Người mẹ ‘siêu nhân’ chiến thắng 4 cú sốc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
07/03/2021 14:05 GMT+7

Nhiều người gọi Trần Vân Anh là 'siêu nhân'. Vượt qua qua những cú sốc, Trần Vân Anh hiểu ra, con cái chính là món quà mà cuộc đời thương và trao cho mỗi người mẹ.

Trần Vân Anh (trú Q.2, TP.HCM) quê ở H.Di Linh, Lâm Đồng, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và làm việc trong ngành truyền thông. Cô kết hôn năm 2004 khi vừa 24 tuổi, sau 1 năm quen biết chàng trai ở TP.HCM. 2 năm sau thì sinh bé Tôm, con trai đầu lòng. Người mẹ đối diện với cú sốc lần đầu.

"Làm mẹ chín ép"

Hành trình làm mẹ của mình, Vân Anh gọi đó là “làm mẹ chín ép”, bởi dù đã chuẩn bị mọi thứ cả vật chất, tinh thần rất kỹ, nhưng khi em bé tới cũng khiến cô choáng váng.
Vân Anh bị trầm cảm sau sinh rất nặng, tắc tia sữa đau đến phát sốt. Cô khóc rất nhiều và luôn nghĩ tới chuyện ôm con cùng chết luôn đi. Tự bản thân cô vùng vẫy, và thoát ra cơn trầm cảm ấy. 2 năm sau, Vân Anh mang bầu lần 2, sau lần vật vã ốm nghén và có lần cái thai dọa bị sẩy, bé Gấu xinh đẹp đến với cuộc đời chị.

Vân Anh đi qua các cú sốc trầm cảm sau sinh, ly hôn và 2 con gặp những khiếm khuyết

Ảnh Thúy Hằng

Cuộc sống với 4 thành viên, đầy đủ vật chất, tưởng gắn kết và vuông vức như người ta vẫn nghĩ nhưng không phải. Những rạn nứt trong gia đình dần dần xuất hiện và ngày càng lớn hơn, từ sự khác biệt lối sống, suy nghĩ, quan điểm sống của hai vợ chồng.

3 mẹ con tự tìm kiếm niềm vui cho nhau

Ảnh NVCC

Họ sống ly thân, rồi chính thức ly hôn năm 2015. Một mình cô nuôi dạy 2 con. Những cú sốc hậu ly hôn không lớn bằng việc Vân Anh mơ hồ cảm nhận cả 2 con trai của mình có những điều khác lạ với trẻ cùng trang lứa.

Giúp 2 con vượt khiếm khuyết

Tôm, bé đầu rất thông minh, học rất giỏi các môn, đặc biệt tiếng Anh, có thể nói chuyện như một người Mỹ bản xứ, giỏi trong việc nghiên cứu một lĩnh vực nào đó. Nhưng khi đi học, Tôm không thích giao tiếp với ai, dù bạn bè hay người thân, con thích có cảm giác là “người vô hình” trong lớp. Mặt con không bộc lộ vui hay buồn. Mọi người không hiểu, nói Tôm “lỳ lợm, hỗn láo”.
Đầu tiên, Vân Anh nghĩ con mình là đứa trẻ hướng nội, nhưng dần dần những biểu hiện dày hơn khiến cô không yên tâm.

Mẹ an nhiên, con mới có thể hạnh phúc

Ảnh NVCC

Gấu khó ngủ mạn tính, từ nhỏ, cảm giác một chiếc lá rơi cũng có thể khiến em tỉnh giấc. Trái ngược với anh Tôm, Gấu rất vui vẻ, hoạt bát, thích giao tiếp với mọi người, sống rất tình cảm. Gấu sáng tạo, vẽ tranh đẹp. Nhưng khi đi học, Gấu không tập trung, không làm toán được, nhiều lần Vân Anh còn xin cô cho con ở lại lớp bởi học mãi mới viết được. Trước mỗi kỳ thi hai mẹ con phải đánh vật mới qua được bài kiểm tra.
Sau cùng, tôi hiểu ra, việc mình chấp nhận con như thế nào rất quan trọng 
Trần Vân Anh 
Người bạn có cha là một bác sĩ tâm lý nổi tiếng ở Mỹ chia sẻ nhiều với Vân Anh cách làm bạn với con, và động viên cô đưa con đi kiểm tra sức khỏe, cả thể chất và tâm lý. Họ cùng đọc nhiều tài liệu nước ngoài nói về các chứng thường gặp của con. Kết quả, Tôm gặp khiếm khuyết về mặt giao tiếp xã hội. Gấu có vấn đề về khả năng ghi nhớ và học tập.
Vân Anh chia sẻ, không hiểu cách nào mình đã vượt qua khó khăn liên tiếp, khủng hoảng khi đó. Cô dằn vặt, tự trách bản thân, cô giận chính mình, cảm thấy vì mình mà ảnh hưởng tới cuộc sống của con. Nhưng những điều đó không giải quyết được gì.
“Sau cùng, tôi hiểu ra, việc mình chấp nhận con như thế nào rất quan trọng”, Vân Anh nói.

Vân Anh chấp nhận con như vốn có

Ảnh Thúy Hằng

Các con sẻ chia với mẹ nhiều hơn

Ảnh NVCC

Cô bộc bạch, mẹ vui hay buồn có ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình làm mẹ và tâm lý đứa con. Mẹ dịu dàng hay gắt gỏng, nóng nảy hay kiên nhẫn đều tác động đến hành vi và suy nghĩ của con mình. Khi mẹ hạnh phúc, mẹ trở nên nhẹ nhàng, bao dung, đứa con sẽ lớn lên bình an, vượt qua khiếm khuyết, tự tìm cho mình lẽ sống. Hành trình hạnh phúc của 3 mẹ con chính là hành trình mẹ chữa lành tổn thương để hạnh phúc và con tự vượt qua nhược điểm để tự tin với chính mình.
Vân Anh kể, cô đi qua tuổi thơ cô đơn, không hạnh phúc ở Di Linh. Sự tổn thương tâm lý đó đã hiến cô chông chênh rất nhiều trên đường đời. Cô hoàn toàn không muốn các con giống mình. 
“Tôi tận hưởng ngày tháng ở bên con, làm bạn với con, chia sẻ với chúng mọi việc. Cuối tuần 3 mẹ con “đi du lịch” lên Q.1, cùng đọc sách, ăn kem, hoàn toàn không dùng điện thoại, máy tính mà chỉ nhìn các con vui cười. Trước khi dịch Covid-19 tới, 3 mẹ con kịp có những chuyến đi nước ngoài cùng nhau”, cô chia sẻ.

Hôm nay mẹ có vui không?

Cách đây 3 năm, Vân Anh khởi nghiệp với một kênh review về mỹ phẩm cho người Việt. Người hỗ trợ Vân Anh rất nhiều trong dự án này cũng chính là một nửa yêu thương mà cô đã đi tìm mấy năm qua.
Tổ ấm có Eric , người đàn ông Mỹ,  và 2 con trai khiến Vân Anh nhiều lần rung động, như khoảnh khắc bác Eric cùng các con nói về chuyện ăn rau, hay khuyên các chàng trai đến tuổi dậy thì sẽ phải làm gì, tìm hiểu về bao cao su thì nên xem ở đâu…

Eric, người bạn đời của Vân Anh, người cùng cô nuôi dạy Gấu, Tôm

Ảnh NVCC

Mới đây, Vân Anh còn viết sách, cuốn Hôm nay mẹ có vui không? (Phương Nam Book vừa phát hành) kể lại hành trình cô thoát khỏi trầm cảm, tìm sự thanh thản trong tâm hồn, đồng hành cùng con vượt qua những khiếm khuyết không ai mong muốn.
Vân Anh không nghĩ mình là siêu nhân. Cô chỉ là người tỉnh thức. Cuộc sống có những chông gai. Nhưng khi người mẹ còn được lắng nghe những câu hỏi yêu thương của các con “hôm nay mẹ có vui không”, hay người mẹ còn tự hỏi được với chính mình, hôm nay điều gì khiến mình vui thế, đó chính là những ngày hạnh phúc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.