Người trẻ “cõng nặng” gánh lo

Thanh Nam
Thanh Nam
08/11/2022 16:20 GMT+7

Dù là học sinh, sinh viên hay người trẻ đi làm đều nặng gánh trên vai bởi những nỗi lo toan.

Nhiều người trẻ cảm thấy nhức đầu, stress vì ngập ngụa trong những nỗi lo

SHUTTERSTOCK

Muôn vàn gánh lo...

Trần Trung Hậu (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết không lâu nữa sẽ tốt nghiệp ra trường đi làm. Tuy nhiên hiện tại Hậu cảm thấy chênh vênh vì không biết có thể tìm được việc làm ưng ý hay không, cũng như chẳng rõ thu nhập sẽ như thế nào, và bản thân liệu có đáp ứng được yêu cầu công việc... Chính những nỗi bận tâm ấy làm Hậu stress.

Chuyện của Hậu cũng là nỗi lòng của nhiều người trẻ hiện nay. Họ cảm thấy mệt nhoài vì những điều vô hình mang tên... lo lắng. Từ học sinh, sinh viên, cho đến những người trẻ đã đi làm đều là người trong cuộc.

Nguyễn Duy Phong (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM) tâm sự: "Năm học cuối cấp có kỳ thi quan trọng nên bản thân rất áp lực. Việc nghĩ đến học phí các trường ĐH đang ngày càng tăng cao đã làm em suy nghĩ, đắn đo có nên học ĐH hay không. Nếu học, thì nên học ngành gì cho dễ tìm việc sau này, học trường nào thì có chất lượng đào tạo tốt... Cứ lo nghĩ nhiều thứ như thế khiến em nhức đầu".

Anh Lê Xuân Tĩnh (32 tuổi, chủ một tiệm cà phê trên đường Tú Xương, Q.3, TP.HCM) ta thán khi ngổn ngang những nỗi lo. Đó là sợ rằng tình hình kinh doanh không khả quan, trong khi chi phí thuê mặt bằng, nhân viên... ngày càng tăng cao. Đó là áp lực cơm áo gạo tiền để lo cho gia đình và người thân cùng "ti tỉ nỗi lo khác" như lời Tĩnh kể. Chính những điều đó đã khiến Tĩnh có nhiều lúc chán chường, bi quan.

Nói như chị Bùi Hoàng Diệu Mai (35 tuổi, nhân viên của công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM) thì những nỗi lo "không chừa một ai", nhất là với người trẻ.

"Bạn bè tôi ai nấy cũng đều chung cảnh ngộ là những nỗi lo đè nặng. Từ người độc thân cho đến người có gia đình. Từ người có thu nhập thấp cho đến người có công việc ổn định, lương cao... Người độc thân lo về chuyện tình yêu, cưới hỏi, không biết liệu có tìm được người phù hợp để yêu thương, sát cánh cả đời. Còn người đã có gia đình lo lắng về đủ mọi khoản chi, hay chuyện sinh con, nuôi dạy con... Mỗi người có những nỗi lo riêng, nhưng đều giống nhau ở chỗ là đều cảm thấy ngột ngạt trong cuộc sống", Mai tâm sự.

Cũng theo Mai: "Bản thân tôi hay lo nghĩ về chuyện tương lai. Tôi lo về những điều khó đoán định trong cuộc sống có thể ập tới bất kỳ lúc nào. Nhất là việc phải chia xa người thân".

Nếu để những nỗi lo chi phối có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe

SHUTTERSTOCK

Đẩy lùi gánh lo bằng cách nào?

Chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM) cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới Vuca (Vuca là viết tắt từ 4 từ Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ).

"Rõ ràng, thế giới chúng ta đang đối mặt đầy thách thức. Có thể kể như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu... Vậy nên bất kỳ ai cũng thường có những nỗi lo. Với người trưởng thành, khi đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống, họ cứng cáp hơn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn, nên họ có bản lĩnh để nhận thức và đối diện với những nỗi lo. Còn với người trẻ, họ chưa va vấp nhiều, nên họ thường cảm thấy mơ hồ, chênh vênh, lo âu, sợ hãi, bất an... và chưa có cách để làm vơi đi những nỗi lo", ông Thịnh nói.

Để khống chế và kiểm soát những nỗi lo, qua đó góp phần giúp mỗi người tự tin và thoải mái hơn trong cuộc sống, cũng như được tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, thay vì cứ rối bời, luẩn quẩn trong mớ bòng bong những nỗi lo.

Ông Thịnh khuyên: "Hãy luôn nhìn cuộc sống này dưới lăng kính tích cực. Ở bất kỳ tình huống nào cũng phải lạc quan. Thay vì ngập ngụa trong những cảm xúc tiêu cực thì hãy nghĩ đến những điều tích cực hơn. Và đặc biệt là có phương pháp để hiện thực hóa những điều tích cực đó".

Ông Thịnh ví dụ cụ thể: "Nếu có lo sợ kết quả học tập không cao, lo thi ĐH không tốt, thì hãy tự tin bản thân sẽ vượt qua được kỳ thi sắp tới, chinh phục những điểm số ấn tượng. Và điều cần làm là cố gắng trong từng tiết học, chăm chỉ và siêng năng hơn. Hoặc thay vì lo sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ thất nghiệp, thì hãy tin tưởng sẽ có công việc ổn định, có mức thu nhập cao. Vậy thì cần nỗ lực trong những năm ngồi trên ghế giảng đường, học thêm nhiều kỹ năng sống, tìm hiểu công việc yêu thích sau này... để khi tốt nghiệp sẽ chinh phục được các công ty, doanh nghiệp".

Một ví dụ khác, ông Thịnh nói: "Đừng lo lắng khi yêu sẽ chia tay, sau hôn nhân sợ rằng sẽ là ly hôn... Cứ kỳ vọng về một tình yêu ngập tràn trong hạnh phúc. Bản thân hãy là người hiểu chuyện, biết tôn trọng và yêu thương người yêu, bạn đời. Có như vậy thì tình yêu sẽ trọn vẹn và vững bền".

Theo ông Thịnh, khi ngập ngụa trong những gánh lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, đặc biệt là có thể rơi vào trầm cảm. Tuy nhiên, bất kỳ nỗi lo nào cũng đều có cách để "gỡ". Mỗi người trẻ nên quẳng gánh lo, hãy thả lỏng bản thân, thư giãn, lạc quan và bình tĩnh sống.

"Những người trẻ có thói quen ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, có chế độ ăn uống lành mạnh, hay trò chuyện với bạn bè người thân... thì sẽ chế ngự những nỗi lo tốt hơn", ông Thịnh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.