50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968-16.3.2018): Ron và Sơn Mỹ

15/03/2018 07:20 GMT+7

Sau mỗi bức thư “hẹn hò” với tôi về ngày, giờ sẽ trở lại Sơn Mỹ, bao giờ ông cũng ký tên Ron.

Còn tên đầy đủ của ông là Ronald Haeberle - cựu phóng viên chiến trường thuộc quân đội Mỹ và là tác giả bộ ảnh Mỹ Lai nổi tiếng năm nào.
Ron trở lại Sơn Mỹ lần này đúng vào dịp tưởng niệm 50 năm xảy ra vụ thảm sát.
Những cuộc tìm về
Tôi hỏi đây đã là lần thứ mấy ông đặt chân đến Sơn Mỹ? Ông nhẩm một thoáng rồi nói “lần thứ 6”. Có lẽ, trong những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, Ron là một trong số ít người trở lại Sơn Mỹ sớm nhất và cũng nhiều lần nhất. Mỗi lần đặt chân lên đất Sơn Mỹ của Ron đều mang một tâm trạng khác nhau. Trong đó, lần đầu tiên vào buổi sáng tang tóc cách đây 50 năm, với Ron là quá kinh khủng. Vì ông là người trực tiếp thu vào ống kính của mình những khoảnh khắc hãi hùng ấy: cảnh xác người chồng lên nhau trên những con đường làng; cảnh những ngôi nhà rừng rực cháy, khói lửa như trùm kín những rặng tre xanh; cảnh những đứa bé thất thần lạc mẹ, khóc thét lên trong nỗi tuyệt vọng cùng cực; cảnh những chiếc trực thăng giăng mắc đen đặc bầu trời, xả súng xuống bất cứ mục tiêu nào mà chúng thấy còn “cựa quậy”... Năm đó Ronald 27 tuổi. Bây giờ, ông chuẩn bị bước vào ngưỡng 80.
Đã 50 năm trôi qua nhưng chưa bao giờ lòng ông nguôi lặng, tâm ông lúc nào cũng mang một cảm giác muối xát mỗi khi nhắc đến hai từ Sơn Mỹ. Ông bị ám ảnh đến mức suýt thành kẻ tâm thần...
Ron kể: “Năm 2000, quan hệ Việt - Mỹ đã tan băng nên tôi quyết định trở lại Sơn Mỹ với tư cách là khách du lịch. Tôi chẳng khai với ai về lai lịch của mình nên cũng chẳng ai ở Sơn Mỹ biết tôi là tác giả của bộ ảnh Mỹ Lai cả. Làng quê Sơn Mỹ năm đó đúng là đã trở lại thanh bình nhưng tôi biết, vết thương tuy đã lành sẹo ấy vẫn chưa thôi nhói buốt”. Mãi đến hơn 10 năm sau, năm 2011, Ron trở lại Sơn Mỹ lần nữa với một “cậu bé Mỹ Lai” - Trần Văn Đức, người được cho là “nhân vật” trong bức ảnh đang treo ở Bảo tàng Sơn Mỹ gây tranh cãi nhiều năm qua. Lần ấy, đúng nghĩa là một cuộc tìm về với Ron. Ông đã đi ngược ký ức của mình 43 năm trước để xác định vị trí mà ông bấm máy bức ảnh gây tranh cãi ấy. Ai là nhân vật trong bức ảnh? Trần Văn Đức hay một “em bé khác” như cách lập luận của Bảo tàng Sơn Mỹ thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng, song với Ronald, ông có thêm một lần trải nghiệm nữa để khẳng định những gì mà ông đã hành xử trước đó. Đó là phải trả lại sự thật cho lịch sử như những gì nó đã diễn ra. “Tôn chỉ” này đã được chính tác giả bộ ảnh áp dụng ngay sau khi sự kiện Mỹ Lai diễn ra đúng một năm.
Hai lần tiếp sau là vào năm 2013, năm ông dự kỷ niệm 45 năm thảm sát Mỹ Lai, và lần gần đây là năm 2016, trên cuộc hành trình bằng xe đạp xuyên Đông Nam Á, Ron lại đặt chân lên Sơn Mỹ. “Lần sau vui hơn lần trước dù có già đi thêm một chút”, Ron tươi cười khi nói câu đó với tôi. Ông lại bước những bước đi rắn rỏi và thanh thoát trên con đường làng Sơn Mỹ như thể ông chưa hề qua ngưỡng tuổi “cổ lai hy” đã mấy mùa rồi.
50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968-16.3.2018): Ron và Sơn Mỹ1
Ronald và Trần Văn Đức cùng chiếc máy ảnh Nikon F đã chụp loạt ảnh về Mỹ Lai năm 1968
Kỷ vật vô giá
Ron kể, sáng 16.3.1968 ông nhận lệnh hành quân theo một đơn vị, xuất phát từ núi Chóp Vung huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Hành trang một phóng viên chiến trường của ông lúc ấy là hai chiếc máy ảnh. Một chiếc do quân đội Mỹ cấp, hiệu Leica, chiếc máy hiệu Nikon F còn lại là của riêng ông. Toàn bộ những bức ảnh rùng rợn nhất được công bố trên Tạp chí Life năm 1969 là từ chiếc máy ảnh hiệu Nikon này. Mấy cuộn phim ông chụp từ chiếc máy của quân đội Mỹ cấp, Ron đã giao lại cho viên chỉ huy. 18 kiểu ảnh màu trong máy Nikon, ông giữ làm của riêng cho mình. Để công bố toàn bộ những bức ảnh đẫm máu ấy trên một tạp chí khá uy tín như Life lúc bấy giờ là cả một sự đắn đo cân nhắc ghê gớm với Ron. “Tôi biết, khi mình công bố những bức ảnh ấy là đồng nghĩa với sự phản bội chính cái nơi mà mình phục vụ - đó là quân đội Mỹ. Nhưng biết làm sao được, vì đó là sự thật ghê rợn không thể che giấu được”, Ronald nhớ lại lúc ông đưa ra quyết định hệ trọng cho đời mình.
Có những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi kể từ khi tôi làm bạn với Ron và biết qua về lai lịch của những bức ảnh này. Đó là, nếu như Ron giấu nhẹm những bức ảnh ấy, hoặc viên chỉ huy của ông tịch thu chiếc máy ảnh cùng 18 bức ảnh màu “rùng rợn” kia thì liệu sự kiện Mỹ Lai có phơi bày ra ánh sáng không? Chắc chắn là không! Tôi phải khẳng định điều đó vì trong cuộc chiến chống Mỹ, đã xảy ra không dưới 5 cuộc thảm sát như Sơn Mỹ do người Mỹ và lính Đại Hàn thực hiện trên đất Quảng Ngãi quê tôi, số người chết nhiều hơn ở Sơn Mỹ nhưng những vụ như thế mãi mãi chìm khuất vào góc tối của cuộc chiến tranh. Vì vậy, phải nói một lời cảm ơn Ron vì không có ông và cả sự dũng cảm của một nhà báo có lương tri thì sự kiện Mỹ Lai cũng chìm khuất như bao tên làng khác bị bom đạn cày xới trong cuộc chiến đó thôi.
18 bức ảnh ấy là những kỷ vật vô giá. Nhưng để có được những bức ảnh ấy cần phải có một sự dũng cảm. Năm 2011, Ronald về Sơn Mỹ cùng Trần Văn Đức - cậu bé sống sót trong vụ thảm sát. Sự dũng cảm một lần nữa đã đánh thức người đàn ông ấy: ông đề nghị với Bảo tàng Sơn Mỹ nên công nhận đứa trẻ trong tấm hình chính là “cậu bé” đã theo ông đây, dù ông thừa biết, Đức hay một cậu bé nào khác trong tấm hình ấy thì bản chất của vụ thảm sát cũng không thay đổi. Nhưng sự thật thì cần phải trả lại đúng vị trí của nó. Đề nghị đó của ông đã không được sự hợp tác của cơ quan chức năng. Nghĩa cử cuối cùng mà Ron muốn an ủi Đức, đó là ông đã trao chiếc máy ảnh Nikon F đã theo ông suốt 43 năm qua cho Đức. Chính chiếc máy ảnh này đã ghi lại cảnh mẹ của Đức bị bắn chết trên cánh đồng và Đức đã “che đạn cho em” như trong bức ảnh.
Lúc trao kỷ vật vô giá ấy cho Đức, tôi biết lòng ông Ron có thể đã vợi đi đôi chút. Còn tôi thì cứ lẩn thẩn nghĩ: lẽ ra chiếc máy ảnh ấy phải nằm trong Bảo tàng Sơn Mỹ thì mới đúng vị trí của nó. Nhưng biết làm sao được khi không có tiếng nói chung của đôi bên!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.