Người mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ai?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/02/2023 14:00 GMT+7

Người mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã có nhiều năm chơi cổ vật và từng sở hữu một bảo vật quốc gia.

Nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL xác nhận việc một người Việt đã mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và đang hoàn thành thủ tục để cổ vật này có thể hồi hương (dự kiến khoảng tháng 5 tới). Đó là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh.

Người mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ai    - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Hồng và chiếc ấn quý

TL

Nguồn tin cho biết ông Hồng mua được chiếc ấn với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, phía bên chuyển nhượng - sàn đấu giá Millon có ông Alexandre Millon đại diện để giao kết hợp đồng. Tổng giá của tác phẩm (ấn vàng) được các bên thỏa thuận là 6.100.044 Euro bao gồm thuế. Tất cả các loại thuế áp dụng cho việc bán tác phẩm do bên mua chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu để nắm được các thông tin về chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" khi nhà đấu giá Millon (Pháp) bắt đầu đưa ra thông tin đấu giá. Ông Hồng cũng bỏ ra toàn bộ các chi phí để Millon hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng và mua trực tiếp. Việc thương lượng mua thành công cổ vật "Hoàng đế chi bảo" để đưa bảo vật hồi hương cũng nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL. 

Người mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ai    - Ảnh 2.

Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo

TL

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30.8.1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội. 

Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại VN và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8.3.1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

Người chi ra 153 tỉ mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ai?

Một chuyên gia về đồ cổ, cũng là người chơi cổ ngoạn lâu năm, cho biết ông Nguyễn Thế Hồng là người có một bộ sưu tập cổ ngoạn phong phú. "Rất nhiều thứ, cả Trung Quốc, Việt Nam. Cả thời Đông Sơn, thời phong kiến độc lập tự chủ, thời Bắc thuộc, nhiều lắm. Đồ gốm sứ, đồ đồng… đa dạng", vị chuyên gia này cho biết.

Vị này cũng cho biết bộ sưu tập cổ ngoạn của ông Hồng có rất nhiều nguồn: từ trong nước và mua từ nước ngoài mang về. "Việc mua đồ từ nước ngoài về với ông Hồng không phải lạ lẫm gì", chuyên gia này nói.

Người mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ai    - Ảnh 3.

Thạp đồng Đông Sơn thuộc sở hữu của ông Hồng

TL

Ông Nguyễn Thế Hồng hiện là chủ nhân của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Đây là một bảo tàng tư nhân với nhiều cổ vật. Mới nhất, một hiện vật của bảo tàng này vừa được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022 là chiếc thạp đồng văn hóa Đông Sơn.

Chiếc thạp này có một băng hoa văn trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong. Đàn thú 14 con này được tạo hình nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang đuổi theo nhau, tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động.

Như vậy, có thể nói việc mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của ông Hồng không phải tự nhiên mà có. Điều đó xuất phát từ thú vui cổ ngoạn của ông Hồng đã nhiều năm, cũng như khả năng tài chính của người này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.