Nhờ một trưởng thôn như ông Hoàng Văn Diệp (thôn Làng Nủ) mà cuộc tìm kiếm những người bị mất tích thuận lợi hơn rất nhiều. Sau trận lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ gần như bị xóa sổ. Nhờ gần dân, nắm chắc nhân khẩu trong thôn, ông Diệp nhanh chóng rà soát lại từng người xem ai còn, ai mất, và lo hậu sự chu đáo cho những người xấu số được tìm thấy. Ông cũng là người chỉ dẫn, hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân. Kể lại thời khắc tang thương ở Làng Nủ, ông Diệp nói: "Đọc danh sách và đi nhận diện từng thi hài người dân, bản thân tôi rất đau xót với những mất mát đau thương của các gia đình". Coi nỗi đau của dân là nỗi đau của bản thân mình như thế, phải là những người cán bộ rất gần dân.
Cũng nhờ có một trưởng thôn như anh Ma Seo Chứ (thôn Kho Vàng) mà 115 hộ dân kịp thời di dời đến nơi an toàn tránh lũ. Thời điểm ấy, khi mưa lớn không ngớt, thấy không an tâm, anh và một vài người đội mưa đi kiểm tra quả đồi bên trên và phát hiện vết nứt khoảng 20 cm. Lo lắng sạt lở, anh lập tức trở về, vận động bà con di dời lên một ngọn núi cách khu dân cư khoảng 400 - 500 m, dựng lều bạt lánh nạn. Sau gần 3 ngày mất liên lạc, 115 người ở thôn Kho Vàng được tìm thấy trong niềm vui khôn xiết. "Thời điểm đó tôi chỉ nghĩ đến tính mạng của bà con nên quyết định di tản, không suy nghĩ nhiều", anh Ma Seo Chứ bộc bạch.
Việc "chỉ nghĩ đến tính mạng của bà con" giúp anh Chứ đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời trong tình huống nguy cấp đó. Tất nhiên, quyết rồi, để dân đồng thuận theo thì vị trưởng thôn còn phải hiểu được dân và nói được cho dân hiểu. Trong khi "nước xa không cứu được lửa gần", liên lạc đứt gãy, thì chỉ có lực lượng tại chỗ như ông Hoàng Văn Diệp hay anh Ma Seo Chứ mới là người đưa ra quyết định. Trong quyết định ấy là sinh mạng của hàng trăm con người mà họ coi như những người ruột thịt của mình.
Chân dung 2 trưởng thôn Làng Nủ và Kho Vàng: Những người hùng trong thảm họa
Nhiệm vụ của những trưởng thôn ấy rất nặng nề, vai trò của họ có tính then chốt xét cả trong quan hệ giữa Đảng với dân, giữa công dân với Nhà nước. Sức mạnh của hệ thống chính trị, sự ổn định của xã hội… vì thế sẽ gắn liền với năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ cơ sở. Mỗi cán bộ cơ sở tốt sẽ giúp củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với dân. Hiệu lực quản lý của bộ máy ở cơ sở cũng theo đó bền vững hơn.
Là những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, do dân bầu trực tiếp; là người cùng sống, gắn bó hằng ngày tại địa bàn, các trưởng thôn hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, từng người dân. Họ như cái "túi" tiếp nhận thông tin, chủ trương, chính sách của nhà nước để chuyển tới người dân. Họ cũng là người đầu tiên lắng nghe những khó khăn, bức xúc của dân để chuyển đến cơ quan cấp trên. Phụ cấp thì ít ỏi nhưng công việc quá bận rộn, họ thực sự là những người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Bởi vậy, chăm lo quyền lợi, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các trưởng phó thôn bản, đặc biệt ở vùng xa xôi, hẻo lánh là việc làm cần thiết và cấp thiết.
Bình luận (0)