Người Sài Gòn tốt bụng: 'Xà bần' chú Út và 'Ai xin tui cho, ai cho tui xin'

28/01/2020 13:00 GMT+7

Nhiều người hay gọi hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận (TP.HCM) là 'hẻm ông tiên'. Ở đó có 1 người Sài Gòn tốt bụng.

Hơn 20 năm, người đàn ông hiền lành âm thầm giúp đỡ mọi người bằng tất cả những gì mình có thể gói ghém, nhặt nhạnh, thậm chí đi xin được. Nói như kiểu người Sài Gòn là "đủ thứ xà bần", nhưng là... xà bần từ thiện.

Một không gian, nhiều “miễn phí”

Chúng tôi gặp chú Út (tên đầy đủ là Đỗ Văn Út, 59 tuổi) vào một ngày giáp Tết Canh Tý 2020 khi chú vừa gửi hơn 200 phần bún gạo cho những bà con khó khăn.
Lăn lộn kiếm sống ở Sài Gòn với đủ loại nghề như thợ mộc, phụ hồ, xích lô, xe ôm, đến năm 1993, sau một lần làm ăn thất bại, chú Út bắt đầu vá xe ở hẻm 96 Phan Đình Phùng, làm từ thiện. Đến 2012, chú đặt thùng trà đá, tủ thuốc miễn phí tại nơi làm và “đầu tư” luôn cho "địa chỉ từ thiện" của mình.

Hằng ngày, chú Út đều chuẩn bị sẵn thùng trà đá miễn phí cho người đi đường

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Vá xe miễn phí cho người khuyết tật” là tấm bảng được ngay chỗ đặt bình bơm xe. Chú Út kể chỉ khi người đi xe lăn bị bể bánh chú mới có thể giúp được. “Nếu chú lấy tiền vá thì đồng nghĩa nhiều người phải lăn xe bán 10 tờ vé số mới đủ tiền lời để trả. Thôi thì mình cho họ miếng vá, mình bỏ công ra thôi là giúp được họ rồi”.
Lúc tới, chúng tôi thấy nhiều người đến trao tay cho chú Út những hộp thuốc, những đống quần áo cũ. Chú kể hồi đó, đầu hẻm hay có tai nạn xe. Ban đầu, tủ chỉ có bông băng thuốc đỏ để cấp cứu tại chỗ. Sau, nhiều người gom góp, tủ có đủ thuốc cảm sốt, nhức đầu, tiêu chảy.
Ở không gian chưa đầy 5 bước chân ở đầu con hẻm nhộn nhịp, đồ nghề vá xe của chú Út thì ít mà bình nước đóng chai, trà pha sẵn thì nhiều.
Chú Út bảo: “Mình có dư chút đỉnh, nhính ra làm cho mọi người uống. Chú pha trà tầm lúc 8 giờ tối, khoảng 5h là chú thức, chở nó ra đây”. “Còn cái bảng chỉ đường là do kẹt xe, người ta hỏi mình như ‘liên khúc mưa rơi’ khiến mình như ‘tắt thở’, không kịp trả lời nên làm một cái. Người ta đi từ xa là đã có thể thấy rồi”.

Tủ thuốc cứu thương mà chú Út để ở đầu hẻm, nhiều mạnh thường quân biết được câu chuyện của chú Út thường đến đây góp thuốc, góp đồ

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Những người "tốt dữ dằn"

Ghé thăm không gian từ thiện này, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên với tấm bảng to treo trên bức tường đầu hẻm, ghi rõ ràng "trợ táng, đặt áo quan miễn phí cho những gia đình khó khăn”.
Những ngày đầu ra dựng bảng vá xe cũng chính là khởi đầu của việc làm mà chú gọi là cái duyên: đi xin hòm mai táng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chú Út cũng thường đến phụ tang gia bà con trong xóm, dựng cái bàn, giăng tấm màn. Dần dà, chú kiêm luôn viết đơn xin xác nhận cho những hộ nghèo rồi nghĩ với việc đi xin hòm ở những cơ sở mai táng cho những gia đình không chi trả nổi chi phí mai táng khi có người thân nằm xuống.
Chú ám ảnh mãi câu chuyện hai vợ chồng trẻ từ An Giang lên TP.HCM kiếm sống. Bị tai nạn giao thông, người vợ không qua khỏi sau ba lần phẫu thuật. Chồng không đủ tiền để đưa vợ về, phải ôm thùng mỳ đến từng nơi xin tiền. Chú Út vận động mạnh thường quân hỗ trợ, cuối cùng cũng có tang gia đàng hoàng cho người vợ. Chú kể, lúc lấy tro vợ về quê, người chồng vừa cười vừa khóc.
Lặng thầm đi vận động từ thiện 10 năm, đến năm 2003, chú gặp được cơ sở mai táng Vạn Phúc. Người chủ trại hòm khi biết được việc chú làm đã đồng hành cùng chú Út hỗ trợ khi có gia đình khó khăn. Chú Út kể lại hành trình từ thiện của mình bây giờ đã “khỏe”, “đỡ” hơn rất nhiều. Bởi lẽ, chú Út gặp được những người đồng hành đáng quý và “tốt dữ dằn”. 

“Ai xin tui cho, ai cho tui xin”

Chú Út tâm sự, bà con trong xóm nhiều khi nói chú lo việc bao đồng, rảnh tiền cho không. Bỏ ngoài tai, chú tự nhủ: “Mình cứ làm...”.
Chú vận động người cho hòm, vận động mạnh thường quân ủng hộ tiền lo chi phí, chú trở thành cầu nối cho những tấm lòng thương người đến được với những hoàn cảnh khó khăn.

Góc từ thiện giản dị của chú Út

Ảnh: Phạm Thu Ngân

“Chú có thấy giúp người khi mình không có tiền là sự đánh cược quá lớn không? Tại sao chú lại làm nó?”. Đó là câu hỏi mà chúng tôi phải xin lỗi khi đặt ra cho người đàn ông này.
Chú Út suy nghĩ rồi nói "cực thì có nhưng thấy… vui". Có lần chú Út bị cướp khi đi từ Hóc Môn về Phú Nhuận tầm 5 giờ sáng, khiến cho đầu chú chấn thương nặng. “Phẫu thuật xong còn “sung” lắm, đòi đi theo đoàn từ thiện về Bình Thuận phát quà cho người nghèo”, chú Út cười lớn.
Tiếng lành đồn xa, nhiều mạnh thường quân đến tìm chú Út để chung tay làm “xà bần” từ thiện.
Tết đến xuân về, điều mà người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn này hoài bão chính là có được một không gian ngoài đường để đặt một sạp hàng phát quần áo, cháo, cơm… miễn phí. “Chú sẽ đề bảng là: ‘Ai xin tui cho, ai cho tui xin’. Bà con ai cũng được đóng góp, ai cũng có thể có cái mình cần”.
Gần 60 tuổi nhưng tính thích chuyện “bao đồng” vẫn chưa vơi cạn, chú Út cười: "Chỉ mong mình có đủ sức khỏe để làm. Chứ giờ còn sức mà nghỉ gì!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.