Trong những tháng qua, chính quyền Mỹ đã không ít lần nhắc đến kế hoạch đầu tư 52 tỉ USD để kêu gọi các công ty bán dẫn trên thế giới thiết lập sản xuất ngay trên đất Mỹ. Tuy nhiên, ông Morris Chang nhận xét kế hoạch này là quá nhỏ để xây dựng lại một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước.
Morris Chang, một công dân Mỹ gốc Đài Loan, người thành lập công ty hiện là nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới, nói rằng Mỹ sẽ không thể có chuỗi cung ứng chip đầy đủ ngay cả khi họ chi tiêu nhiều hơn.
“Nếu bạn muốn thiết lập lại một chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh ở Mỹ, bạn sẽ không cảm thấy đó là một nhiệm vụ khả thi. Ngay cả sau khi bạn chi hàng trăm tỉ USD, bạn vẫn sẽ thấy chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện và nó sẽ có chi phí rất cao, cao hơn nhiều so với những gì bạn hiện có”, ông Chang nói tại một diễn đàn công nghệ ở Đài Bắc tối 26.10.
Người sáng lập TSMC Morris Chang (giữa) tại diễn đàn công nghệ ở Đài Bắc (Đài Loan) hôm 26.10 |
Cheng Ting-Fang |
Theo Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, Mỹ chiếm 37% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu trong những năm 1990, nhưng hiện đã giảm xuống còn 12%. Chính quyền Washington đang vận động để đưa sản xuất chip vào đất Mỹ nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về sự phụ thuộc quá mức đối với Đài Loan. Thượng viện Mỹ năm nay đã thông qua dự luật trị giá 52 tỉ USD để hỗ trợ hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước, cùng với nghiên cứu và phát triển. Nhưng hiện gói đầu tư này vẫn chưa trở thành luật.
Ông Chang cho rằng một số người cố gắng tranh cãi để đưa chuỗi cung ứng chip vào trong nước là do tư lợi. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger ủng hộ việc sản xuất nhiều hơn ở Mỹ vì “nó không an toàn ở Đài Loan và Hàn Quốc", trong khi Intel hy vọng sẽ đảm bảo có phần từ gói trợ cấp 52 tỉ USD.
Theo ông Chang, việc suy nghĩ và kiến thiết lại chuỗi cung ứng sẽ là thách thức đối với tất cả các bên. “Trước đây, các công ty ở Mỹ hoặc ở châu Á phát triển và thịnh vượng nhờ toàn cầu hóa, cùng với thương mại tự do”, nhưng toàn cầu hóa và những cơ hội mà nó tạo ra cho các quốc gia “sẽ là một thách thức đối với ngành công nghiệp bán dẫn châu Á, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, bao gồm cả Intel”.
Diễn đàn công nghệ ở Đài Bắc hôm 26.10 là lần đầu tiên ông Chang đặt câu hỏi trực tiếp và công khai về những nỗ lực của Washington trong việc xây dựng lại ngành sản xuất chất bán dẫn. Ông Chang không ngại đưa ra lời chỉ trích, bất chấp TSMC có kế hoạch xây dựng một cơ sở chip tiên tiến ở bang Arizona của Mỹ. Trước đây, ông Chang từng nói nỗ lực của chính phủ trên khắp thế giới nhằm tăng sản lượng chip có thể phản tác dụng, mà không chỉ rõ quốc gia nào.
Theo Nikkei, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị thúc đẩy sản xuất bán dẫn trong nước, với các khoản viện trợ từ chính phủ. TSMC gần đây thông báo sẽ xây dựng cơ sở sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản, nơi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ của ông sẽ hỗ trợ đầu tư với quy mô lớn cho khu vực tư nhân.
Bình luận (0)