Người trẻ mang kịch cà phê về đất mũi Cà Mau

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
04/07/2022 11:42 GMT+7

Mỗi người một ngành nghề nhưng với niềm đam mê với diễn xuất, nhóm kịch của anh Trần Hoàng Phúc (27 tuổi) vẫn miệt mài mang kịch cà phê đến với người dân TP.Cà Mau hoàn toàn miễn phí.

Kịch cà phê - một sân chơi mới

Kịch cà phê đã có mặt từ lâu tại TP.HCM nhưng với người dân TP.Cà Mau thì đây là một thể loại có phần mới mẻ. Mong muốn mang đến một hình thức giải trí mới cho người dân đất mũi cũng như để thỏa niềm đam mê với nghệ thuật, anh Trần Hoàng Phúc cùng những người bạn tổ chức các buổi diễn kịch tại quán cà phê Nhiệt Đới.

Các diễn viên nhập tâm vào vai diễn của mình không khác gì trên sân khấu kịch chuyên nghiệp

Nguyễn Điền

Tốt nghiệp ngành văn học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, anh Phúc dự định ở lại TP.HCM để theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên anh buộc phải về quê làm việc.

Trong khoảng thời gian làm việc ở TP.Cà Mau, anh cùng những người bạn có chung niềm đam mê diễn xuất thành lập nhóm kịch trẻ. Với lợi thế về mảng văn học, anh Phúc chịu trách nhiệm viết kịch bản.

“Vấn đề lớn nhất của mỗi thành viên là cân bằng giữa áp lực mưu sinh và duy trì niềm đam mê. Nhờ cơ duyên, trong một lần đến với quán cà phê Nhiệt Đới và được sự chiếu cố của chủ quán mà cà phê kịch đã ra đời. Tất cả buổi diễn đều không thu phí và trên tinh thần cây nhà lá vườn, anh em hợp sức cùng nhau từ bối cảnh, âm thanh…”, anh Phúc chia sẻ.

Được thành lập từ năm 2020, nhóm kịch của anh Phúc nỗ lực duy trì một suất diễn mỗi tháng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm kịch tạm ngừng hoạt động trong năm 2021 và mãi đến tháng 6 năm nay mới quay trở lại đầy ấn tượng với trích đoạn trong vở Đời cô Lựu.

Trước đó, nhóm của anh Phúc đã rất thành công với những trích đoạn kịch như Trà hoa nữ, Tấm lòng của biển. Trong tương lai, anh mong muốn sẽ tăng suất diễn mỗi tháng.

Trong không gian quán cà phê, khán giả và nghệ sĩ rất gần với nhau khiến diễn viên dễ bị chi phối

Nguyễn Điền

Chị Dương Cầm (32 tuổi, một thành viên nhóm kịch, quê Cà Mau) cho biết kịch cà phê là một sân chơi mới, tất cả diễn viên chưa qua trường lớp đào tạo nên gặp nhiều khó khăn. Theo chị Cầm, mỗi người đều có công việc riêng nên việc sắp xếp thời gian tập luyện cũng khá vất vả.

“Vì diễn trong không gian quán cà phê nên nghệ sĩ và khán giả rất gần với nhau khiến diễn viên dễ bị chi phối. Do đó, người diễn viên phải diễn một cách tinh tế để không bị bó buộc hành động mà vẫn linh hoạt trong nét diễn. Quá trình chọn lọc kịch bản cũng phải tinh gọn, rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn đọng lại trong lòng khán giả”, chị Cầm chia sẻ.

Anh Lê Thọ, chủ quán cà phê Nhiệt Đới (đường Tô Hiến Thành, P.5, TP.Cà Mau), cho biết: “Là một người theo và đam mê nghệ thuật nên tôi hiểu, thương và đồng cảm với anh chị em nghệ sĩ. Kịch cà phê là một loại hình văn hóa đặc sắc. Tôi muốn tạo điều kiện để nó có thể tiếp tục phát triển và đến gần với người trẻ hơn”.

Trần Hoàng Phúc (bên phải) giao lưu cùng khán giả

Nguyễn Điền

Mang kịch đến với người trẻ

Nhờ những suất diễn hiếm hoi tại quán cà phê Nhiệt Đới, kịch cà phê dần dần có chỗ đứng tại TP.Cà Mau, thu hút một lượng khán giả riêng, nhất là người trẻ.

Sau khi xem trích đoạn kịch Đời cô Lựu, khán giả Trần Văn An (25 tuổi, ngụ đường 3/2, T.P Cà Mau) chia sẻ: “Tôi thật sự xúc động vì các anh chị diễn xuất rất xuất thần. Chỉ với một chiếc bàn, vài đạo cụ nhỏ nhưng vẫn truyền đạt được đầy đủ nội dung, cảm xúc và đặc biệt mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc”.

Còn Hoàng Thu Uyên ( 27 tuổi, ngụ đường Tô Hiến Thành, TP.Cà Mau) cho biết: “Tôi đến quán để uống nước và may mắn ngày hôm đó có diễn kịch. Được xem các anh chị khóc cười trên sân khấu, mình cũng được tiếp thêm động lực. Nghe những chia sẻ của nhóm kịch sau vở diễn, tôi càng thêm thương, ngưỡng mộ sự đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật của những người nghệ sĩ này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.