Người tiêu dùng thiệt nhất

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
10/12/2020 04:51 GMT+7

Vài ngày qua, giới tài xế Grab bức xúc phản đối việc Grab tăng chiết khấu khiến thu nhập họ giảm.

Thực tế, đối tượng thiệt thòi nhất trong việc này chính là người tiêu dùng, những người đang đi xe ôm, taxi,gọi đồ ăn hay sử dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa qua ứng dụng Grab.
Bản chất của thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế gián thu dựa trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ và phát sinh đến khâu cuối cùng là tiêu dùng. Thế nên, người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế.
Đó là lý do mà để kích cầu tiêu dùng, nhiều nước sẽ giảm thuế GTGT, giúp hàng hóa rẻ hơn, thúc đẩy sức mua trên thị trường. Với việc tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% có hiệu lực ngày 5.12 theo Nghị định 126, Grab - ứng dụng gọi xe đang chiếm tới 74,6%, tương ứng với 62,5 triệu cuốc xe trong nửa đầu năm nay theo báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, cũng chính thức tăng giá các dịch vụ của mình. Như thế, tất cả khách hàng của hãng này chính là những người phải gánh phần thiệt hại trực tiếp nhất, nặng nhất.
Chỉ với riêng Nghị định 126, đây không phải loại thuế duy nhất mà cá nhân phải chịu trong năm nay. Cũng có hiệu lực từ 5.12, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay nhận thưởng bằng cổ phiếu sẽ phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân theo nghị định này.
Thị trường chứng khoán gọi đây là “thuế chồng thuế” hay “nhà đầu tư bị thuế đè” bởi hiện tại khi bán cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ, họ đều phải nộp thuế 0,1%. Quan trọng hơn, bản chất của trả cổ tức bằng cổ phiếu và trả cổ phiếu thưởng cho nhà đầu tư chứng khoán không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (tại thời điểm chia), không làm giảm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông, tất cả cổ đông công ty không nhận 1 đồng tiền mặt nào... nhưng họ vẫn bị đánh thuế. Hôm qua, một loạt hiệp hội trong lĩnh vực tài chính đã chính thức có công văn gửi Thủ tướng đề nghị không áp dụng hình thức đánh thuế cổ tức, cổ phiếu thưởng.
Chưa biết kiến nghị có được xem xét hay không, nhưng có thể thấy các cá nhân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong các chính sách thuế của năm nay. Cứ nhìn vào số thu từ thuế thu nhập cá nhân có thể thấy rất rõ điều này. Tính đến hết tháng 10, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 100.413,610 tỉ đồng, bằng 78,06% so với dự toán, tăng 4,35% so với cùng kỳ bất chấp đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, làm cho thu nhập của người lao động giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao nhất trong lịch sử, chưa kể với chính sách nâng mức giảm trừ gia cảnh có hiệu lực từ ngày 1.7.2020.
Dù “nhà thuế” có giải thích gì đi nữa thì con số đã nói lên tất cả. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều kiến nghị, đề xuất nên miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương đều không được xem xét. Thậm chí, như phân tích ở trên, nhiều quy định trong Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý thuế còn tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Đáng lo hơn là những gánh nặng này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lớn của Chính phủ là kích cầu tiêu dùng để kích thích sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là vào dịp cuối năm.
Chính sách thuế không chỉ nuôi dưỡng nguồn thu mà còn phải nhất quán với mục tiêu của Chính phủ chứ không nên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” gây ra những xáo trộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.