Loay hoay tìm chỗ đậu xe
Theo khảo sát của Thanh Niên, các tài xế ô tô cho rằng, do tính chất công việc thường xuyên vào khu trung tâm nên buộc phải dừng, đậu ô tô tạm ở lòng đường. Nếu đậu xe ở các nơi có bãi, họ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, hơn nữa khoảng cách lại xa nơi cần đến.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường Tôn Thất Đạm (đoạn từ Nguyễn Công Trứ đến Võ Văn Kiệt) và đường Đặng Thị Nhu có biển báo cấm đỗ nhưng 2 bên lề đường lúc nào cũng có xe đậu đặc kín.
Anh Huỳnh Ngọc Tánh, một tài xế thường đậu xe trên đường Tôn Thất Đạm cho biết: “Tôi đậu đây thường xuyên tại vì làm công ty ở đây nên đậu luôn cho tiện. Còn nếu vô các tầng hầm của các cao ốc trung tâm mất thời gian với lại họ chỉ cho người của họ vào thôi. Chi phí cao 20.000 đồng/3 giờ còn đậu cả đêm thì 200.000 đồng/xe nên tranh thủ kiếm chỗ nào trống thì mình đậu, còn ở những bãi đậu xe thu phí thì làm gì còn chỗ”.
tin liên quan
Tìm đâu ra chỗ đậu xe: 'Cần ưu tiên xây dựng bãi đậu xe'Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Tìm đâu ra chỗ đậu xe trên Thanh Niên số phát hành ngày 1.3.
|
Bên cạnh đó, các tuyến đường như: Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Tôn Thất Tùng (Q.1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) chỉ cho ôtô đậu theo ngày chẵn, ngày lẻ nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe đậu hai bên đường. Ở đây mức phí đậu là 5.000 đồng/xe.
Ông Bùi Văn Dương - một tài xế trên đường Lê Lai cho biết mỗi khi có việc tại đây thì hên lắm mới có chỗ đậu xe, không thì chạy lòng vòng chứ đậu đâu cũng không được vì đường cấm.
Còn anh Tuấn, tài xế thường đậu xe trên đường Đặng Thị Nhu cho biết: “Tôi thường đợi khách ở đây nên đậu đây cho tiện, chứ giờ tìm chỗ đậu xe khó lắm, với lại giờ này vô các tầng hầm thì xa quá và nóng nực, còn các chỗ đậu xe thu phí ở ngoài đường thì giờ này không còn chỗ".
Gửi xe ở đâu tại trung tâm thành phố?
Hiện tại, các tuyến đường cấm đậu xe theo giờ trên địa bàn Q.1, Q.3 gồm 37 tuyến, trong đó Q.1 có 27 tuyến và Q.3 có 10 tuyến.
Các tuyến đường cấm đậu xe theo ngày chẵn lẻ ở Q.1, Q.3 gồm 30 tuyến, trong đó Q.1 có 26 tuyến và Q.3 có 4 tuyến.
Còn các tuyến đường cấm đậu xe 24/24 trên địa bàn Q.1, Q.3 gồm 111 tuyến đường, trong đó Q.1 có 82 tuyến, Q.3 có 29 tuyến đường.
Các con đường ở trung tâm thành phố như: Phạm Hồng Thái, Thủ Khoa Huân, Đặng Thị Nhu, Trần Cao Vân, Hàn Thuyên (Q.1), Trương Định (Q.3)… đều có biển cấm đậu xe từ 6 giờ - 22 giờ, nhưng lúc nào ở đây cũng đông đúc xe cộ, nhiều ô tô thường xuyên nối đuôi nhau đậu thành hàng dài.
Trong đó chỉ số ít các con đường có bãi đậu xe thu phí như Lê Lai, Nguyễn Du,… nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Còn trên lòng đường Lê Lai cũng cấm đậu xe nhưng hầu như cánh tài xế đến đây thường “lách luật” bằng cách cho dừng xe bật đèn khẩn cấp.
|
tin liên quan
Ông Đoàn Ngọc Hải: ‘Đến quận 1 không muốn bị cẩu xe thì đừng vi phạm!’“Không phải cứ trước nhà mình thì muốn đậu, muốn dừng ô tô thế nào cũng được. Đến quận 1 nếu không muốn bị phạt, bị cẩu xe thì đừng vi phạm”, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 trả lời Thanh Niên trong giai đoạn 'giành lại vỉa hè'.
Khi chúng tôi tìm đến khu vực nhà thờ Đức Bà để tìm bãi đậu ô tô, mới thấy rất khó khăn và chỉ duy nhất gửi được ô tô tại các trung tâm thương mại. Cụ thể, trên đường Lê Duẩn có cao ốc Kumho Asianna Plaza (đường Lê Duẩn) nhận giữ ô tô. Giá giữ ôtô là 10.000 đồng/chiếc trong ba giờ đầu tiên, sau ba giờ giá sẽ tăng lên gấp 10 là 100.000 đồng/chiếc, nếu gửi qua đêm là 200.000 đồng/chiếc.
Cũng trên đường Lê Duẩn (đối điện UBND, Q.1) có một bãi giữ ô tô 24/24 giờ với mức phí 50.000 đồng/lượt, quá cao so với giá giữ xe trên đường có thu phí, nếu gửi qua đêm là 70.000 đồng/chiếc.
Gần đó, tại góc đường Công xã Paris giao với Lê Duẩn, Nhà văn hóa Thanh niên có bãi nhưng chỉ giữ xe gắn máy, còn lại các tuyến đường như: Hàn Thuyên, Đồng Khởi, đều không có bãi đậu xe dành cho ôtô nên phần lớn tài xế cho xe tạm dừng dưới lòng đường khi đến đây.
Khi đến khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) hầu như các tuyến đường nhánh xung quanh đều có biển cấm dừng cấm đỗ (hoặc chỉ cấm đỗ) ô tô. Tại khu vực này cũng có đến 2 bãi giữ xe khá lớn ở đường Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thất Hiệp, nhưng chỉ giữ xe máy, ngoài ra không có bãi giữ xe ôtô.
tin liên quan
TP.HCM tổng rà soát các dự án bãi đậu xeChiều 22.3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã nghe lãnh đạo Sở GTVT TP báo cáo tình hình xây dựng các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh cao tầng.
Khóc ròng vì phí đậu xe
Tôi chưa bao giờ đậu xe qua đêm tại các tòa nhà ở trung tâm TPHCM nhưng đã không dưới 10 lần bị "chém giá cắt cổ". Một lần là đi họp báo ở tòa nhà B. trên đường Hải Triều quận 1, tôi không nhớ rõ nhưng chỉ 2-3 tiếng là cùng, lúc lấy xe bảo vệ nói tỉnh queo "180 ngàn đồng", có ý kiến thì họ cũng cho qua vì đây là "luật bất thành văn" không có quy định nào về giá tiền cả dù có máy tính thời gian.
Lần thứ hai là trên đường Lê Duẩn, tôi đi nộp hồ sơ visa nhưng không tìm ra chỗ đậu, đành chạy qua tòa nhà phía đường Lê Văn Hưu, gửi 15 phút phải trả 80 ngàn đồng. Lần thứ ba là tại tòa nhà trên đường Đồng Khởi, hôm đó tôi hẹn phỏng vấn một người nước ngoài, họ hẹn gặp tại bữa tối ở KS Caravelle, tôi loay hoay tìm chỗ đậu phải gửi xe ở khách sạn gần đó, lúc lấy ra họ tính 280 ngàn đồng cho thời gian chưa tới 2 giờ, thắc mắc thì nhân viên nói, ở đây gửi xe cho khách ăn tiệc và đi night club nên giá xưa nay vậy rồi... Và những lần sau tôi không nhớ nữa nhưng rất gian nan tìm chỗ đậu xe, chưa có nơi nào thu phí thấp hơn 30 ngàn đồng, đó là những nơi đậu xe dưới lòng đường theo vạch đã kẻ như đường Lê Lai; Nguyễn Văn Tráng; Nguyễn Cảnh Chân, Mạc Thị Bưởi; Hàn Thuyên hoặc Nguyễn Du Q1 (thu phí 50 ngàn đồng từ tết đến nay), Trương Định Q3...
Xuyến Chi
|
Bình luận (0)