Hai tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại VN là Truyền kỳ mạn lục và Nam Hải dị nhân liệt truyện vừa ra mắt độc giả với phiên bản mới gồm gần 400 minh họa của 2 họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long. Cùng với đó, bộ 5 tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh đời nhà Trần của nhà văn Hà Ân được tái bản với bìa và minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong...
Minh họa loạn 12 sứ quân trong truyện Nam Hải dị nhân liệt truyện |
NXB cung cấp |
Đúng hay đẹp ?
Từ trước đến nay, tranh minh họa hay truyện tranh lịch sử thường dễ bị “soi”, thậm chí, gây tranh cãi về việc vẽ đúng hay không với lịch sử. Họa sĩ Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm: “Vẽ đúng, nói chính xác hơn là sát với sử liệu nhất, là một tiêu chí nhất định cần có khi vẽ minh họa hay truyện tranh lịch sử”. “Từ “sát” tới “đúng” đã là một khoảng cách đáng kể, bởi các sử liệu hình ảnh trước thời Lê tại VN khá ít ỏi. Họa sĩ sẽ phải dựa nhiều vào sử liệu mô tả bằng chữ, và lấp các khoảng trống không được đề cập đến trong các tài liệu bằng các nghiên cứu và hình dung của mình, ít nhiều khó tránh được sai lệch”, anh bày tỏ.
Khi vẽ minh họa cho truyện Nam Hải dị nhân liệt truyện (tập hợp những câu chuyện kể về các “dị nhân” nước Nam, những người mà tên tuổi gắn liền với điều khác thường như có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kỳ quái... qua ngòi bút của Phan Kế Bính), họa sĩ Tạ Huy Long thấy cái khó là thiếu bối cảnh xã hội. “Tác giả chưa đi sâu vào nhân vật nên tôi muốn đi sâu hơn cũng khó. Bên cạnh đó, tác giả không viết mô tả cảnh, bởi vậy thiếu bối cảnh xung quanh khiến mình khó hình dung nhân vật sống trong không gian nào”, họa sĩ Tạ Huy Long chia sẻ và nói thêm: “Bối cảnh có khi sẽ quyết định số phận nhân vật”. Anh ví dụ, nhân vật là một hoàng tử có thể ăn mặc bình thường nhưng khi đặt trong bối cảnh vương triều thì mọi người sẽ hiểu nhân vật đó là ai. Tuy nhiên, họa sĩ cho rằng, cái khó đó cũng là cái mở để họa sĩ tưởng tượng.
Nói về việc cân bằng giữa đúng và đẹp khi vẽ, họa sĩ Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm: “Chỉ cần họa sĩ có phương pháp nghiên cứu sử liệu hợp lý và phỏng dựng nghiêm túc, những minh họa lịch sử đó đã đạt được một nửa mục đích hấp dẫn bạn đọc rồi, bởi những bạn đọc yêu lịch sử đa phần sẽ hứng thú với việc tìm hiểu xem cha ông ta thời xưa trông thế nào, ăn mặc ra sao, có những thú vui nào... Nửa hấp dẫn còn lại nằm ở gu thẩm mỹ và tay nghề của họa sĩ: lựa chọn phong cách thể hiện sáng tạo mà vẫn thể hiện được không khí xưa, tạo hình mạch lạc, bố cục tốt, dẫn truyện bằng hình ảnh hấp dẫn”.
Trong khi đó, ở Nam Hải dị nhân liệt truyện, tác phẩm có chi tiết chính sử và dã sử, mang yếu tố “thực” và “kỳ”. Họa sĩ Tạ Huy Long chọn phong cách vẽ không thực, tránh gây tranh cãi đúng hay sai. Theo anh, người Việt cổ có thể lưng dài, chân cong, hay da ngăm đen chẳng hạn. “Trong khi, những người đọc trẻ bây giờ lại thích hình ảnh theo kiểu game, đẹp, bóng bẩy. Nếu mình vẽ theo kiểu mẫu người Việt cổ như vậy thì không thể tiếp cận được với những người trẻ, chính vì thế, cần tìm sự trung dung”, anh nói.
Bìa cuốn sách Truyền kỳ mạn lục và Nam Hải dị nhân liệt truyện |
Để hấp dẫn người đọc nay
Mỗi họa sĩ lại có quan điểm và đi theo phong cách khác nhau để hấp dẫn người đọc thời nay. Trong nhiều tác phẩm, họa sĩ Thành Phong vẽ bám sử liệu. Anh cho hay: “Có những chi tiết thú vị trong lịch sử mà trước đây ít được các họa sĩ khai thác, như tục nhuộm răng đen phổ biến cho tới tận nửa cuối thế kỷ 20, hay thời Trần tục xăm mình không những thịnh hành trong dân chúng mà còn phổ biến với binh lính, các vương hầu và thậm chí cả vua nữa; hoặc như chi tiết Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn để đầu trọc dù đúng theo sử viết nhưng chưa có ai tạo hình như vậy. Những chi tiết này khi tôi đưa lên truyện tranh hay minh họa cũng tạo ra một không khí thời đại rất đặc sắc và độc đáo”.
Nói thì đơn giản nhưng thực tế vẽ một câu chuyện lịch sử hấp dẫn là một sự kỳ công, đầu tư thời gian và chất xám của họa sĩ
Để tác phẩm tiếp cận với người đọc trẻ, họa sĩ Tạ Huy Long chọn cách vẽ trẻ trung như với Nam Hải dị nhân liệt truyện. “Tôi đưa cái nhìn hiện đại với các nhân sĩ như để cho thấy có lúc họ cô độc chẳng hạn. Cùng cách tiếp cận “trẻ” hơn thì bố cục, màu sắc cũng “trẻ” hơn. Tuy nhiên, tôi làm mới nhưng không theo cách cực đoan, tức là làm sai lệch đi ý, hay mong muốn của tác giả”, họa sĩ nói.
“Nói thì đơn giản nhưng thực tế vẽ một câu chuyện lịch sử hấp dẫn là một sự kỳ công, đầu tư thời gian và chất xám của họa sĩ, bởi vậy số lượng họa sĩ vẽ đề tài lịch sử tốt (như Tạ Huy Long, Nam Thanh Phan...) thường không có nhiều”, họa sĩ Nguyễn Thành Phong nhìn nhận. Anh bày tỏ: “Tuy vậy, theo quan sát của tôi, ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu sử, nghiêm túc nghiên cứu và phục dựng, hình ảnh hóa các sử liệu viết và chia sẻ công khai cho cộng đồng, đây thực sự là điều đáng mừng cho những người yêu lịch sử”.
Bình luận (0)