơn hàng liên tục giảm mạnh, không xác định sẽ kéo dài đến khi nào vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. PouYuen được xem là một trong những công ty sản xuất giày có quy mô lớn nhất tại VN hiện nay. Việc cắt giảm lao động của công ty này không quá bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may và da giày.
Liên hệ với ông P., giám đốc một công ty may tư nhân tại Q.6, TP.HCM, để hỏi về tình hình hoạt động hiện nay, người viết bất ngờ được ông chia sẻ là đã đóng cửa công ty hơn 2 tháng qua vì không có việc. Vị này cũng cho rằng các DN may nhỏ tại TP.HCM hoặc phải cho nghỉ 30 - 40% lao động hoặc tạm nghỉ khá nhiều kể từ đầu tháng 4 đến nay.
Tôi mới thấy thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay. Nhưng nhiều công ty như chúng tôi năm nay nắm chắc thua lỗ, làm gì có lời mà phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp?
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (TP.HCM)
Còn bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương) - chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu, cho hay đơn hàng sụt giảm là tình hình chung của ngành da giày. Các đơn hàng xuất sang Mỹ hầu như vẫn còn đóng băng, thị trường châu Âu thì “bữa đực bữa cái”.
Hiện nay, Công ty Liên Phát vẫn chưa thấy thông tin gì về các đơn hàng cho quý 3 tới, đặc biệt từ tháng 8 trở đi. Dù từ đầu năm đến nay vẫn cố gắng không cắt giảm nhân sự nhưng bà Liên nhấn mạnh: Giỏi lắm chỉ cầm cự đến tháng 8 vì chưa thấy có thông tin gì “sáng” hơn.
Những đối tác còn có thể nhập hàng thì giao kèo trước khi nào bán được mới có tiền trả, nếu công ty chấp nhận được thì làm. “Trước đây sau khi xuất hàng đối tác sẽ trả tiền trong vòng 1 - 2 tháng thì nay có thể kéo dài đến 6 - 9 tháng. Vì vậy công ty chỉ dám chọn các đối tác truyền thống, tin cậy để cùng bắt tay vượt qua giai đoạn khó khăn. Chạy đơn hàng từng bữa nhưng lại không dám làm với khách hàng mới nên càng khó hơn”, bà Liên nói.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (TP.HCM), cho biết đang rất khó khăn. Từ đầu năm nay công ty có hợp đồng gia công 500.000 áo thun xuất sang Malaysia, nhưng chỉ mới giao được 120.000 cái thì phía đối tác bảo ngưng nhận hàng vì sức mua giảm mạnh.
Việc ngưng hợp đồng khiến công ty còn tồn kho hơn 20.000 sản phẩm và công nhân thiếu việc làm. Ông chủ DN này phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm đơn hàng gia công lại nhưng đến nay đã đuối. Ông cũng làm công văn đề nghị được hoãn đóng các loại phí bảo hiểm nhưng được trả lời là không đủ điều kiện. Tuần qua, ông phải “vét” khắp nơi gần 50 triệu đồng để đóng bảo hiểm cho người lao động đến hết quý 2/2020. Vì phải đóng thì người lao động mới nhận được thẻ bảo hiểm để khám chữa bệnh, khám thai sản...

Đơn hàng mới rất hiếm

Nhiều DN đều cho biết hiện nay điều họ quan tâm nhất là chỉ mong trụ được qua từng tháng một. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), nhận định đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức mua trên toàn cầu và ngay cả tại VN. Các đơn hàng dệt may bị tạm dừng trong tháng 4 - 5 do nhiều nước cách ly xã hội thì đến giữa tháng 6 có hồi phục phần nào. Riêng phát triển đơn hàng mới thì rất hiếm. Một số sản phẩm truyền thống và cơ bản còn có thể phục hồi nhẹ nhưng các sản phẩm cao cấp, hàng veston... thì vẫn chưa có đơn hàng. Tình trạng DN cho công nhân nghỉ việc khoảng 10 - 15% hay lên đến 20% diễn ra khá nhiều.
Báo cáo trước đó của Vitas cho biết ước tính có khoảng 70% DN trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và đến 80% DN cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt tình hình khó khăn càng bộc lộ rõ hơn từ cuối quý 2/2020 nhưng dự báo sẽ càng cực kỳ khó trong quý 3 sắp tới.
Người đứng đầu Vitas phân tích dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang gia tăng lại số người lây nhiễm. Quá trình cách ly xã hội được thực hiện khiến thu nhập của người dân ngay cả nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu... đều giảm sút. Bên cạnh đó, nhu cầu ở nhà nhiều hơn khiến hành vi tiêu dùng cũng thay đổi. Vì vậy người dân khắp nơi cũng chủ yếu mua nhu yếu phẩm nên việc tiêu thụ quần áo, giày dép giảm mạnh. “Chắc chắn ngành dệt may toàn cầu sẽ giảm đến hết năm và theo tôi tình hình này chỉ có thể khôi phục từ giữa năm 2021. Nếu mùa đông năm nay dịch bệnh vẫn kiểm soát được thì ngành dệt may mới có thể quay trở lại bình thường từ quý 3/2021. Dự báo của chúng tôi là cả năm 2020 dệt may VN xuất khẩu giảm 15 - 17% so với năm trước”, ông Vũ Đức Giang thông tin thêm.
Ông Phùng Đình Ngọ nhận định, với các DN nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu nhà xưởng đi thuê, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nên cũng không kỳ vọng được giảm lãi suất. Vì vậy ông chỉ mong nhà nước xem xét hỗ trợ miễn giảm nhiều loại phí liên quan cũng như cho phép các DN được tạm hoãn đóng các loại phí như phí bảo hiểm xã hội, công đoàn... trong năm nay. Bởi nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước không phù hợp với tình hình của các DN nên “có mà như không”. “Tôi mới thấy thông tin DN nhỏ và vừa, hợp tác xã sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm nay. Nhưng nhiều công ty như chúng tôi năm nay nắm chắc thua lỗ, làm gì có lời mà phát sinh thuế thu nhập DN? Cũng giống như chính sách cho vay lãi suất 0% để trả lương người lao động thì nhiều công ty cũng không tiếp cận được. Vì vậy có cũng như không và mỗi công ty đều phải tự bươn chải, không sống được thì đóng cửa nghỉ”, ông Phùng Đình Ngọ nói.

Sớm miễn, giảm các loại phí, lệ phí

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cần tiếp tục kéo dài các gói hỗ trợ đã công bố. Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành các giải pháp như miễn, giảm các loại phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần của Nghị quyết 84/NQ-CP đã ban hành cuối tháng 5 vừa qua. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.