Người miền Tây hồi hương: 55.000 người về lại Cà Mau, chỉ mong đón Tết đủ người thân

Gia Bách
Gia Bách
23/01/2022 14:44 GMT+7

Nhiều người dân ở Cà Mau về quê do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chỉ mong được đón tết quây quần bên người thân, dù thiếu thốn...

Cuối tháng 10.2021, hàng chục ngàn người dân Cà Mau đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước… đã theo dòng người hồi hương sau thời gian thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giờ đây, dù thiếu thốn, họ chỉ mong được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình an, quây quần bên người thân.

Dòng người đổ về quê đêm ngày 1.10.2021

Gia Bách

Theo thống kê, có hơn 54.892 người dân Cà Mau trở về quê, một áp lực rất lớn cho tỉnh trong việc giải quyết việc làm kịp thời cho người dân. Trong số người dân về địa phương, có 54% đã qua đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên và có hơn 20 ngàn người có nhu cầu tìm việc làm.

Sở LĐ-TB-XH Cà Mau cho hay, đến nay, Sở đã giải quyết việc làm cho hơn 12.700 người lao động trở về địa phương. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang rất lớn với hơn 66.000 người.

Để giải quyết việc làm cho người dân, các ngành chức năng ở Cà Mau đã khẩn trương thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc kết nối, phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ bà con tìm việc làm. Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm đến cấp xã, phát triển đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm, ấp; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ giới thiệu việc làm cũng như kịp thời nắm bắt, cung cấp thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm của người lao động để kết nối cung - cầu…

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH Cà Mau còn đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, phân loại nhu cầu người trở về; cân đối ngân sách địa phương để cho dân vay giải quyết việc làm; duy trì, mở rộng sản xuất nhằm tạo việc làm.

Sẽ làm xuyên Tết, mong đầm ấm bên gia đình

2 năm trước, vợ chồng anh Hữu Thanh Phong (ngụ xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) khăn gói lên Bình Dương làm công nhân. Dịch bệnh Covid-19, công ty đóng cửa, vậy là cả 2 tay xách nách mang về lại quê nhà.

"Công ty nơi hai vợ chồng làm việc đóng cửa, vợ tôi sắp tới ngày sinh nên hai vợ chồng quyết định về quê tránh dịch và chờ ngày sinh con. Hiện tại, tôi đang làm bốc xếp hàng hóa, thời gian gần tết hàng hóa về nhiều, tôi tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập sắm tết cho gia đình. Tôi không mong tết mua được nhiều đồ, mà chỉ mong mọi người trong gia đình bình an quây quần bên nhau", anh Phong nói.

Anh Trần Hoàng Kha phụ giúp gia đình làm đặc sản đón tết

Gia Bách

Cùng hoàn cảnh với anh Phong, anh Trần Kim Linh (ngụ xã Hồ Thị Kỷ, H.Thới Bình, Cà Mau) cho hay, suốt 3 năm nay kể từ khi vợ chồng anh chuyển lên thành phố mưu sinh, chưa năm nào cuộc sống và thu nhập lại bấp bênh như năm nay. Từ lúc dịch bùng phát trở lại, vợ chồng anh Linh không đi làm được cũng không có thu nhập, mọi chi tiêu đều phải thắt chặt. Do vậy, vợ chồng anh quyết định hòa vào dòng người hồi hương bằng xe máy để tránh dịch.

Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Cà Mau khiến vợ chồng anh Linh không kiếm được công việc nào ổn định ở quê, thu nhập cũng “bữa đực bữa cái”. Giờ hằng ngày, vợ chồng anh đi bán sò dạo.

“Tôi chưa biết mình có thể mua sắm được gì cho 3 đứa con và lì xì cho cha mẹ, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức lúc này. Thấy xung quanh mình, nhiều gia đình mất mát sau đại dịch bệnh, tôi chỉ cầu mong mình đón tết với đầy đủ người thân thôi, thiếu thốn cũng không sao", anh Linh nói.

Còn anh Trần Hoàng Kha (xã Tạ An Khương, H.Đầm Dơi, Cà Mau), người trở về sau vài tháng đi làm ở TP.HCM, chia sẻ: "Tuy hiện tại không có công việc, nhưng em thấy an tâm hơn trong lúc dịch bệnh phức tạp. Do có nhiều thời gian rảnh nên em phụ giúp cha mẹ các công việc trong nhà, nhất là việc dọn dẹp nhà cửa, làm đặc sản đón tết". Kha cũng cho biết, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên tết này em dự định chỉ ở nhà đón tết cùng gia đình. Dự định sau tết, khi tình hình ổn định em sẽ tìm một công việc ở quê để làm.

Anh Nguyễn Văn Út (28 tuổi; ngụ xã Tân Hưng Đông, H. Cái Nước) chia sẻ: “Tôi mua chiếc xe máy cũ với giá 1 triệu đồng để làm phương tiện di chuyển khi làm thuê ở Bình Dương. Thất nghiệp, trong túi còn khoảng 900.000 đồng, vợ chồng tôi quyết định chạy xe máy về quê. Tiếp lời chồng, chị Nguyễn Thúy An nói: "Do còn có 900.000 đồng nên hai vợ chồng chị không dám xài gì ngoài đổ xăng, mua cơm. Sau khi trở về, hằng ngày, chồng tôi đi kéo lưới thuê cho các cơ sở thu mua tôm công nghiệp, tôi ở nhà trồng thêm rau màu, nuôi thêm gà, vịt để chuẩn bị cho mấy ngày tết không phải tốn tiền mua".

Anh Lê Văn Phương (ngụ xã Khánh Tiến, H.U Minh, Cà Mau), cho hay: “Từ lúc về quê tránh dịch đến nay tôi chưa lên lại TP.HCM. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đi theo ghe biển để làm thuê”.

Theo anh Phương, ở những ngày cận tết anh cùng một số anh em trong xóm theo ghe biển câu mực. “Vì cuộc sống nên mình phải chấp nhận đi làm thuê xuyên tết. Dự định, khoảng 26 Tết, tôi sẽ theo ghe đi đến khoảng mùng 10 mới về nhà. Tôi chỉ mong biển yên để có được nguồn thu nhập ổn định, rồi sau đó đón tết bù cũng được”, anh Phương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.