Người nghèo nông thôn khó 'hưởng' dịch vụ công

27/07/2013 03:00 GMT+7

Ngày 26.7, tại Hà Nội, Viện Chính sách - Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) trực thuộc Bộ NN - PTNN và Quỹ châu Á tại Việt Nam đã công bố bộ chỉ số dịch vụ công nông nghiệp nông thôn (RPSI).

Ngày 26.7, tại Hà Nội, Viện Chính sách - Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) trực thuộc Bộ NN - PTNN và Quỹ châu Á tại Việt Nam đã công bố bộ chỉ số dịch vụ công nông nghiệp nông thôn (RPSI).

Phó viện trưởng Ipsard, TS Vũ Trọng Bình, cho biết RPSI do Trung tâm phát triển nông thôn triển khai khảo sát từ năm 2011 đến nay tại nhiều địa phương khác nhau ở Hà Nam, Bình Định và Vĩnh Long nhằm đưa ra phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ công nông thôn thông qua các chỉ số đã được thử nghiệm trên 4 loại dịch vụ liên quan trực tiếp đến nông dân, cư dân nông thôn: khuyến nông, thú y, nước sạch nông thôn và y tế xã.

Kết quả khảo sát công bố cho thấy, ở dịch vụ khuyến nông, 50% người nghèo trả lời xác nhận được tham gia vào hoạt động khuyến nông như tập huấn, đào tạo và tiếp cận thông tin nhưng họ ít có điều kiện đầu tư vào các mô hình cụ thể do khó khăn về tài chính, kỹ thuật. Còn ở dịch vụ thú y, tỷ lệ gia súc, gia cầm do người dân chăn nuôi được tiêm chủng đủ mũi theo quy định còn thấp, phổ biến chỉ từ 50 - 60%, nơi thấp nhất là 20%. Ở nhiều nơi, khi có dịch bùng phát, người dân vẫn chưa có ý thức tiêm phòng cho vật nuôi. Khả năng tiếp cận dịch vụ thú y của nhà nước ở các hộ gia đình còn hạn chế, người dân coi người bán thuốc thú y là đối tượng trợ giúp dịch vụ thú y hơn là nhờ đến cán bộ ở các trạm thú y. Đối với dịch vụ y tế xã, chỉ có 30% số hộ được hỏi cho biết dễ dàng tiếp cận với trạm y tế xã. Các hộ gia đình sống ở gần trục đường chính, thị trấn có xu hướng sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến trên hơn là chọn tuyến xã. Cuộc khảo sát cũng ghi nhận, vấn đề tiếp cận nước sạch và nước hợp vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt ở khu vực miền núi là rất khó khăn.

Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, ông Hồ Xuân Hùng, RPSI đã định lượng được các tiêu chí cụ thể, “đo” mức độ hài lòng của người dân nông thôn đối với các dịch vụ công hiện nay, điều mà trước đây thường chỉ đánh giá theo định tính. Y tế và nước sạch vẫn là vấn đề bức xúc ở khu vực này khi người giàu dễ tiếp cận hơn người nghèo. Trong khi đó, mức độ đầu tư cho y tế của nhà nước hiện vẫn tập trung nhiều ở các tuyến tỉnh và huyện, những nơi chỉ có người giàu tiếp cận được. Bác sĩ giỏi cũng không ai muốn về xã công tác, điều này khiến dịch vụ y tế ở nông thôn đang đi xuống nhiều hơn đi lên và tạo ra khoảng cách lớn so với khu vực thành thị.

TS Hoàng Vũ Quang, Giám đốc Trung tâm phát triển nông nghiệp nông thôn, nhìn nhận: "Đưa dịch vụ công đến với người nghèo nhằm tạo ra sự cân bằng trong thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ này là vấn đề quan trọng nhất hiện nay". Xây dựng các dịch vụ công hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới. Cũng theo ông Quang, nhà nước không thể là đơn vị duy nhất cung cấp các dịch vụ công mà nên mở cửa, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc đầu tư xã hội hóa dịch vụ công ở nông thôn.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.