Những người bạn ở Việt Nam gọi Roy Mike Boehm là “anh Mai cô đơn” vì cho đến bây giờ, ông vẫn sống độc thân. Không vợ con, nhà cửa, Mike thuê một căn phòng 20 m2 ở thành phố Madison (bang Wisconsin, Mỹ) và mua một chiếc xe hơi “đời cô Lựu” dùng làm phương tiện đi xin tiền cho tổ chức Madison Quakes, Inc (MQI) nhằm giúp những phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi. Sơn Mỹ là địa chỉ ông nhắm đến đầu tiên, cách nay đã 28 năm.
Bắc nhịp cầu đầu tiên
Ông Mike đến Sơn Mỹ trong một chuyến đi tình cờ. Trên hành trình xuyên Việt sau lần trở lại Việt Nam năm 1992, ông có ghé làng quê này, lại đúng dịp người dân ở đây tổ chức lễ tưởng niệm vụ thảm sát. Đập vào mắt ông hôm ấy là lũ trẻ con nheo nhóc và những người đàn bà lam lũ trong những ngôi nhà tạm bợ. Ông nói với các bạn mình, là những cựu binh đi cùng, phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho làng quê này. MQI ra đời sau đó một năm do Mike khởi xướng, bắc nhịp cầu đầu tiên giữa những cựu binh Mỹ với làng quê Sơn Mỹ.
Để đặt được viên gạch đầu tiên cho nhịp cầu ấy, ông Mike đã phải trải qua những năm tháng dằn vặt và đau đớn kể từ khi ông trút bỏ chiếc áo lính để trở về với người mẹ già ngày đêm ngóng tin con từ nước Mỹ xa xôi.
Mike kể: “Năm ấy tôi 21 tuổi, lần đầu đến Việt Nam với tư cách là lính pháo binh thuộc Sư đoàn 25 của Mỹ đóng tại Củ Chi, Sài Gòn. Vừa mới đặt chân đến Việt Nam, tôi đã chứng kiến ngay những cảnh tượng kinh hoàng về bom đạn và chết chóc trong đợt Tết Mậu Thân năm 1968. Tôi đã đi qua nhiều làng quê Việt Nam trong chiến tranh nhưng chưa bao giờ có mặt tại Sơn Mỹ. Ấy thế mà, Sơn Mỹ lại ám ảnh tôi ngay từ khi tôi đặt chân đến lần đầu”.
Sau nhiều năm tỏ thái độ bất đồng với chính quyền Mỹ chung quanh câu chuyện chiến tranh Việt Nam, Mike trả lại tất cả các loại huân, huy chương mà chính phủ và quân đội Mỹ đã trao tặng cho quãng thời gian ông tham chiến tại Việt Nam. Mike cực đoan đến mức không nhận bất cứ một khoản tiền nào từ chính phủ Mỹ khiến ông trở thành một cựu binh tứ cố vô thân, sống nhờ vào sự cưu mang của bạn bè. Nhưng với Sơn Mỹ, ông là một công dân đặc biệt và trở thành người “giàu có” trong mắt những người nghèo ở đây. Ông Mike đã trao cho họ những chiếc “cần câu” trong công cuộc xóa nghèo ở làng quê này.
|
MQI ra đời từ năm 1993 do Mike khởi xướng với 3.000 USD được ông quyên góp ban đầu từ những người bạn mình. “Tiền thì có từng ấy mà người nghèo thì nhiều quá, tôi đã phải giải bài toán khó nhất của đời mình. Cuối cùng thì tôi phải nhờ đến Hội phụ nữ xã để họ cho mình cái danh sách”, Mike nhắc lại thời điểm khó khăn để “giải ngân” số tiền 3.000 USD ban đầu ấy. Ông thực sự gắn bó với Sơn Mỹ bắt đầu từ 1993. Từ dạo ấy, đều đặn hằng năm, cứ mỗi dịp tưởng niệm thảm sát Sơn Mỹ, Mike lại về. “Vai thì mang cây đàn violin, còn túi thì mang một ít tiền cho chị em nghèo”, Mike hóm hỉnh.
Xoay vòng đồng vốn
Có lần tôi hỏi ông Mike về cách thức giúp đỡ cho chị em nghèo như thế nào? Ông “vận dụng nội công” hết sức để diễn đạt bằng... cả tấm thân cao lớn của mình cho tôi hiểu rằng, ông đã có lý khi sử dụng đồng vốn ấy theo cách của con nhà nghèo: “Phải xoay vòng hết lượt người nọ đến người kia. Nếu tôi cho không thì sẽ có người làm mất vốn do chủ quan hoặc thiếu trách nhiệm với việc đầu tư của mình. Vốn này, tôi đi xin khá vất vả mà người cần nó thì rất nhiều nên phải bằng cách ấy thì mới bảo tồn và sinh lợi chút ít, sau đó mình lại giúp cho người khác”.
Chị Phạm Thị Hồng Hải, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Quảng Ngãi - người luôn hỗ trợ cho dự án này của ông Mike, nói thêm: “Sau khi nắm danh sách những phụ nữ nghèo cần được vay vốn sớm, ông ấy xuống từng nhà để xem thực tế. Không phải là Mike không tin vào báo cáo nhưng đi đến từng nhà như vậy để về kể lại với những người cho tiền. Câu chuyện càng cảm động thì tiền xin được lần sau sẽ nhiều hơn”.
Dự án giúp mỗi chị mua một con bò cái. Ba năm sau, con bò ấy đủ để sinh ít nhất là 1 con bê, người vay sẽ trả lại số vốn với lãi suất bằng số tiền lãi của ngân hàng chính sách, số tiền ấy sẽ cho một chị khác vay tiếp. Thường thì người vay như thế sẽ “lãi” được 1 con bê sau một vòng. Nhưng Mike tỏ ra là một “mụ quản gia” rất cừ! Tiền thì ít mà số hộ nghèo lại đông, ngân hàng chính sách thì không thể vươn đến tất cả hộ nghèo được, Mike bèn “dát mỏng lòng tốt” mình ra, hỗ trợ cho những chị em khác làm nước mắm. Nếu 10 triệu đồng chỉ mua được một con bò nhưng cũng với từng ấy tiền thì sẽ giúp 2 chị làm được nghề chế biến nước mắm. Nếu làm giỏi thì sau 3 năm, tiền lãi từ nước mắm có khi hơn cả một con bò.
Có lần, tôi hỏi ông Mike khi biết Quỹ MQI đã vượt khỏi làng quê Sơn Mỹ để vươn đến nhiều vùng còn khó khăn hơn ở Quảng Ngãi: “Phụ nữ Sơn Mỹ hết nghèo rồi sao mà ông đã “khép cửa” với họ rồi?”. Mike phân trần: “Tôi đi đến nhiều làng quê và thấy còn quá nhiều chị em cần vốn. Các chị ở hội phụ nữ tỉnh cũng đề nghị tôi mở rộng địa bàn hỗ trợ nên tôi “vâng lời” các chị ấy. Tôi là hội viên của họ mà”. Bao giờ trong câu chuyện, Mike cũng chêm một vài câu hài hước như vậy.
|
Nhờ cách xoay vòng này mà đến nay đã có hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi tiếp cận được số vốn mình cần để cải thiện cuộc sống, góp phần vượt qua những khó khăn gặp phải. Hiện có 148 phụ nữ nghèo của Quảng Ngãi đang “nợ” ông Mike số tiền 1,7 tỉ đồng. Những con bò, con heo và những vại nước mắm tiếp tục sinh sôi và xoay vòng sang những phận nghèo khác.
Không chỉ giúp vốn, ông Mike cùng những người bạn của mình còn sửa chữa 57 ngôi nhà tình thương, tặng hàng trăm xe đạp và hàng trăm triệu đồng học bổng cho những học sinh nghèo ở vùng cao của Quảng Ngãi.
Cây vĩ cầm trong những dịp tưởng niệm
Mỗi năm, đến dịp tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3), Mike lại về Quảng Ngãi. Hành trang của ông không thể thiếu cây đàn vĩ cầm. Những giai điệu buồn của bản nhạc quen thuộc Ashocan farewell lại vang lên trong lễ tưởng niệm. Tiếng đàn của Mike cùng bản nhạc quen thuộc ấy đã thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện bộ phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, bộ phim từng đoạt giải nhất cho thể loại phim ngắn tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Thái Lan năm 1999.
Ngày ấy, hay tin bộ phim đoạt giải, tôi trêu ông Mike: “Nay thành minh tinh màn bạc và hết “Mai cô đơn” rồi anh hể?”. Ông chối đây đẩy: “Ồ không, không, vẫn cô đơn vĩnh viễn!”. Ông kể, năm 1989, tình cờ ông nhặt được cây đàn violin đã cũ trong một đống rác. Vốn là thợ mộc chuyên nghiệp, lại có khiếu đờn ca, ông về “tân trang” lại cây đàn và bắt đầu tập. Bản Ashocan farewell đã ám vào Mike ngay từ nốt nhạc đầu tiên. “Đó là tiếng lòng của người phụ nữ Mỹ trong cuộc nội chiến từ hơn 200 năm trước”. Mike đã nói về lý do tại sao ông lại chơi bản Ashocan farewell trong mỗi dịp lễ thiêng như vụ thảm sát Sơn Mỹ. Có lẽ vì thế mà Mike chọn phụ nữ làm nhân vật chính trong dự án “vì người nghèo” của ông dù Mike vẫn “bất lực” trong việc chọn “một nửa” cho mình.
Hội viên danh dự số 1Ghi nhận những đóng góp của Mike cho phụ nữ Quảng Ngãi, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tặng ông huy chương “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” cùng giấy chứng nhận hội viên danh dự số 1 của tổ chức này. Mike xem đó như một phần của đời ông trên đất nước Việt Nam thân thương...
|
Bình luận (0)