‘Người Lý Sơn 100 năm quay về thăm đảo cũng không phải đóng phí’

Phạm Anh
Phạm Anh
25/07/2019 09:00 GMT+7

Trước những băn khoăn của dư luận về việc thu phí khách tham quan Lý Sơn, PV Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Như Thanh Niên đã phản ánh, HĐND tỉnh Quảng Ngãi Ngãi vừa thông qua chủ trương thu phí khách tham quan trên đảo tiền tiêu Lý Sơn (đảo Lớn là 70.000 đồng/người/lượt; đảo Bé là 30.000 đồng/người/lượt).
Có nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi chủ trương thu phí tham quan Lý Sơn được thông qua. Một luồng ý kiến cho rằng không nên thu, vì Lý Sơn là đảo tiền tiêu, và việc không thu sẽ góp phần “làm cho tình yêu biển đảo thăng hoa”. Song song đó, một luồng ý kiến cho rằng nên thu để có thêm kinh phí đầu tư, tôn tạo, bảo vệ cảnh quan, di tích, môi trường ở Lý Sơn ngày càng bài bản, tốt hơn…

Đang tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm của du khách

Trước những luồng ý kiến trái chiều, ngày 24.7, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, sau khi chủ trương thu phí tham quan Lý Sơn được thông qua, UBND huyện đang tập trung làm phương án thu phí hợp lý trên tinh thần tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của dư luận và truyền thông.

Địa phương sẽ làm mọi cách để cho khách lên đảo Lý Sơn du lịch, sẽ thấy lòng dễ chịu hơn khi đóng phí...

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn

"Hiện phương án chưa xong, nhưng chúng tôi tập trung vào việc tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm của du khách trong việc hỗ trợ kinh phí cho đảo Lý Sơn”, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, H.Lý Sơn có đề nghị tỉnh cho giữ lại (tiền thu phí khách tham quan đảo) 10-20% là để chi phí quảng bá hình ảnh, in ấn vé, chi cho nhân viên bán vé và chi cho người hướng dẫn viên cho khách du lịch tại các danh thắng. Còn 80-90% còn lại, H.Lý Sơn tôn tạo các điểm di tích, danh thắng, bảo vệ môi trường và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho người dân và khách du lịch. Tổng số tiền thu phí khách du lịch dự kiến ước khoảng 13 tỉ đồng. Đây là con số chỉ tính 1/2 lượng khách du lịch đến đảo Lý Sơn năm 2018: hơn 230.000 lượt, nhưng năm 2019 dự kiến khách sẽ đến Lý Sơn nhiều hơn.
“Địa phương sẽ làm mọi cách để cho khách lên đảo Lý Sơn du lịch, sẽ thấy lòng dễ chịu hơn khi đóng phí, năm sau quay lại thấy các điểm tham quan được địa phương đầu tư, thấy lòng không bỡ ngỡ, bởi đồng tiền mình đóng vào được sử dụng đúng như đảo Lý Sơn đã nói”, ông Nguyễn Quốc Việt nói.

Đây là cổng Tò Vò, tuy không hoành tráng như cổng thành cổ, nhưng thiên nhiên đã tạo nét duyên dáng riêng cho Lý Sơn để du khách ra đây chụp ảnh. Đặc biệt vào bình minh và hoàng hôn, cổng Tò Vò trở nên lung linh, huyền diệu, chẳng ai muốn rời đi

TẤN PHÁT

“Đối mặt” những băn khoăn

Về những băn khoăn của người dân Lý Sơn ở xa, khi về đảo có bị thu phí hay không? Ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Là người Lý Sơn có xa quê cả 100 năm, quay về thăm cũng không bị thu phí này, chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân, quê ở đảo là miễn phí hoàn toàn”.
Về phương pháp thu phí, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, hiện chưa hoàn thành nhưng huyện đang xây dựng theo hướng thu một lần tại cầu cảng. Những ai đi tham quan du lịch thì mua vé tại đây. Một khi đã mua vé tại cầu cảng, thì tại các điểm tham quan sẽ không soát vé, vì tất các điểm danh thắng ở đây không có tường rào, cổng, mà nếu làm tường rào, cổng để soát vé thì rất phản cảm.
“Nhưng cách làm này cũng chưa được xem là khả thi nhất, bởi chắc chắn có khách du lịch sẽ không mua vé, nhưng người bán vé cũng sẽ không kéo họ lại mua được”, ông Việt lo ngại.
“Người về đảo thăm thân cũng được miễn đóng phí tham quan. Tuy nhiên như vậy càng về sau sẽ có chuyện, khách du lịch đi theo đoàn, nhưng không đóng phí. Bởi càng về sau sẽ có tình huống xảy ra là, khách theo đoàn sẽ ngầm "bắt tay" với dân trên đảo, nhận người thân về thăm”, ông Nguyễn Quốc Việt nêu thêm một tình huống có thể phát sinh mà huyện đảo Lý Sơn phải “đối mặt” trong việc tính toán phương án thu phí tham quan.

Bộ xương cá voi lớn nhất nước. Bộ xương này được bảo quản tại lăng Đồng Đình đại vương (lăng Tân) trên đảo Lý Sơn. Khi đưa cá voi này lụy vào bờ, dân Lý Sơn phải đào ngôi mộ dài gần 40 mét, rộng 10 mét. Trải qua mấy trăm năm, nhưng xương cốt vẫn vàng ươm, rắn chắc và được bảo quản rất kỹ

PHẠM ANH

"Thật ra có đầu tư chứ!”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Việt trước một số ý kiến cho rằng đảo Lý Sơn không đầu tư mà "bắt" du khách đóng phí tham quan!
Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận do ngân sách hạn hẹp, mỗi năm đảo Lý Sơn chỉ thu ngân sách mười mấy tỉ đồng nên không có đủ nguồn để đầu tư bài bản. “Đảo chỉ đầu tư dần dần, vì nguồn lực không đủ, nên rất khó. Vì vậy mới kêu gọi tuyên truyền cho du khách, biết được ý nghĩa, mục đích của đóng phí. Đó mới là quan trọng nhất", ông Việt nói.
Theo Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, hiện huyện đang đầu tư chợ trung tâm, quảng trường, vườn hoa, cột cờ và nâng cấp các tuyến đường trên đảo và đến các điểm tham quan, di tích...
Sắp tới như ở núi Giếng Tiền, đảo sẽ làm đường với 300 bậc tam cấp lên đỉnh, cứ 50 bậc sẽ bố trí tiểu cảnh cho du khách dừng chân nghỉ và cho khách chụp ảnh lưu niệm. Hay như địa phương đang mời các chuyên gia phục dựng bộ xương cá voi 250 năm đang để ở hậu điện lăng Đồng Đình đại vương (lăng Tân) trên đảo Lý Sơn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.