Người trẻ kể chuyện chống dịch: 'Gửi cho cái gì cũng tốt, miễn đừng là Covid...'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
15/05/2020 20:30 GMT+7

Chiều 15.5, tại buổi giao lưu “Hành trình Tuổi trẻ thủ đô làm theo lời Bác” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, các thanh niên tiên tiến đã kể về việc kiên cường chống dịch Covid-19 , với những câu chuyện xúc động.

“Chúng tôi phải nhịn ăn, nhịn uống...”

Vị khách mời đầu tiên là bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bác sĩ Giang chia sẻ đã trải qua nhiều ngày ở tại bệnh viện với những kỷ niệm vui, buồn, hạnh phúc.
“Ngay sau tết Nguyên đán, dịch bệnh bùng phát, bệnh viện là nơi phải tiếp nhận những ca bệnh đầu tiên. Chúng tôi phải thực hiện 4 tại chỗ nên nhiều ngày phải sống trong bệnh viện, không được về nhà. Ở đó chúng tôi có nhiều niềm vui, nỗi buồn và cả hạnh phúc. Đó là việc phải chia sẻ lo lắng với bệnh nhân khi họ có kết quả dương tính. Trong khi tin tức về dịch bệnh trong nước và trên thế giới ngày càng xấu, số ca tử vong ngày càng tăng. Chúng tôi phải trở thành bác sĩ tâm lý để trấn an cho bệnh nhân”, bác sĩ Giang kể.
Bác sĩ Giang cũng cho biết, trong bệnh viện, vật bất ly thân là khẩu trang, quần áo bảo hộ, kính, găng tay bởi tỷ lệ nhân viên y tế bị phơi nhiễm rất cao. Vì vậy cứ vào làm việc là phải mặc bảo hộ, chỉ có lúc ăn trưa là được cởi ra vì vậy không dễ chịu chút nào.
“Đã mặc đồ bảo hộ là chúng tôi phải nhịn ăn, nhịn uống nhưng bằng sự quyết tâm, sống và làm việc theo đạo đức của Bác Hồ, chúng tôi vẫn quyết tâm khắc phục hoàn thành nhiệm vụ ”, bác sĩ Giang nói.

Bác sĩ Trần Văn Giang kể về những ngày chống dịch ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Ảnh Bảo Anh

Trong lúc chống dịch cũng có lúc bác sĩ cảm thấy bất an, nhất là khi có những nhân viên y tế đã bị lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó là những ngày dài không được về bên gia đình.
“Chúng tôi và nhiều bác sĩ khác đều dành toàn bộ thời gian ở lại bệnh viện chống dịch. Cứ cuối ngày chúng tôi lại ngồi lại với nhau kể và chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để gia đình yên tâm. Những cuộc gọi về gia đình chỉ thông báo sức khỏe của mình và hỏi sức khỏe của con cái bố mẹ. Và thấy họ đều khỏe mạnh cũng là động lực để chúng tôi quyết tâm chống dịch”, bác sĩ Giang trải lòng.
Theo bác sĩ Giang thì bên cạnh những lo lắng, các bác sĩ cũng có những giây phút hân hoan khi bệnh nhân xét nghiệm âm tính và hạnh phúc khi được tiễn bệnh nhân ra viện. “Chúng tôi rất xúc động khi được các mạnh thường quân và người dân chia sẻ, ủng hộ về vật chất và tinh thần. Đó là động lực để chúng tôi vượt qua những ngày chống dịch”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Những bữa ăn tối lúc 10 - 11 giờ đêm

Cũng là người đã xung phong đi tuyến đầu chống dịch, Dương Thu Hương, sinh viên tình nguyện Trường đại học Y tế công cộng đã kể về những ngày tháng làm việc cật lực để hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hà Nội. Hương cho biết bạn đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở các trạm dã chiến, sân bay với số lượng lên tới 200 - 300 mẫu/ngày.
“Kỷ niệm đáng nhớ với chúng tôi là những bữa ăn tối thường vào 10 - 11 giờ đêm. Một tháng 30 bữa ăn như thế. Bởi việc lấy mẫu tập trung 200 - 300 mẫu/ngày. Đến 6 - 7 chiều giờ mới xong, để mang đến gửi mẫu cho CDC Hà Nội. Lúc về nơi làm việc để ăn cơm thì đã 10 - 11 giờ đêm, cơm rất cứng rồi. Vì thế chúng tôi cùng nhau pha mì tôm ăn”, Hương kể.

Buổi giao lưu của các thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Ảnh Bảo Anh

Cô gái trẻ cũng cho biết, ấn tượng những ngày chống dịch chính là tình cảm của người dân dành cho mình. “Bà con đã ủng hộ chúng tôi nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, và bảo mong chúng tôi có sức khỏe, để giúp cộng đồng vượt qua dịch bệnh”, Hương kể lại.
Nói về lý do tình nguyện đi chống dịch, Hương cho biết đó chính là sức trẻ và kiến thức được trang bị ở trường học. “Chúng tôi có sức trẻ là sự nhiệt huyết để đem đến điều tốt đẹp trong xã hội. Chúng tôi còn được trang bị kiến thức ở Trường đại học Y tế công cộng, nên sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch. Vì thế sau khi có lời phát động chỉ trong vòng 1 ngày, có 250 sinh viên trường tôi đăng ký. Nhưng nhà trường chỉ chọn 40 sinh viên ưu tú tham gia và chúng tôi đã thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh”, Hương chia sẻ.

"Không hiểu sao chúng tôi máu thế"

Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Dũng, Phó bí thư Phụ trách Đoàn Thanh niên xã Mê Linh, H.Mê Linh, Hà Nội, khiến hội trường râm ran tiếng vỗ tay. Anh là người đã ở tâm dịch thôn Hạ Lôi để chiến đấu với Covid-19. Anh Dũng kể, khi nhận được tin thôn Hạ Lôi có người dương tính với Covid-19 là lúc anh đang đi kiểm tra giám sát phòng chống Covid-19 ở cơ sở.
“Khi ấy tôi phải hoàn thiện nhanh công việc để rút về ủy ban xã họp. Trong cuộc họp tôi cũng lo lắng vì trước đây đội hình thanh niên được thành lập chủ yếu phòng dịch là chính. Giờ có ca nhiễm thì còn phải chống dịch với nhiệm vụ khác biệt nhiều. Khi ấy tôi đã nhận tất cả nhiệm vụ của thanh niên, huy động khẩn trương 10 đoàn viên trực các chốt trong thôn để thực hiện cách ly”, anh Dũng kể.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng: "Không hiểu sao lúc đó chúng tôi lại máu thế!"

Ảnh Bảo Anh

Ấn tượng khi thực hiện nhiệm vụ trong những ngày chống dịch của anh Dũng chính là việc vận chuyển “quá sức tưởng tượng” lượng nhu yếu phẩm của các đơn vị, các mạnh thường quân ủng hộ cho khu cách ly.
“Nhiều mạnh thường quân gửi nhu yếu phẩm thiết bị y tế gửi về thôn chúng tôi. Chúng tôi tiếp nhận vận chuyển, chuyển giao đến ban chỉ đạo và người dân trong thôn. Bây giờ nhớ lại lúc đấy không hiểu tại sao thanh niên chúng tôi lại máu như thế. Tôi còn nhớ có những ngày chúng tôi nhận 20 tấn gạo, trên 10 tấn rau xanh. Chúng tôi phải bê, khuân vác toàn bộ lên xe máy cá nhân mang để mang về kho. Nhưng gạo thì có thể để trong kho, còn rau xanh thì phải chuyển ngay cho dân vì không để lâu được. Với số lượng 20 - 30 tấn như vậy, chúng tôi phải vận chuyển qua lại trong ngày lên tới hàng trăm tấn”, anh Dũng kể.
Có một kỷ niệm mà anh Dũng “nghĩ lại vẫn thấy vui” đó là việc “nhận gà được cá”. Anh Dũng kể: “Ở tâm dịch lúc đó thì toàn bộ quy trình gửi sản phẩm của người tiếp tế phải buộc kỹ trong túi nilon, khử khuẩn rồi gửi cho người tiếp nhận. Có lần một gia đình người dân được bà con phương xa gửi tặng một con gà. Cả nhà đã chuẩn bị vật dụng để chế biến món gà, nhưng mở ra lại thành cá, do chúng tôi gửi nhầm. Thế nhưng khi gọi điện trực tiếp để xin lỗi hai bên gia đình bị nhầm mặt hàng, thì chúng tôi nhận được sự đồng cảm của dân. Họ nói vui: “Gửi cho cái gì cũng tốt, miễn đừng gửi Covid-19 là được!” 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.