Xung quanh nghiên cứu này, nhiều bạn trẻ thường xuyên ngồi quán cà phê cho rằng nghiên cứu thiên về định hướng thị trường tiêu thụ đồ uống. Một số người hiểu nghiên cứu theo một cách tiêu cực rằng những người đi uống cà phê thường xuyên là "vô công rỗi nghề", là lãng phí... Thực ra, ngồi quán cà phê nhiều không phải ai cũng rảnh rang...
Chi tiền "mua" không gian làm việc
Dạo 1 vòng các quán cà phê ở khu vực Hồ Con Rùa, tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ (Q.3), chúng tôi không khó bắt gặp để hình ảnh các bạn trẻ hoặc 1 mình hoặc theo nhóm đang ngồi học, trao đổi bài tập, công việc. Mỗi người mua 1 ly nước với giá khoảng 35.000 - 60.000 đồng rồi tìm 1 cái bàn có ổ cắm điện để bắt đầu thực hiện công việc hay làm bài vở. Quán mở nhạc không quá to, còn khách thì nói chuyện nhỏ nhẹ nhằm tránh làm phiền người xung quanh.
Phùng Thanh Như Xuân (27 tuổi), cho biết kể từ khi tốt nghiệp Trường ĐH Công thương TP.HCM, chị làm công việc content marketing tự do. Quán cà phê như ngôi nhà thứ 2 của Xuân. Chị cho biết bản thân không thể tập trung làm việc tại nhà nên ngày nào cũng đến quán cà phê. Chị thay đổi quán liên tục để không bị nhàm chán không gian.
Trung bình mỗi ly nước mà Như Xuân thường dùng có giá dao động từ 35.000 đồng tới 60.000 đồng, tùy loại nước và quán. Xuân thấy rằng mức phí này không cao so với những gì bản thân làm được khi ghé nơi này. Với mức lương khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng, Xuân tốn khoảng 3 triệu đồng tiền cho việc ngồi “đóng đô” tại hàng quán.
Tương tự, Đặng Thị Hồng Hạnh (24 tuổi), ngụ 174, Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chia sẻ: “Vì tính chất của công việc khá đặc thù, mình không thường xuyên đến cơ quan làm việc. Thay vào đó, mình lựa chọn các quán cà phê có không gian yên tĩnh. Mỗi ngày, sau giờ ăn trưa là mình lại tìm đến quán để làm việc. Hằng tháng, chi phí dành cho việc này tốn khoảng 1,5 triệu đồng, chưa tới 10% quỹ lương của bản thân”.
Hồng Hạnh cho biết thật khó để nói rằng đi cà phê làm việc là lãng phí hay không hay những người lương thấp mới đi, vì nhu cầu của mỗi người là khác nhau và tự họ biết phải cân đối thu chi.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, chủ 1 quán cà phê trên tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, chia sẻ: “Ở quán luôn có khách hàng xách lỉnh kỉnh nào laptop, hồ sơ, tài liệu… chọn góc ngồi quen thuộc và làm việc cả ngày. Khách ngồi làm việc cả ngày nhưng không ảnh hưởng đến doanh thu của quán. Với khách ngồi lâu, họ đều chủ động gọi thêm thức ăn, nước uống, mời thêm bạn bè”.
52% các công việc đang tuyển ở TP.HCM dành cho lao động phổ thông
Sinh viên ‘đóng đô’ ở quán cà phê để học hành
Có mặt tại làng đại học Thủ Đức lúc 22 giờ trong 1 buổi tối đầu tháng 8, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì hầu như các quán cà phê ở đây chật kín sinh viên. Điểm chung của các quán ở đây là không gian quán rất yên tĩnh, rộng rãi, máy lạnh bật xuyên suốt, có wifi… Sinh viên ngồi ở quán là luôn có laptop, sách vở bên cạnh để học và làm bài.
Anh Vũ Thế Hùng, chủ 1 quán cà phê ở làng đại học Thủ Đức, cho biết quán của anh luôn tấp nập sinh viên ra vào, tuy nhiên đông khách vào khoảng từ 11 giờ - 18 giờ mỗi ngày. Anh Hùng kể quán có nhiều khách là sinh viên thân quen, ngày nào cũng ghé để học bài hay ngồi tán gẫu cùng bạn bè. Để đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”, anh Hùng cho phép họ có thể mang đồ ăn từ bên ngoài vào trong quán, wifi truy cập không giới hạn thời gian, trà đá miễn phí uống thoải mái.
Đại diện quán Six Coffee, gần ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM khu B, chia sẻ: “Hiện nay, quán đang áp dụng chính sách là các bạn vào quán chỉ cần trả 25.000 đồng là có thể ngồi làm việc, học bài vở, không gọi nước uống cũng được, nếu gọi nước uống thì nước sẽ tính giá khoảng 20.000 đồng/ly. Việc này như kiểu bán không gian cho sinh viên với giá phải chăng. Ngoài ra, khách còn được mang đồ ăn thức uống từ bên ngoài vào. Khách có nhu cầu ở lại qua đêm thì quán phụ thu thêm 15.000 đồng”.
Vào giai đoạn thi cử hoặc bài tập dồn dập là Nguyễn Ngọc Mai Như, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, lại thâu đêm suốt sáng ở quán cà phê để học bài. “Sống tập thể ở ký túc xá nên khó có không gian riêng để tập trung học bài. Mình ở quán khoảng từ 3 - 5 ngày trong tuần, còn nhiều hơn ở phòng ký túc xá. Hơn nữa, ra đây thấy các bạn chăm chú học bài nên mình có động lực học hơn. Mình thường đi nhóm để có bài gì không hiểu cũng dễ giúp đỡ nhau giải đáp. Tiền uống nước ở quán hằng ngày đôi khi còn nhiều hơn tiền mình ăn”, Mai Như nói.
Bình luận (0)