Người Sài Gòn tốt bụng: Hiệp sĩ chữa cháy và điều 'khùng nhất thế gian'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
26/01/2020 13:00 GMT+7

Ông Lý Nhơn Thành, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) nhiều lần vay tiền ngân hàng, thậm chí đã bán nhà để chế tạo xe cứu hỏa... Bà con gọi ông là người Sài Gòn tốt bụng.

Được mệnh danh là "người Sài Gòn tốt bụng", “ông Bụt chữa cháy” hay “từ cu Lì thành chú Chì bắt cướp”, ông Lý Nhơn Thành (53 tuổi), Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) nhiều lần vay tiền ngân hàng, thậm chí đã bán nhà để chế tạo xe cứu hỏa và làm nhiều việc thiện.

“Hiệp sĩ” chữa cháy

Thoạt đầu nghe câu chuyện “bao đồng” đến mức bán nhà thuê trọ ở, vay tiền ngân hàng của ông Thành, nhiều người nghi ngại, khó mà tin được. Nhưng đó lại là chuyện ông Thành vẫn làm hơn 10 năm qua.
Ông Thành bên chiếc xe cứu hỏa thứ hai. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Ông Thành bên chiếc xe cứu hỏa thứ hai

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Trụ sở tổ dân phố phường Nguyễn Thái Bình nằm ngay chân cầu Calmette, nhỏ và chất đầy những dụng cụ lắp ráp xe chữa cháy. Chỉ vào một chiếc xe bán tải dựng đối diện trụ sở, ông Thành nói: “Mình đã làm chiếc xe cứu hỏa thứ ba, chiếc này mạnh lắm đó”.
Ông Thành kể năm 2008, ông chuyển về làm bảo vệ tổ dân phố của phường Nguyễn Thái Bình, đây cũng là lúc ông chế tạo chiếc xe cứu hỏa đầu tiên có kiểu dáng như chiếc mô tô.
Sau đó sở PCCC đã nghiệm thu và cho phép xe hoạt động. Còn chiếc thứ hai được thiết kế từ ý tưởng xe ba gác. Trên thùng xe được chuẩn bị đầy đủ máy bơm, béc, vòi phun…, “sẵn sàng tác chiến” như ông mô tả.
Ông Thành tự bỏ tiền túi ra làm tất. Khi được hỏi tại sao lại thích nghề cứu hỏa và dốc tiền “chế” xe như vậy, ông Thành bảo: “Mình xác định làm xe chữa cháy, vào đám cháy, dập tắt nó sẽ cứu được nhiều người. Với lại lực lượng bảo vệ dân phố thì dễ dàng ứng cứu tại chỗ và kịp thời hơn”.
“Mỗi khi làm xong thì người dân họ vỗ tay cười mừng, tự nhiên mình cảm thấy vui, thấy phấn chấn trong lòng lắm. Có lần, một nam thanh niên ở hẻm 30 Nguyễn Thái Bình tự đốt nhà. Đội mình phải cắt cửa vô, lấy bình gas ra, khoảng 4 phút sau là bình nổ. Đội mình dập tắt nhanh. Người dân họ vỗ tay dữ lắm”, ông kể.
Kể từ đó đến nay, ông đã “giải cứu” thành công hơn 50 vụ cháy lớn nhỏ. Cuối năm 2018, ông Thành còn đạt giải ba cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng do Tạp chí Khám phá phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức về việc tự chế xe chữa cháy mini.
Ông Thành quyết tâm chế tạo một chiếc xe chữa cháy sau vụ cháy ở Trung tâm thương mại quốc tế ITC. Là một trong số 10 người có mặt chữa cháy đầu tiên ở đó vì lúc này vợ ông là một tiểu thương bán đồng hồ ở tầng trệt, ông Thành đã xả thân để vào đám cháy, giải cứu nhiều mạng người: “Mình làm vì mình tiếc cái mạng người. Mình nhớ là dùng vòi xịt tại chỗ, rồi lấy áo mình làm mặt nạ, lấy xô nước đổ cho ướt người rồi nhào vô cứu. Khung cảnh lúc đó rất tang thương”.
Sau vụ cháy tại ITC, ông Thành phải đi mổ 4 lần vì trước đó bị té xuống đống kính vỡ. Nhưng kể từ đó, người ta biết đến cái tên Lý Nhơn Thành.
Chị Thu, một người dân sống tại phường Nguyễn Thái Bình kể có lần xảy ra vụ cháy trên đường Calmette, ngọn lửa bùng phát lúc giữa đêm, ông Thành đã dùng xe chữa cháy mini của mình dập tắt đám cháy nhanh, kjp thời tránh lan sang các cửa hàng bán hóa chất gần đó. “Không cần phải nói thêm nói bớt gì hết, chứ ai ở đây cũng biết anh Thành và đội anh Thành là năng nổ, nhiệt tình nhất rồi”, chị Thu kể.
Câu chuyện của ông Thành được nhiều người trong nước và bạn bè quốc tế quan tâm. Ông được mời đi đến nhiều nước để góp ý về công tác chữa cháy. Theo như lời ông kể, ông mới được một người bạn ở Mỹ tặng cho loại công nghệ tên F500, để hòa vào nước, xịt vào đám cháy nhằm vô hiệu hóa khói độc.
Ông Đỗ Đình Hậu, Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, chia sẻ: “Từ khi chế tạo ra xe chữa cháy mini, tổ của ông Thành đã dập tắt không ít đám cháy. Do địa bàn phường có nhiều con hẻm nhỏ gây khó khăn trong công tác chữa cháy, vì vậy xe chữa cháy mini của ông Thành hoạt động rất hiệu quả”.

“Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”

Công việc thường ngày của ông Thành và những thành viên trong tổ dân phố là đảm bảo công tác an ninh trật tự 24/24. Bất kể chuyện gì xảy ra trong phường liên quan đến giao thông, chết người, cháy nổ…, thậm chí nếu phường lân cận cần hỗ trợ thì đội ông Thành sẽ có mặt.
“Có ngày rất bình thường, nhưng cũng có ngày rất bận rộn. Nói theo kiểu đâu cần chúng tôi có, đâu khó có bảo vệ dân phố vậy”, ông Thành cười lớn.
Chiếc xe cứu hỏa đầu tiên có mã lực 2HP (2 ngựa) mà ông Thành chế tạo vào năm 2008. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Chiếc xe cứu hỏa đầu tiên mà ông Thành chế tạo vào năm 2008

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Anh Đỗ Văn Khiêm (32 tuổi, Ban bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình) chia sẻ rằng mình và nhiều anh em trong tổ rất quý và kính trọng “chú Chì” (tên mọi người goi ông Thành một cách thân thiết - PV) “vì anh Thành dùng tình cảm, tâm huyết làm việc, cống hiến”.
Theo như lời của anh em trong tổ dân phố kể, lúc mới về phường, trụ sở chưa có gì mà lương của bảo vệ dân phố khá thấp, ông Thành đã tự bỏ tiền để sắm sửa đồ đạc, thậm chí để nuôi anh em tiền ăn uống hằng ngày. “Không biết có phải vậy mà anh Thành bán nhà không nữa”, anh Khiêm cười.
Ngoài việc vay tiền để chế tạo xe chữa cháy, ông Thành còn thường xuyên làm nhiều việc thiện nguyện khác như phát cơm, bánh mì; hỗ trợ những người nghèo khó, sinh viên hiếu học;…
“Mình cũng hỗ trợ giúp một em sinh viên khó khăn trang trải cuộc sống. Khi ra trường, mẹ em đó gửi thư cảm ơn cho mình, thậm chí lên đây gặp mình, còn đùa gả con bé cho mình nữa”, ông Thành cười lớn.
Bán nhà, thuê trọ ở, ông Thành kể để mà có tiền làm chuyện “bao đồng”, ông đã nhiều lần đến ngân hàng vay tiền. Nhiều lần ông còn được các nhân viên miễn phí dịch vụ “vì họ muốn góp với mình. Họ còn nói đùa là mình 'khùng nhất thế gian' nữa đó”.
Ông Thành bảo làm việc thiện không dễ dàng và đã nhận nhiều lời ra tiếng vào về mình như là “đồ tâm thần”, “đạo đức giả”, “treo đầu dê bán thịt chó”… nhưng ông chỉ mỉm cười cho qua. “Mình không hối hận vì những việc mình làm. Mình quan niệm là: Cái gì mình cho đi thì sẽ còn mãi mãi”.
 Chiếc xe cứu hỏa thứ hai mà ông Thành bỏ tiền túi a làm, lấy ý tưởng từ xe ba gác. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Chiếc xe cứu hỏa thứ hai mà ông Thành bỏ tiền túi a làm, lấy ý tưởng từ xe ba gác

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Đến nay ông Thành đã nhận nhiều bằng khen từ các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Năm 2006, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì công tác hoạt động tốt. Tuy vậy, ông thẳng thắn chia sẻ rằng: “Mình vì bà con chứ không phải vì những bằng khen”.

Ước mơ nhỏ

Tuy dõng dạc trả lời về những “thành tựu” mình đã “đạt”, ông Thành rất ấp úng khi chúng tôi nhắc về gia đình ông. Người đàn ông của “bá tánh” không giấu nổi vẻ mặt buồn rười rượi và những giọt nước mắt rơm rớm và khi nhắc về chuyện gia đình của mình.
Ông Thành và vợ đã không còn chung lối, các con ông đã lớn. Ông buồn rầu: “Mình thích nhất là ăn cơm có đủ cả gia đình, rất vui, nhưng mà mình không có được nên mình sợ nhất khi mình tới nhà bạn. Mình dễ bị xúc động, thấy gia đình người ta ấm cúng mình thấy tủi thân lắm. Mình muốn nhưng mà không được”.
Ông Thành cho biết ông mua trả góp các dụng cụ từ nước ngoài để làm chiếc xe cứu hỏa thứ ba. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Ông Thành cho biết ông mua trả góp các dụng cụ từ nước ngoài để làm chiếc xe cứu hỏa thứ ba

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Nhắc đến hai đứa con, mắt ông Thành sáng lên: “Hai đứa con mình tự săn học bổng. Con trai mình đã hoàn thành xong chương trình cử nhân. Nó giống ba nó, thích làm công tác dân vận. Có lần nó điện về, khóc ngất và bảo rằng nó rất tự hào về ba, dù cách nửa bán cầu”.
Rồi tiếp lời: “Con mình nó đang có cái tính bao đồng giống mình. Con gái mình cũng từng đem hết tiền giúp bạn để rồi ngất vì đói. Khi mình đến thấy nó nằm bệnh viện mình bảo là chuyện gì làm được thì để ba làm, con làm chi. Nó bảo với mình là tại sao ba làm được thì sao con không làm được. Mình lặng luôn”.
Ông Thành tin: “Ít ra sau này mình mất, mình về với đất mẹ thì con mình còn biết tự hào vì cha nó, sống vì cộng đồng và không bảo thủ”. Ông bảo Tết này không dám rời tổ dân phố, “vì hầu như năm nào cũng cháy nổ hết, năm rồi ngay mùng 2 Tết”. Dường như với người Sài Gòn tốt bụng Lý Nhơn Thành, chuyện làm việc tốt là điều hiển nhiên...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.