'Người tiêu dùng bị bủa vây giữa tin giả, trách nhiệm Bộ Công thương, TT-TT ở đâu?'

Mai Hà
Mai Hà
26/05/2023 00:00 GMT+7

Dẫn ví dụ các trang web giả lập ra để giả mạo thương hiệu, sản phẩm, thậm chí giả cả bác sĩ để đánh lừa người tiêu dùng, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ TT-TT ở đâu?

Thảo luận về luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sáng 26.5, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những vấn đề quan trọng nhất là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa. 
'Người tiêu dùng giữa bủa vây tin giả, trách nhiệm Bộ Công thương, TT-TT ở đâu'? - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.

"Chúng ta thấy gần đây, Truyền hình Việt Nam đưa tin các trang web giả mạo các bác sĩ giỏi, các bác sĩ có tên tuổi để đánh lừa người dân khám bệnh, điều trị và mua sản phẩm y tế. Bị bủa vây giữa những thông tin giả như vậy thì người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người tiền mất, tật mang vì những thông tin sai lệch, mạo danh như thế", ông Tám nói. 

Đại biểu cho rằng, dù dự thảo luật quy định quyền, nghĩa vụ người tiêu dùng, trong đó có việc phải kiểm tra, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững, nhưng khi đứng trước thực trạng thông tin đó, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu? 

Ông đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ TT-TT trong ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.

Về các hành vi nghiêm cấm quy định, điều 10 dự thảo luật quy định "ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tiêu dùng". 

Song, theo ông Tám, quy định như vậy có thể hiểu là hành vi ép buộc người tiêu dùng như vậy với điều kiện phải gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì mới bị cấm, còn nếu chưa gây thiệt hại thì không cấm. 

"Những hành vi như sử dụng bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực hoặc biện pháp khác ép buộc người tiêu dùng là bị cấm rồi, nên phải cấm ngay, không đợi đến khi họ gây ra hậu quả thiệt hại đến tính mạng, danh dự, sức khỏe", đại biểu Tám nêu và cho rằng cần quy định cấm sử dụng các hành vi bạo lực, đe dọa bạo lực hoặc biện pháp khác mà ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm trái ý muốn của họ.

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết sẽ có báo cáo giải trình đầy đủ lần nữa trước khi Quốc hội ấn nút để thông qua dự án luật này trong kỳ họp thứ 5.

'Người tiêu dùng giữa bủa vây tin giả, trách nhiệm Bộ Công thương, TT-TT ở đâu'? - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

PHẠM THẮNG

Giải thích cho quy định các vụ tranh chấp từ 100 triệu đồng trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tại điều 70, ông Huy rằng, quy định này đã có trong luật hiện hành từ năm 2009 tại bộ luật Tố tụng dân sự. Trước ý kiến của các đại biểu, ông Huy cho biết sẽ tiếp thu để đồng bộ, thống nhất, đặc biệt đối với bộ luật Tố tụng dân sự. 

Dẫn ra ví dụ Hàn Quốc không có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Huy cho biết, kinh nghiệm quốc tế thì pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có một luật mà nó là một hệ thống, dẫn chiếu đến các luật khác. 

Nhiều quy định không chỉ nằm ở trong luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nó còn nằm ở luật Thương mại, luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hay luật Quảng cáo. 

Ngoài ra, để cân bằng giữa quyền của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát toàn bộ lại hệ thống pháp luật để chỉnh lý, bổ sung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.