Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Trái tim người lính...

Phạm Hữu
Phạm Hữu
22/04/2020 07:13 GMT+7

'Chống dịch như chống giặc, mặt trận nào cần người lính thì người lính phải đi đầu. Người lính mà, nửa trái tim dành cho Tổ quốc và nửa còn lại dành cho gia đình. Tôi phải hoàn thành nhiệm vụ trước rồi về với gia đình được”.

Anh bộ đội Nguyễn Hoài Nam chia sẻ công việc trong những ngày đầu Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM) trở thành khu cách ly chống dịch.

Trắng đêm phục vụ người cách ly

Nguyễn Hoài Nam (28 tuổi) và Vũ Ngọc Hiếu (24 tuổi), học viên ngành Quân sự cơ sở, Trường quân sự Quân khu 7, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, có những chia sẻ với PV Báo Thanh Niên về những ngày phục vụ trong khu cách ly. Hai chiến sĩ cho rằng cuộc chiến này không của riêng ai và mỗi cá nhân phải góp sức chiến đấu đến cùng.
Như những chiến sĩ trẻ trong tuyến đầu chống dịch, mỗi người một việc, Hoài Nam được phân công phụ trách quản lý toàn bộ hoạt động. Còn Ngọc Hiếu phụ trách phục vụ trực tiếp một khu vực trong khu cách ly.
Khu cách ly có sức chứa khoảng 500 người, chia ra 2 dãy nhà. 2 tổ phục vụ được thành lập, mỗi tổ gồm 13 chiến sĩ. Những người đến khu cách ly thuộc nhiều nơi trên thế giới. Đa phần là du học sinh, công dân Việt, những người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Mỗi ngày, các chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với đơn vị y tế ở từng công đoạn cụ thể. Đó là tiếp nhận, lập danh sách và phân bổ người cách ly đến từng phòng, hỗ trợ bác sĩ đo nhiệt độ. Lau dọn khu vực vệ sinh, dọn rác theo đúng quy trình xử lý dịch tễ. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt, các chiến sĩ ghi nhận tình hình rồi chuyển người vào khu “đặc biệt” để bác sĩ theo dõi.
Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Trái tim người lính...1

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Hoài Nam trong những ngày chống dịch

“Mỗi ngày, chúng tôi đều phải tiếp xúc trực tiếp với người cách ly và làm việc liên tục như phát cơm tại phòng, di chuyển đồ đạc. Ngoài ra, chúng tôi còn lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người cách ly từ những vấn đề nhỏ nhất, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao”, Hoài Nam cho biết.
Những ngày đầu chống dịch là cực nhất. Do người từ nước ngoài về lệch múi giờ nên Nam và Hiếu hầu như thức trắng đêm để phục vụ, từ lo các bữa ăn giữa đêm, vác hành lý của người cách ly khi chuyến bay đến trong đêm. Có ngày, lượng người vào khu cách ly đến gần 400 người cùng lúc. Vài người lớn tuổi có bệnh sẵn trong người nên đôi lúc Hiếu cũng thức canh để kịp thời hỗ trợ.
Hiếu xúc động nói: “Tôi thì mỗi ngày phải mặc đồ bảo hộ ít nhất 3 lần, nhiều nhất 5 đến 6 lần khi lên phòng tiếp xúc với người cách ly. Những vết hằn đỏ trên đôi tai từ những chiếc khẩu trang kéo dài liên tục nhiều ngày. Những lúc di chuyển, thiết bị bảo hộ còn gây ra trầy xước trên mang tai hay khóe mắt”.
Hay có lần, tại dãy phòng Hiếu phục vụ có hai mẹ con đi cùng chuyến bay nghi dương tính với Covid-19. Người mẹ và con mỗi người ở mỗi phòng riêng biệt. Khoảng 6 ngày đầu, Hiếu đều tiếp xúc và phát cơm cho họ. Đến ngày thứ 7, người mẹ được chuyển đi nơi khác, còn người con chuyển vào phòng “đặc biệt” tại khu cách ly. Một ngày sau, người con cũng được chuyển đến nơi khác khiến Hiếu cảm thấy lo lắng.
“Ban đầu, anh em dao động lắm, chúng tôi phải xịt khử khuẩn liền căn phòng đó. Anh em cũng được đưa đi xét nghiệm lần đầu thì âm tính, lần thứ hai cũng âm tính nên mọi người cảm thấy yên tâm phần nào và tiếp tục công việc. Tôi còn nhớ trường hợp đó khi người con còn đang trong tình trạng nghi nhiễm. Biết mình đang trong tình trạng đặc biệt, để tránh tiếp xúc với chúng tôi, anh ngồi một mình trong phòng rồi nói lớn, để cơm bên ngoài, sau đó anh tự ra lấy chứ không cho bộ đội đến phát cơm tiếp xúc với mình”, Hoài Nam kể về kỷ niệm trong khu cách ly.
Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Trái tim người lính...2

Nhiều du học sinh chụp ảnh kỷ niệm với Ngọc Hiếu trong ngày rời khu cách ly

Tiếp xúc với hàng trăm người cách ly, tuy vậy Nam và Hiếu cho rằng không gì đáng phải lo ngại nếu tuân thủ đúng quy trình bảo hộ của y tế. Bên cạnh đó, chiến sĩ nhận được lời động viên từ lãnh đạo và những người cách ly nên việc lo lắng dịch bệnh cũng vơi đi phần nào.

Thành “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ

Để người vào khu cách ly không bị tù túng hoặc nhàm chán, các chiến sĩ nơi đây đã nghĩ ra nhiều cách cho người dân cảm thấy như đang ở nhà. Mỗi tầng sẽ thành lập nhóm trao đổi online bằng mạng xã hội. Miễn ai có yêu cầu hoặc ý kiến gì đều nhắn tin vào nhóm. Người phụ trách sẽ giải đáp cụ thể cho người cách ly nắm bắt.
Buổi chiều tối, bộ đội thường tổ chức chương trình phát nhạc theo yêu cầu. Một chiếc loa kẹo kéo được kéo đi khắp sân trong khu cách ly. Hễ ai thích nhạc gì thì yêu cầu chiến sĩ bộ đội đáp ứng trong giới hạn cho phép. Những ngày có sinh nhật của người nào đó, chiến sĩ trẻ cũng đáp ứng yêu cầu mở bài hát chúc mừng sinh nhật cho tất cả mọi người đều nghe.
“Bên cạnh đó, động viên tinh thần cho người cách ly là cực kỳ gian nan. Nhất là những người nước ngoài, những người đến Việt Nam làm việc và khác biệt ngôn ngữ, văn hóa nên hơi khó khăn. Thậm chí buổi sáng, trưa và chiều, anh em luôn tìm cách hỏi thăm, lấy ý kiến người cách ly để họ cảm thấy không bị gò bó, ép buộc”, Hoài Nam chia sẻ thêm.
Điều mong mỏi nhất bây giờ của 2 chiến sĩ khi dịch bệnh đi qua là được về nhà thăm gia đình cho thỏa nỗi nhớ mong. “Vợ mình đang có bầu được 5 tháng rồi. Từ tết đến giờ mình vẫn chưa về thăm vợ được. Mình cũng thường xuyên gọi điện động viên vợ, thông báo tình hình cho vợ nắm, động viên vợ và gia đình”, Hoài Nam chia sẻ về những tháng ngày chống dịch.
Không riêng gì với Nam và Hiếu, đối với các chiến sĩ, không ai ngờ một ngày mình lại thực hiện công việc “trái ngành” như vậy. Nhưng vì cái chung, ai nấy cũng chiến đấu hết mình với loại “giặc vô hình” này. Điều đọng lại với 2 chiến sĩ sau những ngày vừa qua là tình quân - dân gắn kết. Thậm chí, những người đến và đi còn hứa hẹn gặp lại sau khi hết dịch nhưng… không phải trong khu cách ly.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.