17 giờ chiều, người dân ở các xóm trọ trên đường Trần Thanh Mại (Q.Bình Tân) trò chuyện cho khuây khỏa sau một ngày ở trong phòng trọ. Một số người nói về chuyện thu nhập giảm suốt mấy tháng qua và cùng nhau chỉ "mẹo hay" tiết kiệm giữa thời buổi khó khăn.
"Tiết kiệm hết cỡ!"
Tranh thủ sau giờ làm việc, chị Lâm Thị Thu Thảo (36 tuổi, quê Bạc Liêu), công nhân công ty PouYuen nhặt mớ rau muống, chiên thêm vài con cá khô hôm bữa mua 30.000 đồng còn dư để ăn bữa tối. Vì chưa lập gia đình nên chị sống một mình trong phòng trọ nhỏ xíu, giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng.
Suốt mấy tháng nay, chị luôn suy nghĩ mỗi ngày sẽ tiêu 50.000 đồng bao gồm tiền thức ăn, tiền xăng,…. Trước đây, khi công ty có tăng ca, chị ăn ngon và đầy đủ hơn. Chị buộc phải tiết kiệm chi tiêu vì thu nhập giảm nhưng vẫn dành dụm tiền gửi về nuôi ba mẹ ở quê.
""Bình thường, tôi đi chợ mua thức ăn dưới 100.000 đồng/ngày. Nếu hôm nào thèm món ngon hơn, đắt tiền hơn tôi vẫn mua rồi tự dặn bản thân hôm sau phải tiết kiệm bù vào tiền chợ hơn hôm trước. Giờ không được tăng ca nhiều nhưng giá cả dầu ăn, bột ngọt, ngày một leo thang,… Gạo hồi trước 14.000 đồng/kg nhưng giờ lên 16.000 – 18.000 đồng/kg. Tôi ít khi đi chơi, ăn ở ngoài vì kinh phí không dư giả như trước", chị nói.
Dù chi tiêu eo hẹp hơn nhưng bản thân chị vẫn cảm thấy may mắn vì thời điểm hiện tại vẫn có việc để làm. Chị đồng cảm với nhiều người xung quanh khi đang tìm kiếm việc làm.
"Những khoản chi tiêu như mua quần áo, uống cà phê…, tôi cắt giảm hết. Tôi hy vọng công ty có nhiều đơn đặt hàng hơn, công nhân có thể tăng ca vào những tháng cuối năm để có tiền về quê ăn tết", chị Thảo chia sẻ.
Gói ghém chi tiêu
Cách đây ít tháng, bà Âu Thị Kim Hồng (50 tuổi) làm nhân viên tạp vụ cho một công ty ở Bình Dương. Công ty giải thể, bà rơi vào cảnh không có việc làm nên chuyển về sống chung với con gái ở trọ với giá 1,4 triệu đồng/tháng.
5 – 6 tháng nay, toàn bộ chi tiêu phụ thuộc vào số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng từ công việc làm nhân viên quán ăn của con gái. Hai mẹ con không còn cách nào khác cũng phải gói ghém chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng".
Bà tính chi phí chi tiêu mỗi ngày khoảng 100.000 đồng. Trước đây, khi hai mẹ con cùng đi làm mỗi ngày số tiền chi cho việc ăn uống, xăng xe, điện thoại khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Hâm lại chảo trứng chiên buổi sáng ăn còn dư để ăn cơm chiều, bà Hồng tự động viên cố gắng sống này rồi sẽ có việc làm mới.
"Mỗi lần tôi chỉ mua 1 – 2 kg gạo, bữa nào khá thì mua 5 kg. Hồi trước gạo, cá lúc nào cũng có trong nhà nhưng giờ buộc phải chi tiêu bớt lại. Hồi đó giờ chưa biết đi ăn ngoài là như thế nào, chỉ ở nhà nấu ăn thôi. Tôi cũng chỉ mua đủ dùng cho ngày hôm đó, không mua để dành", bà cho biết.
Bà cũng tiết kiệm bằng cách mua thịt về kho mặn để ăn được nhiều bữa. Mỗi lúc túng thiếu, bà vay mượn những người xung quanh rồi cuối tháng trả lại cho họ.
"Tôi chỉ mua khoảng 30.000 – 50.000 đồng tiền thịt ăn cả ngày. Giờ chi tiêu hằng ngày còn phải tính toán nên tôi không nghĩ đến tiền để dành, tiết kiệm vì không có", bà bày tỏ.
Tương tự như bà Hồng, bà Lê Thị Hương (56 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng sống tiết kiệm bằng cách mỗi ngày chỉ mua 50.000 đồng tiền thức ăn. Trứng và rau là những món thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của gia đình bà ở thời điểm hiện tại.
Làm công nhân hơn 20 năm, bà có một chút tiết kiệm nên giờ lấy ra trang trải ở thời điểm hiện tại. Do lớn tuổi nên bà được công ty cho nghỉ. Hiện bà chỉ còn cách ăn uống đơn sơ, bám trụ lại tìm việc khác.
"Trước còn mua ít cá, thịt để có sức đi làm giờ ở nhà thường ăn trứng và rau, tôi nghĩ đó cũng là một cách tiết kiệm. Tôi ăn uống đơn giản nên thấy vẫn ổn", bà cho hay.
Bình luận (0)