Không thể rời khỏi nhà trong những tháng qua, nhiều người trong số 25 triệu cư dân của thành phố Thượng Hải đã bày tỏ sự thất vọng và cảm giác khó chịu của họ trên mạng. Họ cũng chia sẻ những câu chuyện khó khăn trong việc mua sắm thực phẩm, điều trị y tế.
Trong khi một số người tiếp tục đăng những nội dung theo cách truyền thống, những người khác đã quyết định chuyển sang thị trường NFT lớn nhất thế giới như OpenSea, nơi người dùng có thể tạo nội dung và mua hoặc bán nó bằng tiền điện tử. Lý do cho lựa chọn này là vì họ muốn nội dung được ghi lại trên blockchain, đảm bảo chúng không bị xóa.
Bộ sưu tập NFT của nghệ sĩ người Malaysia Simon Fong, mô tả cuộc sống những ngày phong tỏa vì dịch Covid-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc |
Reuters |
Tính đến ngày 2.5, có hàng trăm NFT khác nhau liên quan đến việc phong tỏa ở Thượng Hải xuất hiện trên OpenSea. Một lập trình viên ở Thượng Hải nói với Reuters, anh đã tự đúc một NFT dựa trên ảnh chụp màn hình bản đồ phong tỏa Covid-19 ở Thượng Hải, cho thấy phần lớn thành phố đã bị “khóa” chặt chẽ như thế nào so với thế giới bên ngoài.
Nội dung khác về Thượng Hải có trên OpenSea dưới dạng NFT để bán bao gồm bài đăng trên Weibo có nội dung phàn nàn về đường sá bị hạn chế, hình ảnh bên trong các trung tâm cách ly và những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuộc sống bị mắc kẹt trong nhà.
Simon Fong, nhà thiết kế tự do 49 tuổi đến từ Malaysia, sống ở Thượng Hải được 9 năm, đã tạo ra những bức tranh minh họa về cuộc sống trong thời gian phong tỏa theo kiểu áp phích tuyên truyền thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Simon Fong đúc chúng thành NFT và hiện đã bán được 9 tác phẩm với giá trung bình 0,1 ether, khoảng 290 USD.
“Tôi chọn phong cách tuyên truyền thời Mao Trạch Đông cho những tác phẩm này bởi vì một số người đánh giá rằng tình hình phong tỏa đang đưa Thượng Hải đi lùi”, Simon Fong nói.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử, nhưng họ coi blockchain là công nghệ đầy hứa hẹn và NFT đã và đang thu hút được sự chú ý ở nước này. NFT thậm chí còn được phương tiện truyền thông nhà nước, cũng như các hãng công nghệ lớn như Ant Group và Tencent Holdings đón nhận.
Tình hình phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, là một phần trong chiến lược zero-Covid gây tranh cãi của chính quyền Bắc Kinh, vì nó có khả năng gây rủi ro ngày càng lớn cho kinh tế nước này. Đợt bùng phát mới ở Thượng Hải bắt đầu từ tháng 3.2022, và được đánh giá là đợt bùng phát tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ những tháng đầu khi đại dịch xuất hiện hồi năm 2020.
Bình luận (0)