Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ tìm kiếm thông tin về công việc trồng trọt tại các nông trại ở Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Muốn làm nông cũng phải có kiến thức
Triệu Quý (28 tuổi, quê Thái Nguyên), đang làm việc ở nông trại vùng Margaret river, Tây Úc, cho biết: “Muốn đi qua làm nông không phải chuyện đơn giản. Bạn phải có chứng chỉ IELTS tối thiểu 4.0, phải có sẵn khoảng 20 triệu đồng để làm thủ tục, giấy tờ và những chi phí khác. Mình cũng đã có kinh nghiệm làm nông từ nhỏ nên mới tự tin qua đây".
Quý cho biết theo diện visa 462 (lao động và nghỉ dưỡng), người trẻ từ 18-30 tuổi được phép sang Úc lao động, có xác nhận đã học đại học, cao đẳng. Nếu mong muốn làm trong các nông trại, bạn còn cần phải có nhà thầu nhân sự uy tín, đảm bảo luôn có việc làm cho mình.
Lương trung bình Quý nhận được hằng tháng là 50 triệu đồng. Đi làm nông trại tại nước ngoài còn mang lại cho Quý những trải nghiệm thú vị về những người địa phương thân thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là vẫn phải học tốt tiếng Anh để không bị cô lập, gây ra stress cho bản thân.
Nguyễn Thị Xuân (26 tuổi, quê Hà Nội) cũng là người làm trong một nông trại tại Úc theo diện nhân lực có tay nghề. Mỗi ngày làm 8 tiếng, Xuân được nghỉ 45 phút buổi trưa. Công việc của Xuân là chọn lọc kỹ, đóng gói thật đẹp cho loại nho Ralli đắt và quý hiếm. Đến lúc thu hoạch, Xuân tỉa những quả hư hỏng, không đúng màu.
Năm 2017, khi vừa tròn 18 tuổi, Xuân xin visa 462 cho người lao động để sang Úc làm nông. Khi đang làm việc tại một nông trại, được 3 tháng, không thể nâng cao tay nghề vì chưa từng làm nông, Xuân bị chủ nông trại phàn nàn, đành tạm về nước. Xuân mất 50 triệu đồng bao gồm chi phí ăn ở, đi lại. Vì yêu cuộc sống ở Úc, cô về Việt Nam ôn thi, quyết định tham gia học cao đẳng ngành nông lâm, và tiếp tục xin qua Úc làm việc được hơn 3 năm.
“Lần bị yêu cầu trở về nước, mình đã rất sợ hãi. Vì thế, mình tìm hiểu, dù bất kỳ làm công việc gì tại Úc, bạn đều cần phải có bằng cấp. Mình nghĩ, học tập vẫn luôn là điều ưu tiên của các bạn trẻ trước khi quyết định đi làm kiếm tiền”, Xuân kể.
Làm việc nông trại yêu cầu sức khoẻ và sự bền bỉ
Lê Thu Hân (20 tuổi) đang là du học sinh tại ĐH Yonsei (Seoul, Hàn Quốc), vì muốn kiếm thêm thu nhập nên trong những ngày nghỉ hè đã xin vào làm nông trại. Đa số nông trại tại Hàn Quốc đều cách xa trung tâm thành phố khoảng 100km. Vì vậy, mỗi ngày đi làm, Hân phải dậy từ lúc 4 giờ sáng đi với xe đưa rước của nông trại để tới nơi làm việc.
Hân được đi khắp các nông trại ở Hàn Quốc để hái dâu, hái táo, trồng tỏi… Nhưng cũng có những ngày Hân chỉ đi hái lá táo là đã kiếm được tiền. Mỗi sáng sẽ được quản lý nông trại phát một gói mì tôm để ăn, buổi trưa người lao động tự ăn cơm riêng. Khi làm công việc hái lá táo, Hân phải cực kỳ nhẹ tay, tránh làm rụng quả. 10 tiếng làm việc, Hân được khoảng 1,5 triệu đồng.
Hân cho biết, ở Hàn Quốc vào tháng 5 đến tháng 6 rất nhiều nông trại tuyển lao động thời vụ. Chỉ trong 2 tháng, người trẻ có thể kiếm được gần 50 triệu đồng. Còn những người làm cố định, toàn thời gian. Mỗi tháng thu nhập trung bình 40 triệu đồng, được cung cấp chỗ ở.
Tuy nhiên, vì sức khoẻ yếu, cuối tháng thứ 2, gần hết hợp đồng, Hân đã cảm thấy chán nản. Một hôm, vì cảm thấy mệt mỏi, Hân không thể thức dậy sớm đi làm. Dù đã xin phép người quản lý, nhưng Hân vẫn bị trừ 50% lương và không được tiếp tục làm. Trong hợp đồng quy định, có những ngày cao điểm, người lao động không được phép nghỉ nếu không có giấy xác nhận đau ốm của bệnh viện hoặc gặp vấn đề lớn trong gia đình.
"Làm nông cũng như bao công việc khác, cần thể lực nhiều hơn và làm trong môi trường nắng, gió. Đối với người yêu thiên nhiên thì đó lại là một công việc mang lại niềm vui. Đối với mình lại là quá sức, vì mình chưa biết chút gì về lao động ở những nông trại, nông trường", Hân ngậm ngùi kể.
Trần Thuý Linh (27 tuổi, quê Gia Lai) làm việc tại một công ty chuyên sản xuất rau hữu cơ của Nhật Bản đặt tại Đài Loan. Linh mong muốn đến Đài Loan để làm việc lấy kinh nghiệm. Dù học và làm đúng chuyên ngành, nhưng Linh vẫn chưa được làm việc tại các nông trường lớn, có địa hình khó. Vì địa hình vùng núi, lại đòi hỏi thao tác, di chuyển linh hoạt, trong lúc đi bộ vận chuyển rau giống, Linh trượt chân ngã gãy tay. Linh mất 1 tháng tiếp theo để chữa trị và hồi phục.
"Làm công việc gì cũng phải có hiểu biết, hiểu cả về nghề lẫn sự tương tác với những người trong nghề. Mình nghĩ mọi khó khăn, rắc rối đều bắt nguồn từ thiếu hiểu biết. Một khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dù đi đâu hay làm gì cũng sẽ dễ thở hơn rất nhiều", Linh chia sẻ.
Lê Vạn Hiền (30 tuổi, quê Đắk Lắk) làm việc nông nghiệp hơn 3 năm tại Úc. Anh cũng đã có dịp đi hết Đông Nam Á cùng nhiều quốc gia khác trong 7 năm qua để hiểu cuộc sống lao động tại nước ngoài.
Hiền cũng là một người năng nổ chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ trên mạng xã hội khi có ý định sang nước ngoài làm nông nghiệp. Đối với Hiền, nông nghiệp tại Úc mang lại rất nhiều trải nghiệm mới. Những khoảnh khắc một mình trên công nông lái tự động, thu hoạch 1.000 ha nông sản khiến cậu hài lòng về việc ra nước ngoài làm nông.
"Công việc là sự lựa chọn. Chọn công việc phù hợp với khả năng của mỗi người thì sẽ không có vấn đề quá lớn xảy ra. Phải xác định được lý do tại sao bạn phải ra nước ngoài. Nếu đến để trải nghiệm, tinh thần thoải mái, mọi khó khăn cũng không phải là vấn đề", Hiền khẳng định.
Bình luận (0)