Mới đây, đại diện Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM nêu thực trạng một số người nổi tiếng cố tình tạo scandal trên mạng, chấp nhận đóng phạt hành chính 7,5 triệu đồng (mức phạt áp dụng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật), sau đó tiếp tục livestream bán hàng, thu lợi. Đại diện Sở nói thêm đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xử lý từng trường hợp cụ thể để răn đe.
Thực tế cho thấy vẫn còn không ít trường hợp người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn, đăng thông tin sai sự thật. Điều đó khiến nhiều người cho rằng mức phạt hiện tại còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
'Được nhiều hơn mất' khi tạo chiêu trò?
Trao đổi với Thanh Niên, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam, cho biết người nổi tiếng luôn muốn duy trì sự ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, một số người quan niệm những việc làm sai sẽ được biết đến, bàn tán nhiều hơn. Khi chấp nhận nộp phạt để được chú ý, những người nổi tiếng đạt được mục đích ban đầu nhưng đổi lại là sự tai tiếng, phản cảm.
"Về lâu về dài, khi mọi người nhận ra đó là điều không đúng thì người ta có thể quay lưng. Đó là trả giá của những người nổi tiếng thiếu chín chắn, chỉ nghĩ mục tiêu ban đầu", bà Vũ Thu Hà cảnh báo.
Chuyên gia tâm lý này cũng nêu thực trạng khi một số người nổi tiếng làm sai nhưng được fan bảo vệ dẫn đến hiện trạng cái sai được duy trì, ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ. Bà Vũ Thu Hà thẳng thắn cho rằng nghệ sĩ ngoài việc phát triển tài năng cần giữ gìn phẩm chất, không chiêu trò bởi đó mới là đường đi lâu dài.
"Cái quan trọng nhất là sự sáng tạo, làm việc thật sự để tạo ra giá trị. Còn nếu chỉ dựa vào chiêu trò để nổi tiếng, nếu có quá nhiều cái phản cảm thì sẽ bị loại ra không chỉ bởi khán giả mà còn bị sự tác động của luật pháp, nhà quản lý văn hóa…", bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập câu lạc bộ Truyền thông Trăng Đen, cho rằng thực trạng người nổi tiếng cố tình tạo chiêu trò gây sốc, chấp nhận nộp phạt để gây chú ý xảy ra ngày càng nhiều vì giữa "được và mất", cái họ nhận được nhiều hơn.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, thứ người nổi tiếng mất có thể chỉ là tiền. Thậm chí có rất nhiều trường hợp dù vi phạm nhưng vẫn chưa bị cơ quan chức năng "sờ gáy". Về lâu dài, nhiều người sẽ quen với câu nói "cùng lắm thì lên phường nộp phạt". Đổi lại, họ có được nhiều nguồn lợi, từ việc được nhiều người biết đến, tên tuổi đi lên, thu nhập nhiều hơn...
"Giữa được và mất có sự chênh lệch quá lớn, nên hiện nay nhiều người bất chấp để đi lên bằng hướng truyền thông bẩn. Rõ ràng, khán giả có thể quay lưng với những người đi lên bằng chiêu trò, scandal. Nhưng có vẻ như mọi người lại không xem đó trường hợp cần lên án, tẩy chay. Vậy nên người nổi tiếng cứ đua nhau làm, bởi thứ họ mất đi chẳng đáng bao nhiêu", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích.
Nên xóa, khóa tài khoản người vi phạm
Khi chúng tôi đặt vấn đề phải chăng mức xử phạt chưa thật sự nghiêm nên tình trạng này tái diễn, thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà nhấn mạnh chấp nhận làm sai để đạt được mục tiêu là đã không đúng về mặt đạo đức. "Khi đã trưởng thành, chúng ta biết đâu là điểm sai và đâu là giới hạn để dừng lại. Còn nếu sẵn sàng làm sai thì cái sai càng nhiều hơn", bà Vũ Thu Hà cho hay.
Theo chuyên gia tâm lý này, những người nổi tiếng bằng chiêu trò thường với mục đích có nhiều người theo dõi để phục vụ cho công việc, điển hình là bán hàng. "Chúng ta cần có mức xử phạt với số tiền cao hơn, thậm chí có mức xử như không được biểu diễn chẳng hạn. Điều đó là cần thiết bởi những người có sức ảnh hưởng nhưng có thái độ sống xấu thì ảnh hưởng rất tệ đối với những người về sau. Chúng ta cần phải xử lý rõ ràng, quyết liệt để làm gương", bà Vũ Thu Hà thẳng thắn.
Còn với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, để giảm thiểu tình trạng người nổi tiếng cố tình tạo scandal trên mạng xã hội, cơ quan quản lý và nhà cung cấp nền tảng mạng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cơ quan quản lý với vai trò làm luật, điều phối và tác động đến nền tảng mạng và yêu cầu những bên liên quan cùng chung tay. Ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh: "Cơ quan quản lý mang tính định hướng cho tất cả những bên liên quan. Khi cơ quan quản lý mạnh tay trong việc xử lý những trường hợp vi phạm, tôi tin rằng tất cả những bên liên quan cũng sẽ có cách làm tương tự".
Với nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng đơn vị này có vai trò sát sườn đối với người dùng. Chuyên gia này nhận định, nếu nói về hành vi của người dùng, nhà cung cấp nền tảng mạng đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Từ đó, cơ quan quản lý chỉ cần tác động đến nhà cung cấp nền tảng sẽ góp phần định hướng và thay đổi nhận thức người dùng mạng xã hội.
"Trước một hành vi, dù cơ quan quản lý không coi đó là hành vi vi phạm, nhưng nền tảng mạng "đánh gậy" những hành vi đó thì người dùng cũng sẽ không dám làm. Tôi lấy ví dụ trên TikTok, nếu chúng ta quay hình ảnh đồ dùng sắc nhọn nguy hiểm như dao, kiếm, thông tin cá nhân riêng tư như bảng số xe, địa chỉ nhà, số điện thoại... lập tức bị xóa video. Từ đó, người dùng TikTok "tự động" né những hình ảnh kiểu này, hoặc lập tức làm mờ. Dần dần thói quen đó lan sang cả nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, YouTube. Cho nên, vai trò của nền tảng là cực kỳ quan trọng trong việc hình thành hành vi người dùng", chuyên gia phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Long cũng đưa ra kiến nghị về việc áp dụng chế tài xử phạt bổ sung liên quan đến trường hợp người nổi tiếng tạo scandal trên mạng xã hội. "Với những trường hợp có tính chất tái phạm, cơ quan quản lý nên có nhiều hướng để xử lý. Ví dụ, ngoài phạt hành chính, cơ quan quản lý có thể đánh dấu hồ sơ trên căn cước công dân. Với người nổi tiếng, tài khoản mạng xã hội rất quan trọng với họ. Nếu người nào vi phạm, cơ quan quản lý có thể yêu cầu khóa, chặn tài khoản của họ. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nền tảng mạng còn có thể tạo ra "danh sách cá biệt", ví dụ bôi đen ảnh đại diện của tài khoản để nhận diện là người từng phạm luật. Theo tôi, nếu làm được những điều đó sẽ có tác động rất lớn đến người dùng mạng, đặc biệt là giới trẻ", chuyên gia này cho hay.
Người thi hành công vụ chưa sử dụng hết quyền năng của mình
Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng mức phạt hành chính 7,5 triệu đồng với người bình thường thì đủ sức răn đe. Tuy nhiên với những người nổi tiếng, mức phạt này là quá nhẹ. "Đối với những người nổi tiếng, mức phạt hành chính dù có tăng thêm lên vài chục triệu cũng không ảnh hưởng nhiều với họ", luật sư Hà Hải nhận định.
Với trường hợp những người nổi tiếng tạo scandal để gây chú ý nhằm thu lợi, luật sư cho rằng phần lớn họ đều có tính toán. Đầu tiên, người nổi tiếng sẽ cân nhắc giữa mức phạt, tức là hậu quả họ gánh chịu với lợi ích là cái họ nhận được. Chính vì thế, họ chấp nhận nộp phạt, đối diện với hậu quả để nhận lại mức lợi lớn gấp 10, thậm chí cả 100 lần. "Tên tuổi họ có thể nổi lên trong không gian mạng. Trên cơ sở đó, họ được nhiều người biết hơn, quảng bá sản phẩm, dự án tốt hơn... và thu về nhiều lợi ích. Đó là thực tế xảy ra phổ biến hiện nay ở những người nổi tiếng và cả những người mong muốn được nổi tiếng", luật sư phân tích.
Nam luật sư nhấn mạnh, khi đã được gọi là người nổi tiếng thì mọi hành động, phát ngôn đều phải dè chừng, cẩn thận trên mức bình thường. Bởi theo luật sư, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, có thể định hướng được số đông, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, họ buộc phải sống tốt, gương mẫu hơn so với người bình thường. Nếu người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý buộc phải nghiêm khắc xử phạt để răn đe những trường hợp sau này.
"Hiện nay ngoài xử phạt hành chính, cơ quan quản lý vẫn có thể áp dụng một số chế tài khác, hay được gọi là hình phạt bổ sung. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và tái phạm của những người nổi tiếng, cơ quan quản lý sẽ đưa ra mức phạt như đình chỉ biểu diễn vài tháng hoặc cấm sóng vĩnh viễn. Với những KOL, TikToker, việc cấm tài khoản mạng xã hội cũng là chế tài xử phạt mà cơ quan quản lý nên áp dụng. Những mức phạt này phù hợp với quy định pháp luật, được công chúng đồng lòng ủng hộ. Cách xử phạt này đủ sức răn đe không chỉ với người vi phạm mà cả với người chuẩn bị muốn vi phạm. Từ đó, họ sẽ phải biết sợ và chấm dứt vĩnh viễn suy nghĩ muốn thực hiện hành vi lệch chuẩn, gây sốc, tạo scandal để nổi tiếng", luật sư bày tỏ quan điểm.
Nhắc về vai trò của cơ quan quản lý, luật sư Hà Hải nhận định một số người thi hành công vụ chưa sử dụng hết quyền năng của mình. Bởi trong vai trò là những người trực tiếp giám sát, tiếp nhận thông tin và áp dụng quy định pháp luật để xử lý, một số người thừa hành công vụ vẫn chưa thấy được tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc nên việc xử phạt còn nửa vời, cho xong, cho qua, chưa làm hết trách nhiệm của mình.
"Chính vì lẽ đó nên những người nổi tiếng và người muốn nổi tiếng không sợ, vẫn tiếp tục tái phạm, người khác nhìn thấy cũng học và làm theo. Nếu cơ quan quản lý mạnh tay hơn, ví dụ lần thứ nhất phạt hành chính, nếu tiếp tục tái phạm thi áp dụng thêm phạt bổ sung hoặc chuyển hồ sơ sang công an, đề nghị khởi tố vụ án, xử lý hình sự. Nếu cơ quan quản lý làm đúng theo quy định pháp luật, nghiêm khắc, mạnh tay thì chắc chắn sẽ đủ sức răn đe", luật sư Hà Hải nói thêm.
Bình luận (0)