33 năm sửa xe hơi, hơn 20 năm chơi và phục chế xe cổ, anh Trần Minh Luân trở thành gương mặt được giới mê xe “xưa” tin cậy trao xế cưng của mình.
Yêu xe hơi từ nhỏ, rồi chọn nghề sửa chữa ô tô để gần với mong ước của mình hơn, từ năm 1980 đến nay, không biết bao nhiêu chiếc xe đã qua tay anh, chỉ biết ngày ngày, anh cần mẫn như người chơi xếp hình, chăm chỉ đặt những mảnh ghép là phụ tùng lấy lại hình dáng cũ của những chiếc xe cổ đã bị thời gian làm sai lệch.
Sửa xe mới nuôi xe “cũ”
Anh cười rất nhiều khi giới thiệu về những chiếc xe cưng đang đậu ở garage. Có chiếc xe đang được làm đồng, có chiếc chỉ có cái khung như “đống phế liệu”, có chiếc đang chờ chủ tới chạy thử... Người ngoài nhìn vào đâu biết rằng bãi xe bừa bộn của anh ngốn một đống tiền, chỉ nghĩ đó là bãi xe cũ chờ đồng nát tới thanh lý cho rộng chỗ. Hơn nữa, một garage với hơn 30 chiếc xe cũ do anh làm chủ cũng dễ bị “hiểu lầm” lắm chứ.
|
Với người ngoại đạo thì đó là chuyện thường, còn các tay mê xe cổ khi tới nhờ anh Luân tư vấn cách “dọn” lại xe thì ai cũng trầm trồ ghen tị khi thấy chiếc Cadilac 1972 (ở Việt Nam chỉ còn thấy 1 chiếc), bộ xe jeep cổ 5 chiếc, 3 chiếc Mercedes 280 đời 1972... Có người thắc mắc sao anh chỉ sửa xe mà sở hữu nhiều xe cổ thế, anh chỉ trả lời: “Đó là niềm đam mê, tôi sửa xe mới để nuôi xe “cũ” mà thôi”.
Mỗi chiếc xe anh nhận phục chế thường kéo dài từ 6 tháng, có khi một năm mới hoàn thành. Có những đêm đang ngủ, nhớ ra chi tiết gì đấy của xe là bật dậy đi tìm giấy bút để viết lại, vẽ ra chi tiết nào đính ở vị trí nào. Có khi vợ con lại thấy anh đóng cửa ngồi đồng ngó chiếc xe nát cả tuần mà không biết chán. Anh Luân ví nghề làm lại xe cổ của mình như học sinh học bài. Đầu tiên phải nắm tổng quát các công việc phải làm để lấy lại hình dáng ban đầu của chiếc xe cổ. Sau đó vẽ ra sơ đồ các hướng tìm phụ tùng ở đâu, phải bắt đầu làm đầu xe, thân xe, hay làm nội thất cái nào dễ làm trước để mình không bị ngán và nản vì như gặp bài toán khó.
Tín đồ của xe xưa
Từ sửa xe cho người ta, anh trở thành người chơi xe lúc nào không hay. Cứ nghe bạn bè chỉ ở đâu có chiếc xe lạ lắm, độc lắm ở Sài Gòn không ai có là anh lại đóng hành lý đi tìm. Anh tự nhận mình may mắn hơn nhiều người chơi xe cổ là tự tay mình làm xe - cái thú vị từ việc tìm được chiếc xe cổ “độc” không đụng hàng, rồi từng ngày được tự tay gắn một vài chi tiết tạo nên hình dáng cho chiếc xe khiến người ta phải trầm trồ.
“Gia tài” của anh tại xưởng sửa xe là 30 chiếc xe đã được tạo thành hình dáng nhưng anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các mẫu xe “độc”. Dạo gần đây phong trào mê xe địa hình mạnh lên, anh Luân cũng “bon chen” làm bộ 3 chiếc xe Land Cruiser đời 1968 cho cả gia đình cùng đi dã ngoại những lúc rảnh rỗi. Xác xe đã đem về sẵn trong kho nhưng theo dự tính của anh 2 năm nữa mới hoàn thành.
Sau bao nhiêu năm tiếp xúc với dầu mỡ, cà lê, ốc vít... chẳng lúc nào được mặc bộ đồ đẹp vì sợ dính bẩn, ấy thế mà niềm đam mê sửa xe trong anh chưa bao giờ cạn kiệt. Giờ đã là ông chủ, dưới anh có rất nhiều thợ giỏi nhưng anh vẫn ngày ngày ra xưởng làm người thợ sửa xe cho khách. Phương châm của anh vẫn là “ít nói, dùng chiếc xe để chứng minh cho khách”, bởi có nói nhiều, phô diễn nhiều nhưng xe làm ra không đúng nguyên bản thì chỉ là “phá” mà thôi.
Nguyên Trang
>> Cận cảnh xe cổ Ferrari trị giá 133 tỷ đồng
>> “Xe cổ” Triumph 60 năm tái xuất hiện
>> Xế cổ trên tàu Titanic
>> Đấu giá xe cổ giá triệu USD
Bình luận (0)