Xe máy liều mạng đi vào làn ô tô
Đường Phạm Văn Đồng cho phép xe máy được di chuyển ở làn ô tô ngoài cùng bên phải ở khung giờ từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Tuy nhiên, nhiều người đi xe máy vẫn vô tư điều khiển phương tiện vào làn thứ hai, thứ ba, thậm chí là làn trong cùng bên trái dành cho ô tô.
Lãnh đạo Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn cho biết trên các tuyến đường mà đơn vị phụ trách, người tham gia giao thông vi phạm lỗi đi vào đường cấm chiếm tỉ lệ cao nhất.
VIDEO: Người Sài Gòn vẫn vượt đèn vàng dù có quy định mới - Thực hiện: Mẫn Nghi
|
Ngoài khung giờ trên, một số người vẫn chạy xe máy vào làn xe ô tô rất nguy hiểm vì trên tuyến đường này xe ô tô được chạy với tốc độ tối đa lên tới 80km/giờ.
Trước tình trạng trên, Đội CSGT Tuần tra dẫn đã kiến nghị Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 lắp thêm dải phân cách cứng hoặc kẻ vạch liền để hạn chế tình trạng người chạy xe hai bánh vi phạm luật.
Xe buýt chạy ngược chiều trên đường Lê Duẩn (quận 1) Ảnh: Độc Lập
|
Bầu chọn
Người Sài Gòn chạy xe như thế nào?
Cũng theo vị lãnh đạo Đội Tuần tra dẫn đoàn, trong giờ cao điểm, lực lượng CSGT tập trung vào phân luồng giao thông, hạn chế xử lý vi phạm vì e ngại việc dừng xe sẽ làm ùn ứ giao thông. Do đó, vào giờ cao điểm nhiều người tham gia giao thông cố tình phạm luật.
Tương tự, lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành cho biết, trên đoạn đường Võ Văn Kiệt mà Đội phụ trách, cứ đến giờ cao điểm là xe máy lại ùa ra làn xe ô tô như ong vỡ tổ. Khi có lực lượng CSGT xuất hiện xử lý thì người dân mới đi đúng làn đường quy định.
“Chấp hành luật giao thông là để đảm bảo an toàn cho mọi người và cho chính mình. Thế nhưng nhiều người chỉ chấp hành luật giao thông khi có thấy CSGT, còn lại thì cứ chạy thả phanh”, vị này lo ngại.
Đến sau mà muốn đi trước
Lãnh đạo Đội CSGT Bàn Cờ nhận định ý thức người dân khi tham gia giao thông một phần quyết định đến tình trạng ùn xe giờ cao điểm. Mỗi khi ùn xe thì nhiều người cứ mạnh ai nấy chạy, không chịu nhường nhau. Nguy hiểm nhất là người đi xe máy lấn sang làn đường ô tô của chiều ngược lại.
Xe ô tô, xe máy cùng nhau lấn làn ngược chiều Ảnh: Độc Lập
|
Vị lãnh đạo này giải thích: “Đường có 2 chiều mà bên nào cũng lấn trái sang làn đường ngược lại làm cho việc ùn xe càng thêm nghiêm trọng và rất nguy hiểm”.
Bên cạnh đó, lỗi vi phạm phổ biến khác là khi dừng đèn đỏ, người đi phía sau muốn vượt lên trước nên lấn sang làn đường ngược chiều. Nhiều người khác thì chọn cách leo lề rồi vượt lên chờ đèn chuyển xanh để được đi trước.
Nhiều người thản nhiên chạy sang làn ngược chiều để rẽ trái trên đường Nguyễn Đình Chiểu Ảnh: Phạm Hữu
|
“Ngay ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ có dải phân cách bằng sắt nhưng khi dừng đèn đỏ nhiều người đến sau vượt qua luôn dải phân cách này để dừng bên chiều ngược lại. Một ngày tại giao lộ này có hơn 40 trường hợp vi phạm, có khi nhiều người vi phạm đến mức xử phạt không xuể”, lãnh đạo Đội Bàn Cờ dẫn chứng.
11 tháng xử phạt 526.018 trường hợp vi phạm
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết trong 11 tháng năm 2016, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt 526.018 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 83.551 trường hợp, tạm giữ 65.170 xe (1.232 ôtô; 63.250 môtô; 688 xe thô sơ ba bốn bánh).
Theo trung tá Phong, hiện vẫn còn tình trạng người dân chưa tự giác chấp hành luật giao thông như: đi sai làn đường, phần đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, biển báo hiệu, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, chuyển hướng không bật tín hiệu, vượt sai quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn, người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định…Đây là những lỗi vi phạm phổ biến làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
|
Bình luận (0)