Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, sản lượng cá bổi năm 2020 toàn tỉnh ước khoảng 2.600 tấn. Đến giữa tháng 1.2021 mới tiêu thụ khoảng 600 tấn, còn lại trong ao nuôi của các hộ dân khoảng 2.000 tấn, chủ yếu ở H.Trần Văn Thời. Người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cá thương phẩm trên đà giảm sâu.
Giá cá giảm sâu lại khó bán
Ông Nguyễn Hữu Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời, thông tin toàn xã hiện có hơn 100 hộ nuôi cá bổi với khoảng 87 ha. Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, giá cá sụt giảm mạnh khiến nông dân lao đao. “Nếu như năm trước, cá loại 8 con/kg có giá hơn 45.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg. Với giá này, đa số người nuôi chỉ huề và lỗ vốn, số người có lãi rất ít. Hiện tại, xã còn khoảng 30% diện tích cá bổi chưa thể bán được”, ông Khải nói thêm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (ấp 1, xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời), nói: “Trước tết, gia đình tôi may mắn bán được cá với giá 28.000 đồng/kg, loại 8 con/kg. Với giá này, tôi thu về gần 160 triệu đồng, thế nhưng sau khi trừ chi phí thì lỗ khoảng 20 triệu đồng”.
Cũng theo ông Hà, với giá thức ăn như hiện tại, người nuôi chỉ có lãi khi cá bổi loại 8 con phải từ 35.000 đồng/kg trở lên. “Cũng vì giá cá bổi bấp bênh nên một số hộ trong hợp tác xã đã bỏ nghề. Hiện hợp tác xã đành phải tạm ngưng hoạt động”, ông Hà bộc bạch.
Thống kê của Phòng NN-PTNT H.Trần Văn Thời cho thấy trước tết huyện có khoảng 93,7 ha cá bổi với 351 hộ nuôi, sản lượng ước đạt hơn 1.500 tấn; hiện nay còn khoảng 26 ha chưa thu hoạch. Giá cá loại 8 con/kg từ trước tết đến nay cứ đứng ở mức “sát đáy”, chỉ khoảng 27.000 đồng/kg.
|
Thương hiệu bị làm giả
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 55 cơ sở thu mua và chế biến khô cá bổi, tập trung ở 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Riêng H.Trần Văn Thời có 42 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở đăng ký thương hiệu “khô cá bổi U Minh”.
Những năm qua, nghề nuôi cá bổi ở Cà Mau phát triển khá ổn định. Vào năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 300 ha nuôi cá bổi thâm canh, tập trung nhiều nhất ở H.Trần Văn Thời (217 ha), năng suất bình quân từ 15 - 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Thời điểm này, thị trường đầu ra ổn định, cá thu hoạch không gặp trở ngại.
Tuy nhiên, từ sau năm 2017, do nhiều nguyên nhân tác động làm cho nghề nuôi cá bổi thâm canh gặp khó khăn, diện tích nuôi giảm dần. Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh chỉ còn khoảng 120 ha.
|
Bên cạnh đó, nhiều nông dân địa phương cho biết hiện các cơ sở thu mua cá bổi trong tỉnh khá ít, số lượng còn lại họ thu mua từ các tỉnh ngoài. Nguyên nhân là cá ngoài tỉnh rẻ hơn cá trong tỉnh từ 2.000 - 3.000 đồng/kg và thương lái cung cấp hàng nhanh chóng, giao hàng tận cơ sở.
Sở NN-PTNT cũng cung cấp một thông tin đáng báo động là thương hiệu “khô cá bổi U Minh” thời gian qua bị nhiều cơ sở thu mua, chế biến khô lợi dụng, gian lận thương hiệu. Họ mua cá bổi nguyên liệu từ các tỉnh với giá rẻ về làm khô, sau đó lấy thương hiệu “khô cá bổi U Minh” mang đi tiêu thụ các nơi. Cá ngoài tỉnh có đặc điểm là nuôi lớn nhanh, thịt dày, lượng mỡ nhiều nên các cơ sở chế biến phải cho độ mặn cao nhằm bảo quản được lâu. Điều này làm cho cá khô quá mặn, không còn độ béo, khi bán cho người tiêu dùng thì giả thương hiệu “khô cá bổi U Minh”, ảnh hưởng tới thương hiệu của địa phương và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Để giúp nông dân tiêu thụ được cá bổi, Sở NN-PTNT Cà Mau cho rằng cần xây dựng và triển khai kế hoạch tiêu thụ sản phẩm một cách cụ thể về thời gian, lượng cá thu hoạch, địa chỉ bán cá, các nội dung cần thiết khác. Về lâu dài, cần quy hoạch lại diện tích nuôi cá bổi thâm canh phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng cung cầu trong giai đoạn sắp tới.
Bình luận (0)