Chánh án TAND tối cao:

'Người ta sợ làm chứng lắm, đưa 20 triệu còn không muốn chứ đừng nói 200 ngàn'

13/12/2023 18:25 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao, người làm chứng phải đối mặt nhiều nguy hiểm, hội thẩm cũng chịu trách nhiệm rất lớn khi bỏ phiếu 'cho người ta đi tù'; vì thế việc tăng mức chi phí tố tụng cho các đối tượng này là cần thiết.

Chiều 13.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

TAND tối cao đề xuất tăng mức chi cho một số đối tượng tham gia tố tụng. Ví dụ, phụ cấp cho hội thẩm tham gia xét xử từ 90.000 đồng lên 900.000 đồng, thù lao cho người làm chứng từ 50.000 đồng lên 200.000 đồng.

Bên cạnh một số ý kiến đồng tình, có quan điểm cho rằng mức tăng như trên là cao, cần cân nhắc kỹ lưỡng cho phù hợp.

'Người ta sợ làm chứng lắm, đưa 2 triệu còn không muốn chứ đừng nói 200 ngàn' - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

GIA HÂN

Trách nhiệm rất lớn, vì "anh phải bỏ phiếu cho người ta đi tù"

Giải trình tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, điểm c khoản 4 điều 135 bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về "các khoản chi phí khác". Trên thực tế, hiện nay chưa có hướng dẫn về "chi phí khác", trong khi đó các loại "chi phí khác" đang ngày càng lớn.

Ông Bình dẫn ví dụ các vụ lừa đảo qua mạng hay vụ án Tân Hoàng Minh, số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn người, khi tống đạt giấy tờ "rất là khổ". Nếu tòa chỉ cần tống đạt một lần khi xét xử, thì cơ quan điều tra và viện kiểm sát phải làm nhiều lần trong suốt quá trình điều tra.

Hoặc như câu chuyện về một vụ án liên quan đến ngân hàng phải vận chuyển hồ sơ từ Hà Nội vào TP.HCM để xét xử, số tài liệu đưa lên máy bay lên tới 300 kg. Cả phía công an, viện kiểm sát và tòa án đều đổ qua đổ lại, không ai muốn trả phí, cuối cùng "ông tòa xử thì phải làm việc này".

Từ thực tiễn đã nêu, Chánh án TAND tối cao khẳng định quy định chi tiết về các loại chi phí tố tụng là rất cần thiết, "đây là bài toán thực tiễn, nếu không làm sẽ rất khó".

Riêng về việc tăng phụ cấp cho hội thẩm và thù lao cho người làm chứng, ông Bình nói "chúng ta cần công lý, động viên người ta ra tòa chứ không phải người ta cần 200.000 đồng".

Theo giải thích từ Chánh án TAND tối cao, nhiều người rất sợ khi phải ra tòa làm chứng, nhất là vụ án hình sự, vì rất nguy hiểm. Bởi thế, cho người ta 50.000 đồng người ta đã chán rồi, cho 2 triệu, thậm chí 20 triệu có khi người ta cũng không muốn nhận, chứ đừng nói là 200.000 đồng.

Với hội thẩm, ông Bình cho hay, mức phụ cấp 900.000 đồng/ngày có cao hơn so với mức thù lao của luật sư chỉ định là 750.000 đồng/ngày. Thực tế, hội thẩm chịu trách nhiệm lớn hơn luật sư chỉ định rất nhiều, vì "anh phải bỏ phiếu cho người ta đi tù", do vậy đề xuất như dự thảo là hợp lý.

'Người ta sợ làm chứng lắm, đưa 2 triệu còn không muốn chứ đừng nói 200 ngàn' - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng

Cho ý kiến đối với dự thảo, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về lý do điều chỉnh mức phụ cấp cho hội thẩm tăng lên tới 10 lần.

Ông Tùng cho rằng, về bản chất, phụ cấp cho hội thẩm không phải là chi phí tố tụng. Vì thế, ông gợi mở theo hướng cân nhắc sửa tên pháp lệnh thành Pháp lệnh Chi phí tố tụng và phụ cấp hội thẩm, để bao quát phạm vi điều chỉnh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nên sa vào vấn đề mức chi như vậy là cao hay thấp hay không, bởi nếu nói cao quá thì cũng là cảm tính.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng pháp lệnh chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì các cơ quan chuyên ngành, luật pháp chuyên ngành sẽ tính toán, quy định. Bởi lẽ, khi thực tiễn đòi hỏi, ví dụ thay đổi hệ số lương, nếu muốn thay đổi định mức trong pháp lệnh thì ai sẽ thay đổi?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng; Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tham gia tố tụng cần tham gia, đóng góp ý kiến. 

"Tinh thần là những gì thuận lợi cho ngành tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thì Quốc hội tạo điều kiện tối đa; nhưng phải theo đúng chức năng, thẩm quyền của mình, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.